Kiến thức nền rất quan trọng
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, về xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng điểm học bạ THPT, các trường được sử dụng tối đa 4 tổ hợp cho mỗi ngành. Quy định này tạo sự mềm dẻo hơn để các trường tuyển sinh cũng như tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Tuy nhiên, phương án tuyển sinh năm 2018 do các trường công bố cho thấy, nhiều trường xét tuyển với các tổ hợp “lạ”. Cụ thể là một số trường ở các ngành kế Toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng tuyển cả tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân. Còn có trường sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa để tuyển sinh các ngành như Ngôn ngữ Anh, Điều dưỡng, Ngôn ngữ Trung…
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho biết: Trước đây, Bộ GD&ĐT có quy định ngành nào phải tuyển sinh theo khối nào, rất cụ thể (khối A, B, C, D…) nên việc tuyển sinh theo khối thống nhất chung. Theo đó, môn xét tuyển phải phù hợp với yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cần thiết để thí sinh có thể học được ngành đó.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT cho phép một ngành tuyển sinh tối đa ở 4 tổ hợp nên các trường được tự chủ hơn trong việc xác định tổ hợp tuyển sinh. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tuyển sinh và mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Tuy nhiên, nếu xác định một tổ hợp để tuyển sinh vào một ngành đào tạo mà thí sinh không có sở trường, không có yêu thích các môn học liên quan thì rất khó. Ví dụ như ngành Kinh tế, thiên về Khoa học tự nhiên nhiều hơn nên môn quan trọng cần phải có trong tổ hợp xét tuyển là môn Toán. Trước hết, tuyển sinh học ngành Kinh tế phải đảm bảo kiến thức về Khoa học tự nhiên; như vậy quá trình học tập, đào tạo sẽ đảm bảo chất lượng và các em sinh viên bắt nhịp học tập nhanh. Nếu thí sinh vào học Kinh tế mà không học tốt môn Toán hoặc các môn Khoa học tự nhiên thì vào học sẽ rất vất vả!
“Khi thí sinh chọn theo học một ngành học, điều quan trọng đầu tiên thí sinh cần xác định năng lực, khả năng của bản thân. Xem mình có thích hợp với những ngành, nghề đào tạo. Đặc biệt là khả năng của mình thuộc về Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội; từ đó sẽ chọn ngành nghề phù hợp nhất. Khi được học một ngành tốt, phù hợp với năng lực, phù hợp với sở thích thì kết quả học tập chắc chắn sẽ tốt hơn; khi tốt nghiệp cũng sẽ dễ tìm được việc làm hơn…” - Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, cho biết.
Không nên dao động vì tổ hợp “lạ”
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang: Nếu thí sinh chạy theo thị hiếu ngành nghề “hot” hay chạy theo sự lựa chọn của số đông bạn bè mà theo học ngành không phù hợp với sở thích, không phù hợp với đam mê thì rất khó để đeo đuổi bậc đại học. Vì học đại học cần phải có đam mê thì mới vượt qua những khó khăn, vất vả về mặt tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng... Thực tế ở các trường đại học, hằng năm có nhiều trường hợp sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai xin thôi học vì lý do không phù hợp với sở thích. Điều này rất đáng tiếc, gây lãng phí công sức, tiền bạc cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Khi xác định một tổ hợp xét tuyển không phù hợp với kiến thức của người học thì ảnh hưởng lớn đến cả quá trình học tập. Giả sử như một thí sinh trúng tuyển bằng tổ hợp ít liên quan đến ngành đào tạo thì chắc chắn thí sinh đó rất khó để theo học. Những tổ hợp “lạ”, tổ hợp xét tuyển không phù hợp với kiến thức của người học cho ngành đào tạo có thể dẫn đến việc thu hút những thí sinh “ảo”. Một phần nào đó cũng ảnh hưởng đến việc xác định tổ hợp của các em HS đang học bậc THPT, khi các em chuẩn bị đăng ký tuyển sinh cho kỳ thi sắp tới.
Chúng tôi có lời khuyên các em học sinh rằng, các em chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, phù hợp với sở thích, đam mê. Nếu thí sinh hiểu được năng lực của bản thân, yêu cầu về kiến thức của ngành chuẩn bị học thì sẽ đăng ký vào những tổ hợp phù hợp nhất. Mặc dù một số ngành ở một số trường đại học có bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển mới nhưng vẫn giữ các tổ hợp đã xét tuyển từ trước.
Do đó các em cứ yên tâm, bình tĩnh thực hiện theo ước mơ của mình; không nên dao động khi có thêm nhiều tổ hợp xét tuyển “lạ”. Các em cần tham khảo thông tin tuyển sinh của nhiều trường, chọn những trường có tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Trường ĐH Cần Thơ năm nay có tăng thêm tổ hợp xét tuyển, nhưng trường xác định các tổ hợp phải phù hợp với ngành nghề đào tạo và không có các tổ hợp “lạ”. Ở góc độ đào tạo, người làm quản lý cần phải tuân thủ, khi tuyển thí sinh vào học một ngành thì trước hết mong muốn thí sinh học tốt. Muốn học tốt trước hết thí sinh phải đảm bảo đủ kiến thức nền, kiến thức cơ bản. Điều đó được thể hiện qua điểm thi các môn có liên quan đến ngành nghề đào tạo của thí sinh…