Câu hỏi này vẫn giữ nguyên tắc truyền thống, yêu cầu HS viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ văn bản ở phần đọc hiểu.
Sử dụng cấu trúc 5W1H
Điểm lại đề thi của những năm trước và đề thi tham khảo năm nay sẽ thấy, các vấn đề được đề cập thường nghiêng về tư tưởng đạo lý. Kể cả đề ra có các ngữ liệu chứa hiện tượng xã hội/vấn đề thời sự, hướng đến sau cùng vẫn là ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn bền vững. Muốn đạt điểm cao ở câu này, thí sinh cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:
Trong quá trình ôn luyện về các chủ đề liên quan đến nghị luận xã hội, ngoài việc tích lũy, vốn sống, thí sinh có thể sử dụng cấu trúc đặt câu hỏi 5W1H cho bất cứ chủ đề nào. 5W1H là viết tắt của các từ: What (Cái gì? Bằng cách nào), Where (Ở đâu?), When (Khi nào?), Why (Tại sao?), How (Như thế nào?), Who (Ai? Với ai). Khi tự đặt ra và trả lời đầy đủ các câu hỏi này, thí sinh sẽ tạo cho mình một cách tư duy mạch lạc, sáng rõ, không bị nhầm lẫn giữa các vấn đề, không chệch hướng. Đặc biệt, khi đọc đề, thí sinh sẽ khẳng định được ngay vấn đề mà đề bài yêu cầu là gì, từ đó có thể tư duy để triển khai vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Xác định đúng từ khóa
Trước khi viết, thí sinh cần hiểu đúng nội hàm khái niệm liên quan xuất hiện trong đề thi. Quan trọng hơn cả là xác định đúng từ khóa, lệnh trong đề thi. Hệ thống các từ khóa liên quan đến yêu cầu thường thấy là: Nguyên nhân/ vì sao/ giải thích/ hậu quả/ tác động/ ý nghĩa/ vai trò/ lợi ích/ tầm quan trọng/ sức mạnh/ sự cần thiết/ giải pháp/ trách nhiệm/ sứ mệnh/ làm thế nào/ phải làm gì…
Viết đúng dung lượng đề bài yêu cầu
Khi viết đoạn, cần bảo đảm về cả hình thức và nội dung. Theo đó, cần viết đúng dung lượng mà đề bài yêu cầu, không nên viết quá ngắn hoặc quá dài. Cần thể hiện đúng quy cách của một đoạn văn, tức là không được xuống dòng. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Đoạn văn phải có câu mở đoạn, các câu phát triển đoạn và câu kết đoạn.
Các em phải biết chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai làm rõ vấn đề nghị luận; viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt trôi chảy, chính xác, trong sáng. Đồng thời, cần có những kiến giải sâu sắc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
Đặc biệt, thí sinh tuyệt đối không viết đoạn văn như một bài văn nghị luận xã hội thu nhỏ. Trong quá trình chấm thi, chúng tôi đã gặp không ít bài viết kiểu như vậy, tức là các em triển khai bài làm theo cấu trúc của bài nghị luận về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
Hiểu đúng khái niệm
Về nội dung cần triển khai, thí sinh phải hiểu đúng khái niệm xuất hiện trong đề bài. Bởi khi hiểu đúng, người viết sẽ không bị lệch vấn đề. Trong khi viết có thể linh hoạt dẫn cách hiểu về khái niệm đó vào trong bài để bảo đảm tính chặt chẽ. Quan trọng nhất, cần xoáy sâu, đi đúng, trúng trọng tâm vấn đề mà đề bài yêu cầu, tránh cách viết chung chung, hời hợt.
Ví dụ, đề yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc làm chủ bản thân, cần tập trung bàn luận sâu về vấn đề này. Tức là thí sinh sẽ phải xác định rõ, làm chủ bản thân sẽ đưa lại nhiều ý nghĩa như: Giúp mỗi người kiểm soát tốt suy nghĩ, cảm xúc, ý thức cao nhất về giới hạn của bản thân, biết cách nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách; khẳng định được giá trị bản thân và làm chủ được số phận của mình…
Để lập luận có sức thuyết phục, trong đoạn văn, thí sinh cần dẫn ra ít nhất một dẫn chứng có tính tiêu biểu và dẫn dắt một cách ngắn gọn, tránh trường hợp kể lể khiến dung lượng bài quá dài. Ngoài ra, chú ý quan điểm đưa ra cần đúng mực, khách quan, trung thực, phù hợp chuẩn pháp luật và chuẩn đạo đức xã hội; lý lẽ cần kết hợp cảm xúc ở mực độ nhất định. Muốn viết một đoạn văn có sức hấp dẫn, thuyết phục đúng yêu cầu, thí sinh cần có quá trình chuẩn bị lâu dài trong quá trình ôn luyện.
Sĩ tử ghi nhớ, thời gian tối đa dành cho câu viết đoạn văn từ 18 - 20 phút.
Yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội chủ yếu ở mức vận dụng. Vấn đề bàn luận thường có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhân văn và hướng nhiều đến đối tượng là giới trẻ. Có thể tham khảo đề thi của các năm: Ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống (2017), Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay (2018), Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống hiện nay (2019).