Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Hội đồng thi không ngại khó
Học sinh thi theo phương án 1 cần chuẩn bị trước tâm thế, bởi nếu thí sinh nào chọn môn tự chọn ngay sau môn Ngữ văn hoặc môn Toán trong buổi sáng cũng sẽ đôi chút áp lực.
Tôi chọn phương án 1, tổ chức thi trong 2 ngày với 4 buổi thi và mỗi buổi thi 2 môn.
Mỗi phương án đúng là có ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phương án 2, 3, 4 chưa ổn, thời gian kéo dài thêm, tốn kém.
Với phương án 1, cách bố trí thời gian ổn hơn và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Mặc dù, phương án này hội đồng thi có thể phải làm việc vất vả hơn một chút. Nhưng không vì thế mà các thầy cô ngại ngần. Tất cả vì học sinh, vì vậy cần chọn phương án có lợi cho thí sinh.
Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh: Phương án 2 thí sinh thực chất chỉ thi 4 buổi
Nếu chọn phương án 2, giám thị sẽ phải làm việc 5 buổi nhưng thí sinh thực chất chỉ thi 4 buổi thôi. Áp lực cho thí sinh cũng sẽ giảm.
Tôi chọn phương án 2, bởi nếu chọn phương án 1 sẽ khá căng thẳng, đặc biệt với các Hội đồng coi thi.
Trong khi đó, phương án 4 lại kéo dài không cần thiết, thời gian đến 4 ngày (8 buổi).
Với phương án 2, trong 2 ngày đầu, buổi sáng chỉ thi Ngữ văn hoặc Toán, là hai môn tự luận có thời gian thi dài nhất (120 phút); buổi chiều là thời gian thi môn tự chọn.
Các môn thi này diễn ra trong thời gian ngắn (hoặc 60 hoặc 90 phút) nên không gây quá căng thẳng với cả học sinh và Hội đồng coi thi.
Mặc dù kéo dài đến ngày thứ ba, nhưng ngày cuối này cũng chỉ thi trong 1 buổi với hai môn tự chọn.
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Thi 2,5 ngày sẽ không gây áp lực, ít tốn kém
Nên chuyển môn thi Ngoại ngữ (thi 60 phút) dự kiến thi sáng 4/6 sang buổi thi chiều ngày 3/6 thay cho môn Địa lý và ngược lại
Tôi cho rằng phương án 2 có nhiều ưu điểm nhất, không quá gây áp lực cho Hội đồng coi thi và thí sinh so với phương án 1; đồng thời ít tốn kém hơn so với phương án 3 và 4.
Với phương án này, đảm bảo 2 buổi sáng chỉ thi 2 môn thi tự luận (120 phút), do đó, ít căng thẳng cho thí sinh.
Tuy nhiên, theo tôi, trong lịch bố trí các môn thi cụ thể, nên chuyển môn thi Ngoại ngữ (thi 60 phút) dự kiến thi sáng 4/6 sang buổi thi chiều ngày 3/6 thay cho môn Địa lý và ngược lại.
Vì như vậy sẽ kết thúc buổi thi chiều 3/6 sớm trước 17h, tạo thuận lợi cho thí sinh nào tiếp tục chuẩn bị cho buổi thi sáng ngày 4/6.
Ngày 4/6, nếu thi môn Địa lý (90 phút) và Sinh học (60 phút), thí sinh kết thúc buổi thi có muộn hơn dự kiến. Tuy nhiên, đây là buổi thi cuối cùng nên không gây ảnh hưởng đến thí sinh và Hội đồng coi thi.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đang xem xét bố trí lịch thi tạo thuận lợi cho việc tổ chức của các Hội đồng thi và giúp học sinh có thể phát huy hết khả năng của mình để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Các ý kiến xin gửi về địa chỉ email: thitnpt@gmail.com trước ngày 16/3/2014.
Bạn đọc có thể góp ý trực tiếp về các phương án bố trí lịch thi tốt nghiệp THPT TẠI ĐÂY