Thí sinh “tăng tốc”, nhà trường đáp ứng

GD&TĐ - Hết ngày hôm nay (20/8), các trường ĐH, CĐ kết thúc việc rút, nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 trực tiếp. 2 ngày cuối đợt xét tuyển nguyện vọng 1, sau khi cân nhắc, tham khảo thông tin tuyển sinh từ các nhà trường, thí sinh đang “tăng tốc” rút, nộp hồ sơ khiến số lượng hồ sơ nhận và trả lại thí sinh tại các trường tăng đột biến. Ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục và Thời đại tại 3 ĐH vùng.

Các nhà trường tạo mọi điều kiện để thí sinh lựa chọn nguyện vọng nộp hồ sơ xét tuyển
Các nhà trường tạo mọi điều kiện để thí sinh lựa chọn nguyện vọng nộp hồ sơ xét tuyển

Phó Giám đốc ĐH Huế đích thân tư vấn cho thí sinh

Ngày 19 - 20/8, thí sinh và người nhà đến nộp hồ sơ đông chật kín khu vực tiếp nhận hồ sơ tại ĐH Huế.

Có mặt chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp các cán bộ làm công tác tiếp nhận và rút hồ sơ tại ĐH Huế, PGS.TS Lê Văn Anh - Phó Giám đốc ĐH Huế - liên tục nhắc các tình nguyện viên sắp xếp chỗ ngồi cho thí sinh và người nhà để đảm bảo trật tự tại khu vực làm thủ tục nhận, rút hồ sơ, đồng thời tránh được thời tiết nắng gắt tại TP Huế.

Nhiều sai sót của thí sinh khi đến làm thủ tục được PGS.TS Lê Văn Anh tận tình hướng dẫn để thí sinh và người nhà yên tâm nhanh chóng được biết xếp hạng điểm của thí sinh theo mã ngành đăng ký.

“Mặc dù công việc của Ban Khảo thí ĐH Huế mấy ngày cuối phải làm việc cật lực đến 21 giờ nhưng chúng tôi đã chỉ đạo tất cả cán bộ Ban Khảo thí chú ý không để sai sót, không để bất kỳ một thí sinh nào hoặc vì một lí do gì khi đến làm thủ tục nộp và rút hồ sơ tại ĐH Huế mà không được giải quyết.

Với những thí sinh do sơ suất điền thiếu thông tin, không cập nhật trên trang thông tin của ĐH Huế, chúng tôi phân công cán bộ phụ trách Ban Khảo thí trực tiếp điều chỉnh. Thậm chí có những thí sinh đến rút hồ sơ lúc 8 giờ tối, cán bộ chúng tôi cũng giải quyết.

Do số thí sinh đến rút hồ sơ vào những cuối tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường nên mong thí sinh và người nhà hết sức thông cảm cho Ban Tuyển sinh. Quyết tâm của chúng tôi là đến 17 giờ hôm nay (20/8) sẽ xong việc nộp và rút hồ sơ xét tuyển NV 1 tại ĐH Huế” - PGS.TS Lê Văn Anh chia sẻ.

Được biết, đến trưa 19/8, lượng hồ sơ nộp vào Đại học Huế khoảng 18.000 hồ sơ, có hơn 2.000 hồ sơ rút ra. Đại học Huế ưu tiên những thí sinh ở xa cho rút trước và hầu hết là giải quyết trong ngày. Do số lượng hồ sơ rút quá nhiều nên không thể cập nhật hằng ngày như một số trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thái Nguyên: Cán bộ trường làm “thông tuần” phục vụ thí sinh

Bắt đầu từ ngày 17/8 lượng thí sinh đến nộp và rút hồ sơ tăng đột biến. Nhiều ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vượt cao so với chỉ tiêu xét tuyển.

NGND.GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - cho biết: Công tác tiếp nhận ĐKXT, rút ĐKXT của thí sinh đã được ĐHTN quán triệt từ đầu tháng Tám khi bắt đầu thời gian tuyển sinh, nhận hồ sơ. 

Năm nay ĐHTN đã thay đổi cách tiếp nhận hồ sơ là phân cấp cho các trường ĐH thành viên. Tại mỗi trường có một trạm để thu hồ sơ, nhập dữ liệu và bố trí cán bộ tư vấn cho thí sinh.

Từ khi có công điện của Bộ trưởng, ĐHTN lại càng thực hiện chu đáo trong tiếp nhận, sắp xếp hồ sơ, chỉnh sửa thông tin để thí sinh thuận lợi nhất khi ĐKXT, rút ĐKXT nên không có sự ách tắc, không có tình trạng chậm tiến độ làm cản trở thí sinh khi rút hoặc ĐKXT.

PGS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên - cho biết: Năm nay trường có 1.800 chỉ tiêu tuyển sinh, số ĐKXT đến 15/8 đã đạt trên 2.000. 

Một số ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Văn, GD Tiểu học, GD Mầm non có số lượng hồ sơ ĐKXT đông hơn cả. Nhiều hồ sơ ĐKXT nhất là GD Tiểu học, GD Mầm non. Dự kiến hai ngành này sẽ có điểm trúng tuyển cao. Các ngành khác cũng có số điểm trúng tuyển cao là Sư phạm Toán, Văn, Lý, Hóa, Địa.

Những ngày qua, nhà trường bố trí sinh viên tình nguyện hướng dẫn, nước uống, phòng chờ, chỗ gửi xe miễn phí cho thí sinh và người nhà; tổ chức tiếp nhận, trả hồ sơ cho thí sinh từ 7 – 18 giờ.

Theo ông Trịnh Văn Hùng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Thái Nguyên, lượng hồ sơ ĐKXT vào trường tập trung cao điểm vào các ngày từ 15 - 20/8. Trong ngày 17/8 có gần 100 hồ sơ xin rút và khoảng 100 hồ sơ nộp ĐKXT. Đáng chú ý, đa số hồ sơ nộp ĐKXT muộn đều có điểm khá cao.

ĐH Đà Nẵng: Thí sinh nộp hồ sơ đông gấp 4 lần thí sinh rút hồ sơ

Ngày 19/8, có mặt tại ĐH Đà Nẵng để rút hồ sơ, thí sinh Nguyễn Quốc Tùng chia sẻ: “Kết quả 3 môn xét tuyển ĐH của em đạt 21 điểm, so với điểm chuẩn năm trước em thấy mình cũng “dư dư” được một chút nên nộp hồ sơ vào ngành Marketing của Trường ĐH Kinh tế. 

Hôm ĐH Đà Nẵng công bố điểm chuẩn tạm thời với mức điểm vào ngày này là 20,5 điểm, em đã thấy hồi hộp rồi. Ngày nào cũng theo dõi cập nhật lượng thí sinh nộp vào, nhưng nay tính theo chỉ tiêu thì điểm chuẩn dự kiến cũng đã ở mức 21,25 điểm rồi nên em phải tính rút hồ sơ để kịp nộp vào các trường khác thấp điểm hơn”.

Được biết, sau khi ĐH Đà Nẵng công bố điểm chuẩn tạm thời vào tối 12/8, mức điểm vào các ngành của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng liên tục biến động theo hướng tăng dần. 

Đa số các ngành đều tăng từ 1 - 3 điểm so với mức điểm chuẩn tạm thời. Như ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng của Trường ĐH Bách khoa tăng từ 19,5 lên tới 20,25 (tính tới ngày 17/8); ngành Hệ thống quản lý thông tin (ĐHKT Đà Nẵng) tăng từ 16,25 điểm (ngày 16/8) lên tới 19,25 điểm (ngày 18/8) và dự kiến có thể tiếp tục tăng trong hai ngày cuối đợt nộp hồ sơ.

Để tạo điều kiện cho thí sinh theo dõi tình hình nộp hồ sơ, có thông tin để ước lượng khả năng đỗ, trượt, cứ 2 ngày, Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cập nhật điểm thống kê xét tuyển một lần. 

Sau mỗi lần cập nhật số liệu mới thì lại có một đợt biến động rút, nộp hồ sơ. Những thí sinh ít có khả năng trúng tuyển đến xin rút lại hồ sơ để điều chỉnh nguyện vọng nhưng cũng có rất đông các thí sinh có mức điểm cao mới bắt đầu chọn ngành để nộp vào.

Lượng thí sinh xin rút hồ sơ những ngày cuối tăng đột biến nên ĐH Đà Nẵng huy động thêm cán bộ xử lý để rút ngắn thời gian chờ đợi của thí sinh. Tính đến thời điểm ngày 17/8, toàn ĐH Đà Nẵng có 18.700 thí sinh nộp hồ sơ, có 4.700 thí sinh rút hồ sơ.

“Các cán bộ làm công tác hồ sơ đều đi sớm, về muộn, sẵn sàng làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để phục vụ, tư vấn cho thí sinh”.

NGND.GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ