Thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp: Vẫn rộng cơ hội vào đại học

GD&TĐ - Trước thực tế nhiều thí sinh vì dịch bệnh vẫn chưa thể thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã thay đổi đề án, thêm phương án tuyển sinh, để dành chỉ tiêu cho các em.

Học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi sau khi làm xong bài trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao đổi sau khi làm xong bài trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

Thậm chí, có trường còn xét tuyển thẳng với thí sinh được đặc cách đỗ tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không lo thiếu chỉ tiêu

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH), nhà trường sẽ dành khoảng 300 chỉ tiêu để xét tuyển cho các thí sinh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

IUH đang xây dựng phương án để dành thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh phải thi tốt nghiệp đợt 2. Còn trước mắt, với thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp, nếu các em có nguyện vọng xét tuyển vào IUH, nhà trường tiếp tục cho nộp hồ sơ bằng 3 phương thức: Xét kết quả học tập THPT năm lớp 12, kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM và ưu tiên xét tuyển thẳng (cho dù 3 phương thức này đã công bố kết quả và không còn nhận hồ sơ).

“Mục tiêu nhà trường là tạo cơ hội, công bằng cho các thí sinh bị lỡ thi tốt nghiệp THPT, cũng như các em đã tốt nghiệp được bảo đảm cơ hội và nhu cầu theo đuổi nguyện vọng học tập tại IUH”, TS Nguyễn Trung Nhân cho hay.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU) cho biết: NLU đã xét tuyển xong phương thức xét học bạ. Do vậy, trường không nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển phương thức này nữa. Tuy nhiên, với thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp đợt 2 nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, nhà trường sẽ nhận hồ sơ. Nếu các em đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được xét tuyển bổ sung.

Điều kiện và tiêu chí để xét tuyển giống như quy định đợt đầu, thí sinh phải có điểm trung bình 5 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 6,0 điểm trở lên. Đối với ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, điều kiện xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Mới đây, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) thay đổi đề án tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh lớp 12 thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của Bộ GD&ĐT vẫn có cơ hội được vào học tại trường.

Theo đó, UEH dành 200 chỉ tiêu cho phương thức 7 - Xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, 150 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 50 chỉ tiêu tại phân hiệu tại Vĩnh Long.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng phòng Đào tạo UEH, đây là chỉ tiêu bổ sung dựa trên năng lực đào tạo của UEH để chia sẻ trách nhiệm xã hội với các thí sinh bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ tiêu này cũng không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của phương thức tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT cũng như các phương thức tuyển sinh khác mà UEH đã công bố.

UEH vẫn dựa trên các nguyên tắc xét tuyển đã xây dựng trong đề án tuyển sinh, đánh giá thành quả học tập của thí sinh một cách toàn diện qua nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó, có đánh giá quá trình học tập từ năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 cộng với xét thêm các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Giải thưởng Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh/thành phố; thí sinh là học sinh trường THPT chuyên/năng khiếu.

“Với việc bổ sung phương thức xét tuyển trên, UEH muốn chia sẻ với gia đình và học sinh khi vừa phải gánh chịu các điều kiện khó khăn, hạn chế của cách ly hoặc dịch bệnh, lại vừa phải lo lắng cho việc ôn tập, thi cử, sợ lỡ mất việc học hành.

Đặc biệt, cùng với hơn 50% chỉ tiêu còn lại xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT và 10% chỉ tiêu bổ sung xét tuyển theo kết quả của 3 năm THPT, các sĩ tử khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang bị ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển tại Phân hiệu UEH Vĩnh Long với chương trình đào tạo, chất lượng và bằng cấp của UEH”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.

Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) lại không giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh. Thí sinh được công nhận tốt nghiệp đợt 2 và đặc cách tốt nghiệp vẫn có thể xét tuyển vào trường bình thường như các đối tượng khác (xét tuyển bằng phương án xét học bạ). Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng, nhà trường sẽ dành khoảng 150 chỉ tiêu cố định để tạo điều kiện cho các em.

“ĐH Lạc Hồng rất hiểu và chia sẻ với học sinh phải hoãn thi trong đợt 1, vì vậy, nhà trường luôn sẵn sàng tạo cơ hội, dành nhiều chỉ tiêu cho thí sinh. Trong những năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, học sinh chỉ cần ngồi nhà đăng ký và xét tuyển vào trường thông qua website.

Nhà trường nhận được thông tin sẽ liên lạc với thí sinh để làm thủ tục xác minh và cấp giấy báo nhập học cho các em. Vì vậy, thí sinh yên tâm tuân thủ các quy định của địa phương cũng như Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch, trường sẽ hỗ trợ tối đa. Tới năm học mới, các em chỉ cần lên giảng đường để học tập”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

“Chỉ tiêu cụ thể cho nhóm đối tượng này trường vẫn đang tính toán vì còn tùy thuộc vào số nhập học theo phương thức xét học bạ và đánh giá năng lực đợt 1. Tùy theo số lượng các em không thi tốt nghiệp đợt 2 có nhu cầu là bao nhiêu, lúc đó nhà trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu của các phương thức, đặc biệt là phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp cho phù hợp. Năm nay, trường dành 40% cho phương thức xét học bạ nên khả năng sẽ còn tương đối nhiều chỉ tiêu dành cho thí sinh”, TS Lý chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.