Thi SV NCKH của Trường ĐH Hùng Vương: Giải Nhất cho nhóm nữ sinh nhiều sáng tạo

GD&TĐ - Được Ban giám khảo đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn, đề tài “Phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp” xuất sắc giành giải Nhất.

Khánh Linh (trái), cô Bùi Thị Loan và Khánh Chi tại lễ trao giải Sinh viên Nghiên cứu khoa học 2020. Ảnh: NVCC
Khánh Linh (trái), cô Bùi Thị Loan và Khánh Chi tại lễ trao giải Sinh viên Nghiên cứu khoa học 2020. Ảnh: NVCC

Phòng chống xâm hại cho học sinh

Là một trong hai tác giả thực hiện đề tài, Nguyễn Thị Khánh Linh - sinh viên năm thứ 4, Khoa Giáo dục Tiểu học Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Xâm hại trẻ em là vấn đề toàn cầu, không chỉ gây nên những vết thương trên thân thể mà trẻ còn chịu đựng những đau đớn về mặt tinh thần. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, hành vi. Trước những yêu cầu hết sức cấp bách hiện nay, hơn lúc nào hết việc GD và rèn luyện các kỹ năng phòng chống xâm hại cho HS tiểu học là vô cùng quan trọng. 

Theo thống kê vào năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em với 1.627 nạn nhân, trong đó có 1.248 vụ xâm hại tình dục và 393 vụ bắt cóc, bạo lực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ vì lý do nào đó đã không được thống kê. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu trẻ em gái, trong độ tuổi từ 13 - 16. Các vụ xâm hại thường xảy ra ở các khu chung cư, tập thể, một số vùng nông thôn... nơi không có người trông coi, giám sát thường xuyên. 

Theo điều tra của cơ quan chức năng, nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, loạn luân, thể hiện sự suy đồi đạo lý, coi thường pháp luật, tính mạng và nhân phẩm của nạn nhân. Trung bình cứ mỗi 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân. 

Tuy nhiên, thực trạng phòng chống xâm hại cho HS tiểu học chưa được khái quát thành bức tranh toàn cảnh và chưa đề tài nào nghiên cứu về phòng chống xâm hại cho HS tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đào Khánh Chi, đồng tác giả của đề tài chia sẻ: Trong trường học, hoạt động GD ngoài giờ lên lớp đóng vai trò quan trọng. Thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp để GD đạo đức, góp phần hình thành nhân cách cho HS. 

Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo, ThS Bùi Thị Loan, nhóm nghiên cứu đã dần tháo gỡ được những khó khăn và đạt được kết quả khả quan, thiết thực. Qua đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp GD phòng chống xâm hại cho HS tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, cùng mong muốn đóng góp một tư liệu tham khảo cho các nhà trường, cho các phụ huynh, HS, cho các tổ chức bảo vệ trẻ em, góp phần giúp môi trường phát triển của trẻ nhỏ thực sự an toàn.

Nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế tại một trường học. Ảnh: NVCC
Nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế tại một trường học. Ảnh: NVCC

Đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu

Kể về quá trình thực hiện đề tài, Khánh Linh chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn của cô Loan, chúng em đã thực hiện được nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp với quy mô cấp lớp, cấp trường như thi hái hoa dân chủ, đóng kịch, xử lí tình huống sư phạm, vẽ tranh tuyên truyền về phòng chống xâm hại.

Để GD kĩ năng tự bảo vệ cho HS tiểu học, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực tạo ra một số sản phẩm: GD phòng chống xâm hại cho HS tiểu học thông qua các hoạt động múa rối; 2 video phim hoạt hình với tiêu đề nhận diện thủ đoạn của kẻ bắt cóc, thủ đoạn của kẻ xâm hại tình dục. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xuất bản bộ truyện tranh gồm 4 câu chuyện: Phòng chống xâm hại khi bị người lạ bắt cóc; phòng chống tai nạn khi tắm sông; phòng chống xâm hại khi ở nhà một mình; phòng chống nguy cơ bị xâm hại. 

Đánh giá về đề tài, cô Bùi Thị Loan- Giảng viên Khoa GD Tiểu học Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết cho công tác GD phòng chống xâm hại cho HS tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp nói riêng và GD kỹ năng sống nói chung.

Qua đề tài, nhóm nghiên cứu muốn đề xuất với Bộ GD&ĐT cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể về nội dung phòng chống xâm hại cho HS tiểu học nói riêng và cho HS các cấp nói chung; thiết kế thành một nội dung chuyên biệt thay vì đưa vào như một mặt phát triển thể chất như hiện nay vì GV dễ hiểu lầm khi chọn hoạt động chủ đạo để tổ chức thực hiện GD phòng chống xâm hại. 

TS Nguyễn Tài Năng - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Hùng Vương) cho biết: 2020 là năm thành công đối với nhà trường khi 3 đề tài của sinh viên xuất sắc đạt giải cao, được vinh danh tại buổi tổng kết Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học với 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

Kết quả này khẳng định sự phát triển và ngày càng lớn mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hùng Vương thời gian qua. Kết quả này sẽ là nguồn động lực to lớn, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của tập thể sư phạm nhà trường sẽ không ngừng phát triển và tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, góp phần hình thành tình cảm, niềm tin ở học sinh, bổ sung, củng cố, nâng cao, mở rộng kiến thức được học trên lớp. Ước mơ bảo vệ trẻ em được an toàn đã thôi thúc nhóm nghiên cứu quyết tâm lựa chọn đề tài phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ