Thí sinh có nhiều sự lựa chọn các con đường để lập thân, lập nghiệp

GD&TĐ - Đợt xét tyển bổ sung ĐH, CĐ đầu tiên đã kết thúc. Có thể nói đây là kỳ xét tuyển để lại nhiều dư âm về sự thay đổi trong cách nghĩ, cách lựa chọn cánh cửa lập nghiệp của rất nhiều thí sinh. 

Thí sinh có nhiều sự lựa chọn các con đường để lập thân, lập nghiệp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Để cùng nhìn lại toàn bộ quá trình một tháng xét tuyển vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Đợt 1 và đợt xét tuyển bổ sung ĐH, CĐ đầu tiên đã kết thúc. Ông có nhận định gì về kết quả 2 đợt xét tuyển vừa rồi?

- Trong đợt 1 tổng số thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sinh đại học là 404.000. Tổng số thí sinh đã tham gia đăng ký xét tuyển là 398.000. Số thí sinh đã đăng ký xác nhận nhập học đại học là 230.000. Tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 230.000/320.000 đạt gần 72%.

Tỉ lệ này xấp xỉ với đợt 1 tuyển sinh 3 chung (khoảng 75%). Chỉ có năm 2015 do thí sinh chỉ đăng ký vào 1 trường duy nhất nên hầu như không có ảo, nhiều trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên.

Trong số thí sinh tham gia đợt xét tuyển bổ sung đợt này có trên 25% thí sinh trên 20 điểm trở lên các khối A, B, C, D. Tối nay 31-8 các trường sẽ tải dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt bổ sung về để tiến hành xét tuyển.

Cũng như lần trước, trong lần này Bộ cũng cung cấp cho các trường cơ sở dữ liệu kèm theo danh sách tất cả các nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh để các trường phân tích lọc ảo, xác định điểm chuẩn phù hợp.

Theo thống kê đến 16 giờ ngày 31/8 có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng. Số liệu này cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng các em được phép đăng ký tối đa.

Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng thí sinh đi đâu mà các trường không tuyển đủ chỉ tiêu! Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Theo số liệu trên đây thì có rất nhiều thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển nhưng không nộp đăng ký xét tuyển. Trước đây khi tuyển sinh theo phương thức 3 chung nhiều trường lấy điểm chuẩn theo trường cho đủ chỉ tiêu tổng thể rồi sau đó cho thí sinh chọn lại ngành trong nội bộ trường.

Với qui định đó các trường có thể điền đầy chỉ tiêu ngay nhưng thí sinh không có sự lựa chọn nào khác là phải theo học ngành mà trường còn chỗ.

Thực tế cho thấy nhiều sinh viên học không đúng ngành yêu thích rơi vào trạng thái chán nản, bỏ học giữa chừng. Qui chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học bất cứ ngành nào.

Khi trao cho thí sinh quyền được lựa chọn như vậy rõ ràng mỗi thí sinh tùy thuộc hoàn cảnh, ước mơ của mình để đưa ra quyết định phù hợp.

Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi.

Mặt khác năm nay rất nhiều trường có đề án tự chủ tuyển sinh xét tuyển bằng học bạ nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào các trường này đúng nghành nghề mà các em yêu thích.

Một số học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nước ngoài, một số khác đi học nghề hay tham gia thị trường lao động… Vào đại học ngày nay không còn là con đường lựa chọn duy nhất nữa mà thí sinh có nhiều sự lựa chọn các con đường khác để lập thân, lập nghiệp.

Vì vậy các trường đại học cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình cho phù hợp với tình hình này khi mà thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Theo ông thì đâu là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay?

- Thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh. Nếu những năm trước đây khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn.

Thứ hai là ý thức phân luồng của thí sinh ngày nay cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh chỉ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thứ ba là học phí ngày càng tăng cả các trường công lập lẫn các trường ngoài công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh.

Nếu như trước đây khi học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là cứ vào đại học để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn, thí sinh buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư.

Thứ tư là các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước.

Ngoài những tác động của thị trường lao động thì mục tiêu, chương trình đào tạo tại các trường đại học của chúng ta tuy đã có nhiều đổi mới trong những năm qua nhưng vẫn còn chậm.

Đào tạo của nhiều trường vẫn còn hướng sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở cơ quan, doanh nghiệp… có sẵn, chưa tập dợt cho sinh viên ý thức nóng bỏng về khởi nghiệp, sáng tạo, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác. Đó là thực tế mà các trường cần tiếp tục đổi mới để thu hút người học.

Như vậy việc lấp đầy chỉ tiêu không phải thước đo quyết định sự thành công của mỗi mùa tuyển sinh nói chung và các trường nên tập trung nâng cao chất lượng thay vì “cố” tuyển cho đủ chỉ tiêu đã công bố. Ông có chia sẻ gì về nhận định này?

- Từ khi Bộ giao cho các trường tự xác định và đăng ký thực hiện chỉ tiêu thì chỉ tiêu tuyển sinh là năng lực đào tạo tối đa của nhà trường, nghĩa là số lượng thí sinh tuyển mới lớn nhất mà trường có thể đào tạo với chất lượng đảm bảo tối thiểu.

đó các trường không được tuyển vượt chỉ tiêu đã công bố. Việc các trường thận trọng trong quyết định điểm chuẩn phù hợp để số lượng thí sinh nhập học không vượt chỉ tiêu là rất đáng hoan nghênh.

Mặt khác chỉ tiêu các trường công bố hiện nay mới chỉ dựa vào năng lực tối đa đào tạo của trường, chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành nghề khác nhau. Thực tế cũng rất khó cho các trường khi xác định được nhu cầu của thị trường lao động.

Các dự báo nhu cầu nhân lực chưa cung cấp đủ độ tin cậy cần thiết để các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm cũng như chiến lược phát triển lâu dài.

Thí sinh chọn ngành thường theo nhu cầu thị trường lao động hiện tại mà quên rằng các em vào học năm nay thì 4-5 năm sau mới ra trường và khi đó thị trường lao động đã có sự thay đổi đáng kể.

Điều này cũng là một yếu tố gây khó cho các trường. Một số ngành do thiếu người học phải dừng đào tạo, nhưng 4-5 năm sau thị trường lao động lại cần đến, các trường lại phải tái khởi động.

Với chủ trương hạn chế qui mô để củng cố chất lượng, những năm gần đây Bộ đã yêu cầu các trường giảm rõ rệt qui mô đào tạo, đặc biệt các ngành sư phạm, các hệ đào tạo vừa làm vừa học, từ xa, liên thông…

Bộ đã ban hành thông tư 32 thay thế thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng và giới hạn tăng qui mô của các trường.

Học phí cũng đã được điều chỉnh theo hướng tăng dần theo các năm. Ngân sách nhà nước cũng đã chi trả phần miễn giảm học phí cho các đối tương chính sách.

Chính vì vậy các trường cần giới hạn tăng qui mô, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo, không nên bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu mà hạ thấp chất lượng. Có như vậy các trường mới phát triển bền vững lâu dài.

Một số ý kiến cho rằng khi các trường hạ điểm xét tuyển bổ sung thì không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Ông có chia sẻ với ý kiến này?

- Không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo. Vì vậy khi ban hành qui chế Bộ đều đã tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở, thí sinh và toàn xã hội để lựa chọn phương án được nhiều người ủng hộ nhất.

Trước khi thi, tất cả thí sinh đều biết được các qui định của qui chế. Vì vậy khi thực hiện đúng qui chế là đảm bảo được công bằng trong tuyển sinh.

Năm 2015, qui chế cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất thì đã xảy ra phức tạp, dư luận không đồng tình.

Năm 2016, qui chế không cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ để khắc phục bất cập. Để hỗ trợ cho thí sinh tránh bớt rủi ro, qui chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào trường mà mình quyết định nhập học.

Nghĩa là khi đã trúng tuyển rồi mà thí sinh thấy không thích ngành/trường đã trúng tuyển các em vẫn còn cơ hội sửa sai bằng cách không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.

Khi các em đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì có nghĩa là các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển, dành cơ hội tuyển bổ sung cho những thí sinh khác.

Phương châm tuyển sinh năm nay là giúp thí sinh trúng tuyển vào ngành nghề mà các em yêu thích. Ngành các em yêu thích không hẳn phải là ngành có điểm chuẩn cao mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người.

 Những ngày qua một số báo đã đưa tin về phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ đang chuẩn bị cho năm tới. Thực hư các thông tin này như thế nào?

- Ngay sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GDĐT đã tiếp tục nghiên cứu đổi mới kỳ thi theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả hơn, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thi, tuyển sinh trong hai năm qua. Nhìn chung kỳ thi năm 2016 đã được xã hội đánh giá cao về sự thành công trên nhiều mặt.

Tuy nhiên công tác tổ chức thi vẫn còn nặng nề, một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương dẫn đến khó khăn, tốn kém; việc tổ chức 2 loại cụm thi khiến nhiều người băn khoăn về sự công bằng, khách quan; thời gian thi kéo dài, chưa ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong các khâu của công tác thi và tuyển sinh.

Quan điểm tiếp tục đổi mới thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đi liền với tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT; tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí xã hội; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và tuyển sinh; tiếp thu kinh nghiệm thế giới, có lộ trình và bước đi thích hợp, không gây sốc cho thí sinh và xã hội, tiến tới phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững, thực hiện lâu dài. Hiện tại tổ công tác đang hoàn thiện phương án để đưa ra tham khảo ý kiến dư luận rộng rãi trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.