Thí sinh tự do đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh: Hà Ánh
Phát biểu tại cuộc họp, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM - cho biết: Khi làm việc với đại diện các sở GD&ĐT, các sở này khá lúng túng trong việc điều động nhân sự tham gia vào tổ chức cụm thi. Trong khi TP HCM có tới 8 cụm thi, nếu không có sự phân công cụ thể nhân sự rất dễ chồng chéo.
Tiến sĩ Chính cũng băn khoăn về vấn đề tài chính tổ chức thi, nên chăng có kế hoạch để tránh việc thu không đủ bù chi cho các đơn vị tổ chức thi. Liên quan vấn đề này, đại diện Trường ĐH Quy Nhơn đồng tình khi cho rằng năm nay không thể để trường ĐH tổ chức thi phải bù lỗ vì những thí sinh này không phải thi vào các trường được giao nhiệm vụ tổ chức thi.
Trước đề nghị mong muốn được chạy thử phần mềm tuyển sinh quốc gia của đại diện ĐH Quốc gia TP HCM, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết phần mềm này có nhiều phân hệ, trong đó 2 tuần vừa rồi các trường THPT đã vận hành tốt phần nhập dữ liệu kỳ thi THPT quốc gia. Còn trong phân hệ xét tuyển, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
GS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, băn khoăn: Mấy năm trước chúng tôi thuê đia điểm thi tại các trường ĐH tư thục gặp nhiều khó khăn. Ông Nam đề xuất: Bộ cần có chỉ đạo các trường ĐH hỗ trợ phòng thi.
Về điểm này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chỉ đạo: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cần sớm hoàn thiện văn bản về phối hợp địa phương trong tổ chức cụm thi.
Trong khi đó, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại về mức độ công bằng trong chấm thi và coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển ý kiến: Các sở GD&ĐT cần phân bổ giáo viên để cán bộ coi thi không tham gia chấm thi. Việc huy động cán bộ coi thi, chấm thi không thực hiện theo hình thức “mượn” riêng lẻ mà phải có sự phân công của sở hoặc trường ĐH.
Trước nhiều băn khoăn của đại biểu về đề thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết bản thân ông đã nhận được rất nhiều thư, đặc biệt từ các thầy cô vùng cao với đề nghị đề thi nên xếp riêng câu dễ và khó, chú ý thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp, ở vùng sâu vùng xa…
“Chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh các cháu để xử lý cho hài hòa, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu làm bài trong điều kiện nghiêm túc và trung thực” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo thanhnien