Đồng thời, các em cần phải biết vận dụng các thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… trong quá trình tạo lập văn bản.
Trong cuộc sống chắc chắn bạn sẽ cần phát biểu ý kiến, quan điểm của mình về một vấn đề xã hội; sẽ trình bày đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật…
Có nhiều lúc sẽ là đưa ra lý lẽ, dẫn chứng để trao đổi, bàn bạc với bạn bè về một xu hướng, một cách giải quyết…
Đó là nhu cầu được bày tỏ, phát biểu tư tưởng, nhận xét của bản thân về mọi thứ xung quanh. Và rõ ràng những lúc ấy bạn sẽ cần đến văn nghị luận.
Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng trong đời sống, xã hội và con người. Nó cũng là thể văn trọng tâm của chương trình Ngữ văn THCS, THPT.
Đó là thước đo cơ bản về khả năng lĩnh hội kiến thức, tiếp cận đời sống và kiến giải mang tính cá nhân và góp phần rèn luyện tư duy. Không chỉ vậy, phương thức biểu đạt này cũng quen thuộc và cần thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống, trong công việc.
Đâu là “linh hồn” của bài viết?
Văn nghị luận là một dạng văn được trình bày nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó.
Trong bài văn nghị luận người viết, người nói dùng chủ yếu các lý lẽ, các dẫn chứng sau đó lập luận nhằm nổi bật luận điểm để giúp cho người đọc, người nghe tin, tán thưởng và hiểu để cùng đồng hành với người viết, để hướng tới những vấn đề cần thiết trong đời sống hay cảm nhận được giá trị của các tác phẩm văn chương.
Nếu văn tự sự gắn với nhân vật, sự việc, tình huống, ngôi kể; văn biểu cảm gắn với những cảm xúc, tình cảm nội tại của người viết… thì mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận.
Có thể có các luận điểm chính, luận điểm xuất phát, luận điểm khai triển. Luận điểm phải được nêu ra dưới hình thức của một câu khẳng định hay phủ định. Đây là linh hồn của bài viết. Để làm rõ luận điểm không thể thiếu luận cứ. Đó là bước đưa ra dẫn chứng và lí lẽ nhằm sáng tỏ luận điểm.
Lập luận là cách tổ chức vận dụng lí lẽ, dẫn chứng sao cho luận điểm được nổi bật và có sức thuyết phục. Lập luận bao gồm các cách suy lý, quy nạp, diễn dịch, so sánh, phân tích, tổng hợp sao cho luận điểm đưa ra là hợp lý, không thể bác bỏ.
Trong chương trình THCS và THPT, các loại văn nghị luận gồm có nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị luận xã hội có thể chia thành 2 dạng là nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống; nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí.
Nghị luận văn học với nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ và nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Trong đó lại có những dạng cụ thể hơn nữa, kiến thức lại phức tạp hơn.
Văn bản nghị luận là một kiểu văn bản mà việc tạo lập là vô cùng khó đối với học sinh THCS. Nó không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức chính xác sâu rộng, phong phú; những suy nghĩ, quan điểm đúng đắn về văn chương, về đời sống xã hội, mà đòi hỏi cả sự tư duy lôgíc, chặt chẽ, với những cách lập luận sắc sảo, thấu tình đạt lí thì mới có thể hấp dẫn thuyết phục được người đọc người nghe.
Trong nội dung chương trình sách giáo khoa hiện hành đều đưa ra những bài học về cách thức tạo lập văn bản nghị luận. Ở lớp 7 bao gồm phần tìm hiểu chung về đặc điểm bài văn nghị luận, cách làm bài văn lập luận chứng minh, cách làm bài văn lập luận giải thích. Lớp 8 gồm ôn tập về luận điểm và hướng dẫn cách sử dụng yếu tố miêu tả, tự sự và biểu cảm vào bài văn nghị luận.
Lớp 9 gồm hướng dẫn về về phép lập luận phân tích và tổng hợp, cách làm bài nghị luận về sự việc hiện tượng đời sống; về một vấn đề tư tưởng đạo lí; về một bài thơ đoạn thơ và về một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Lớp 6 theo chương trình mới có dạng bài nghị luận về một sự kiện đời sống…
Như vậy, các em phải được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tạo lập được đoạn văn, bài văn nghị luận. Phải có định hướng, bồi đắp cách xác định vấn đề, ngôn từ, các phương thức biểu đạt khác để viết được bài văn nghị luận hay.
Văn nghị luận là văn phân tích
TS Chu Văn Sơn đã viết trong bài “Muốn trở thành cây bút bình thơ” đăng trên báo “Văn học & Tuổi trẻ” (Tập 45 năm 1999) như sau: “Thao tác cơ bản nhất của văn nghị luận là phân tích. Bởi như bạn biết đấy, phân tích nếu chiết tự ra thì “phân” hay “tích” đều có nghĩa là “cắt xẻ, tách ra”.
Song tách ra không phải là để tách ra mà như Từ điển đã định nghĩa “Phân tích là cơ sở để tổng hợp, tổng hợp là mục tiêu của phân tích”… Bởi đây là thao tác thông dụng nhất nên có thể định nghĩa cực đoan: Văn nghị luận là văn phân tích.
Các thể văn cơ hồ chỉ khác nhau ở tính định hướng, ở mục đích của việc phân tích thôi. Nếu phân tích nhằm minh họa, làm sáng tỏ một vấn đề nào đó, ấy là bạn đang làm văn chứng minh.
Còn phân tích nhằm cắt nghĩa, lí giải một vấn đề nào đó thì sẽ là giải thích. Và tất nhiên, việc phân tích để hướng vào bàn bạc tranh luận, trao đổi, đánh giá một vấn đề nào, thì tức là bạn đang làm văn bình luận rồi…”.
Ý kiến của TS Chu Văn Sơn chủ yếu đi sâu vào các thao tác tạo lập nghị luận văn học. Nghị luận xã hội cũng yêu cầu các thao tác trên, nghĩa là phải giải thích, nêu biểu hiện, chỉ ra ý nghĩa, tác dụng (nghị luận về tư tưởng đạo lý) hay liên hệ thực tế để chỉ ra thực trạng, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, phân tích đúng – sai, lợi – hại,… từ đó chỉ ra bài học nhận thức và hành động.
Các dạng văn nghị luận xã hội có thể khác nhau về trình tự lập luận nhưng mục đích cao nhất vẫn là định hướng, đưa ra những biện pháp, giải pháp cụ thể để người đọc, người nghe làm theo những điều đúng đắn, từ bỏ những cái sai, những tư tưởng hành động vượt ra khỏi chuẩn mực của xã hội.
Cũng vì yêu cầu thiết thực, cụ thể như thế cho nên đứng trước một đề văn nghị luận, trước hết người viết cần nhận biết yêu cầu hình thức lập luận, thao tác chính cần sử dụng.
Nếu giải thích cần chú ý trả lời các câu hỏi là gì, vì sao, như thế nào để giúp người đọc hiểu rõ ràng, cặn kẽ; nếu chứng minh cần lựa chọn, sắp xếp dẫn chứng phù hợp bên cạnh hệ thống lý lẽ để chứng tỏ điều mình nói đến là đúng đắn.
Nếu phân tích cần cụ thể, cắt nghĩa từng từ, từng câu, dấu câu, hình ảnh, biện pháp tu từ, ngôi kể, nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật… để chỉ ra từng khía cạnh, phương diện… Tiếp theo là phải rèn kỹ năng tìm ý. Phải đọc thật kỹ đề, gạch ra từng từ khóa để chỉ ra ý cốt lõi. Từ đó sẽ xây dựng được hệ thống luận điểm, sắp xếp luận điểm và triển khai phù hợp.
Một bài văn nghị luận, đặc biệt ở phần thân bài có thể được triển khai thành nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn có thể trình bày nhiều cách khác nhau như diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp,… nhưng rất cần thiết phải có câu chủ đề để chứa luận điểm.
“Mọi con đường đều dẫn tới thành Rôme” cũng như mọi dẫn chứng, lý lẽ đều nhằm mục đích sáng tỏ luận điểm, sáng tỏ vấn đề nghị luận. Bên cạnh đó, để bài nghị luận bớt khô khan, tăng hấp dẫn các em cần đưa thêm một số yếu tố biểu cảm, tự sự, miêu tả...
Tự sự có thể bổ sung ở việc nêu hoàn cảnh ra đời (khi viết bài nghị luận văn học) hay nêu dẫn chứng, phân tích dẫn chứng trong nghị luận xã hội. Yếu tố tự sự, miêu tả sẽ làm bài văn nghị luận có mạch liên tưởng, dễ hình dung nhất là yếu tố miêu tả.
Khi có cách kể chuyện cuốn hút người đọc không có cảm giác nhàm chán và dễ thuyết phục hơn. Biểu cảm được thể hiện kín đáo qua cảm xúc, nhiệt tình của người viết qua các vấn đề đặt ra.
Yếu tố biểu cảm giúp tăng tính mềm mại cho vấn đề nghị luận, sử dụng ngôn ngữ và lời nói mang tính biểu cảm cao dễ đánh vào cảm xúc, tâm lý của người đọc, người nghe gây ấn tượng mạnh, tăng tính thuyết phục. Tuy nhiên cần phải sử dụng một cách phù hợp, cho đúng chỗ, đúng lúc và phải thật tự nhiên, tránh lạm dụng, phá vỡ mạch nghị luận.
Những sự kết hợp khéo léo giúp các em có một bài văn nghị luận sâu sắc, hấp dẫn, tự nhiên, tăng độ tin cậy với người đọc, người nghe hơn.
Có ý kiến cho rằng: “Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm”. Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Bài làm
Con người trong cuộc sống đều tồn tại những mặt tốt, mặt xấu, đều có những ưu điểm và khuyết điểm của riêng mình. Điều quan trọng là nếu như ta mắc phải một khuyết điểm nào đó, ta cố gắng, nỗ lực để sửa chữa sai lầm. Lúc đó uy tín của con người ta sẽ được tăng lên. Vì thế có ý kiến cho rằng: “Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm.”
Che giấu là hành vi bao che, cố tình che đậy, giấu giếm một thứ gì đó mà không cho mọi người biết đến, đó thường là những hành vi tiêu cực. Hay cũng có thể đó là một khiếm khuyết mà do yếu tố khách quan nào đó gây ra. Khuyết điểm của bản thân là những mặt còn chưa tốt, còn hạn chế, thiếu sót trong cách suy nghĩ và hành động của con người.
Uy tín là niềm tin cậy của người khác dành cho ta, ta sẽ được mọi người tin tưởng và tín nhiệm bởi phẩm chất cá nhân và kết quả công việc mà ta làm được. “Chân thành công nhận khuyết điểm” là ý thức tự giác, dám làm dám nhận của con người với khuyết điểm của bản thân. Có thể nói ý kiến trên nhằm khẳng định ý nghĩa của việc chân thành công nhận khuyết điểm, để từ đó xây dựng được cho con người những nhân cách cao đẹp.
“Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm.” Tư tưởng này là một tư tưởng đúng đắn. Sống ở thế kỉ hai mươi mốt, công nghệ thông tin, truyền thông lên ngôi vì thế mà con người cũng phải chạy theo xu hướng của thời đại.
Cũng có thể nói, ngày nay còn có nhiều người đang đối mặt với cuộc sống khó khăn do điều kiện kinh tế từ gia đình hay các lí do khác dẫn đến việc đôi lúc họ đã không thể kiểm soát được tâm lý của bản thân, có những quan điểm thiếu suy nghĩ và không chân thành công nhận khuyết điểm. Những sai lầm lớn đều bắt nguồn từ những khuyết điểm như lười biếng, tự phụ, cẩu thả, nói dối, mặc cảm...
Nếu con người biết nhận thức việc chân thành công nhận khuyết điểm là cần thiết thì cuộc sống sẽ ngày càng ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Khi ta biết nhận ra khuyết điểm của mình ta sẽ học hỏi được thêm nhiều điều mới mẻ. Con người ta khi biết nhận lỗi sửa lỗi thì sẽ được mọi người quý mến và nể trọng hơn. Dần dần ta sẽ rèn luyện được đức tính trung thực cho bản thân mình và lan tỏa năng lượng tích cực này đến những người xung quanh.
Suy cho cùng chỉ khi nào ta chân thành, thẳng thắn nhận khuyết điểm của mình thì lúc ấy ta đã thành công được một nửa trên hành trình xây dựng nhân cách riêng mình. Một ví dụ điển hình cho những con người dám mạo hiểm, dám đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân mình để tiến tới thành công là Richard Branson – một trong bốn doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Do bị một vài khiếm khuyết bẩm sinh như chứng khó đọc nên việc tiếp thu kiến thức của tỷ phú sáng lập ra tập đoàn Virgin chậm và kết quả học tập thua kém chúng bạn. Rất có thể vì điểm yếu này mà ông sẽ gục ngã và bỏ cuộc, tuy nhiên ông vẫn kiên trì đến cùng để tự cải thiện bản thân và có được như ngày hôm nay.
Nếu chúng ta đi ngược lại với tư tưởng ấy thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Thứ nhất bản thân ta sẽ không rèn luyện được tính trung thực, không biết sửa chữa khuyết điểm của mình. Thứ hai ta sẽ không được mọi người quý trọng và nể phục, dần dần mất niềm tin với ta và con người ta sẽ bị mọi người xa lánh, không quan tâm vì bản tính biết lỗi mà không biết sửa lỗi.
Ngày nay vẫn còn một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức rõ được ý nghĩa của việc thành thật công nhận khuyết điểm. Nhiều người vẫn còn mang trong mình tư tưởng làm sai mà không biết sửa sai, chỉ biết đổ lỗi cho người khác, nhìn vấn đề và khuyết điểm của mình ở một chiều, không nhìn nhận sâu xa. Đặc biệt là hành vi thích phê phán, chỉ trích người khác thế nhưng lại không biết nhìn nhận lại bản thân, cứ ngang nhiên cho mình cái quyền chê bai, đổ lỗi người khác. Những hành động như vậy cần phải lên án và phê phán nghiêm trọng.
Vì thế ngay từ bây giờ mỗi chúng ta - những công dân tương lai của đất nước nên cố gắng học tập chăm chỉ, chuyên cần để nhận thức được điều gì sai điều gì đúng để sửa đổi và khắc phục thiếu sót, hạn chế của bản thân. Không ngừng tiếp thu, học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm của những anh chị, những người đi trước để có được vốn kiến thức sâu rộng và biết cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều và cốt lõi. Ngoài ra chúng ta cũng nên rèn luyện phẩm chất của bản thân: Đó là đức tính trung thực, nói được làm được, chịu nhận lỗi sai và khắc phục lỗi sai.
Như vậy mỗi chúng ta nên biết thành thật chấp nhận lỗi sai của mình để cuộc sống ngày càng trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa hơn. Đúng như ý kiến: “Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm”. Xin mượn một câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh để khẳng định lại vấn đề: “Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”.
Đoàn Nguyễn Như Hải
HS lớp 9/5 – Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh