Thi sĩ Nguyễn Vỹ - Nghệ thuật đi liền với bản lĩnh

GD&TĐ - Thi sĩ Nguyễn Vỹ (1912 – 14/12/1971), còn ký các bút danh Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi… quê làng Tân Hội (sau đổi thành Tân Phong), nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Thi sỹ Nguyễn Vỹ.
Thi sỹ Nguyễn Vỹ.

Ông học Trường Trung học Pháp - Việt ở Quy Nhơn từ 1924, đến năm thứ ba (1927) thì bị đuổi vì tham gia phong trào bãi khóa.

Sau ông ra học ở Hà Nội, đỗ Tú tài toàn phần (1932), được bổ dạy tại Trường Thăng Long, cộng tác với các báo La Patrie Annamite, L’Ami du Peuple Indochinois, Tiếng dân, Văn học Tạp chí, Đông Tây Tuần báo, Phụ nữ Tuần báo, Tiểu thuyết thứ Năm…

Từ ngòi bút đến thị phi văn đàn

Thi sĩ Nguyễn Vỹ cùng Trương Tửu chủ trương tuần báo Le Cygne (1935-1936). Khi viết bài chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp trên báo Le Cygne, ông bị quy kết “phá rối cuộc trị an, xui dân làm loạn để đánh đổ chính phủ” với cái án 6 tháng tù và phạt 3.000 quan (1937). Vì có tư tưởng chống Nhật nên ông bị quân phiệt Nhật bắt an trí ở Trà Khê, Phú Yên (1941-1945)...

Đương thời phong trào Thơ mới, Nguyễn Vỹ đã cho in Tập thơ đầu - Premières poésies (Thơ Việt và Pháp, Tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934) và các tác phẩm văn xuôi: Đứa con hoang (Tiểu thuyết, 1936); Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (Tập truyện ngắn Pháp văn, 1937); Người đàn bà trần truồng (1938); Thi sĩ Kỳ Phong (Ký cô Lệ Chi. Truyện dài, 1938); Kẻ thù là Nhật Bản, Cái họa Nhật Bản (Luận đề chính trị, 1938); Chiếc bóng (Tiểu thuyết, 1941)…

Nói riêng về thơ, đương thời thơ Nguyễn Vỹ đã được nhiều nhà thơ và giới phê bình như Tứ Ly, Lê Ta, Nguyễn Nhược Pháp, Lê Tràng Kiều, Vân Hạc - Lê Văn Hòe, Trương Tửu, Thanh Địch, Phú Viên, Hy Sinh, Lam Giang, Thanh Địch, Mộc Khuê, Hoài Thanh, Hoài Chân, Tô Yên Thiên, Vũ Ngọc Phan... cùng quan tâm tìm hiểu, thẩm bình.

Trong tiến trình phát triển phong trào Thơ mới 1932-1945, Nguyễn Vỹ thuộc lớp nhà thơ tiên phong, giai đoạn khai phá, mở đường, đặt nền móng. Tuy nhiên, chàng thơ Nguyễn Vỹ 22 tuổi trình làng Tập thơ đầu - Premières poésies (1934) với những sự khác người ở cách tự xuất bản, trổ tài bằng cả thơ tiếng Việt và thơ Pháp, trong đó có mấy bài theo lối 12 chân (alexandrins), hình thức kiểu thơ Tây lạ lẫm, cho nên đã không được đánh giá cao, thậm chí còn bị châm biếm, giễu nhại.

Khởi đầu, Tứ Ly (Hoàng Đạo) dõng dạc lên tiếng: “Một Tập thơ đầu, thơ Tây lẫn thơ ta, nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ cũng ra đời. Thi sĩ cũng nức nở tự giới thiệu cùng độc giả: “Lệ đầy mắt, quản bút cầm tay, hỡi độc giả, tôi là một nhà thi sĩ vô danh, xin ra mắt các ngài. Nếu các ngài không vồn vã tôi, xin cũng đừng khinh tôi”... Nào ai khinh thi sĩ mà thi sĩ đã vội sụt sùi.

… Tôi biết người ta khinh tôi và không bao giờ người ta yêu tôi,

Tôi biết tôi đem gieo tung vần thơ và nước mắt của tôi.

Nhưng, hãy thong thả cho tôi, hỡi tất cả các ông!

Hơn nữa, nếu nước mắt của tôi có mọc mầm trong lòng các ông, xin các ông cứ để cho nó nở hoa.

Đọc xong những câu thơ này, ai còn là người có can đảm không tha thứ cho ông Nguyễn Vỹ và không để nước mắt của ông nó mọc mầm ở trong lòng cho được! Vậy ai ai có linh hồn ảm đạm xin hái lấy những bông hoa ảo não, rầu rĩ nó nở trên những mầm, mọc trong bát nước mắt của nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ” (Phong hóa, 1934).

Cách tuần sau, chủ tướng Lê Ta (Thế Lữ) bày tỏ sự phản cảm, chê trách thơ Nguyễn Vỹ trong mục điểm sách: “Nhà “thi sĩ” Nguyễn Vỹ, tác giả Tập thơ đầu là một nhà có nhiều tài, tình cảm nhiều, mà lòng tự ái lại nhiều hơn. Cho nên, khi ông ra mắt quốc dân, mắt đầy lệ, cây bút cầm tay, ông không muốn cho ai khinh ông cả.

Ấy thế mà Nhất Linh lại bảo tập thơ đầu của người tên là đuôi kia không có ruột! Muốn khỏi mất lòng “thi sĩ”, tôi phải nói chữa hộ Nhất Linh: Thơ ông Vỹ có ruột đó chứ, chả tin cứ giở cuốn sách của ông ra mà coi: Chỉ tiếc cái ruột ấy đặc quá, mà khốn một nỗi là người ta lại không biết nó đựng những cái gì!” (Phong hóa, 1934)…

Khác biệt hơn, nhà phê bình chuyên về Thơ mới Lê Tràng Kiều đóng vai trò trọng tài, vừa điểm lại tình hình phê bình thơ Nguyễn Vỹ và đi tới phân tích, xác định, khẳng định những nét mới lạ, đặc sắc: “Kể bây giờ mà nói đến Nguyễn Vỹ đã là chậm lắm rồi, người ta nói đến Nguyễn Vỹ nhiều lắm, nhiều quá…

Chỉ một cái được người ta nói tới nhiều, cũng đủ vinh dự cho nhà thi sĩ, vì vô duyên nhất, đau đớn nhất cho kẻ hao tổn không biết bao tâm trí, biết bao ngày giờ để làm nên một bài thơ, in nên một cuốn sách mà không ai nói tới (…). Đêm đã về khuya.

Vài hạt sương gieo nặng ở trên cành… theo điệu sương, những cái mảng lòng của nhà thi sĩ cũng rơi vào trong cái rỗng không vô để: Sương rơi/Nặng trĩu/Trên cành/Dương liễu… Đó là những hạt sương? Những mảnh lòng tan vỡ ư? Những hạt lệ rơi thánh thót ư? Không, đó là tất cả! Đó là cái nhạc điệu thiên nhiên của những vật vô hình và hữu hình ở trong vũ trụ lúc đêm khuya, những vật ấy, nối tiếp nhau mà tan vỡ thành từng giọt: “Từng giọt/Thánh thót/Từng giọt/Điêu tàn”…

Một người đã tìm được một cái nhạc điệu mới như thế, há chi “xứng” để cho người ta dìm xuống? Làm ra được một bài như bài Sương rơi cũng đã nhiều lắm rồi, cũng đủ cho ta quên hết những cái sơ xuất của nhà thi sĩ trong lúc mới ra đời” (Hà Nội báo, 1936).

Từ Sài Gòn, bình giả Lê Văn Hòe phê phán tập Những áng thơ hay do Nguyễn Nhuệ Thủy sưu tập (1936), trong đó có nhận định sai lầm về thơ Nguyễn Vỹ: “Bài Sương rơi của Nguyễn Vỹ chỉ là một xâu chữ, một xâu chuỗi lệ. Thế thôi. Hay hay dở chưa dám quyết. Nhưng nếu “thơ hay cốt ở ý” thì bài nầy dở lắm” (Công luận, 1936)…

Vị thế được ghi nhận

Bìa sách của Nguyễn Vỹ.
Bìa sách của Nguyễn Vỹ.

Một năm sau, tức đã vượt qua ba năm kể từ khi Nguyễn Vỹ cho in Tập thơ đầu (1934), bình giả Vân Hạc (Lê Văn Hòe) cho rằng thơ Nguyễn Vỹ mạnh về ý tưởng nhưng cần gia tăng chất thơ và trau chuốt hình thức câu chữ: “Tôi cũng nhận rằng ông Nguyễn Vỹ có một tâm hồn thi sĩ và chỉ có thế thôi.

Ông Nguyễn Vỹ không thể là một thi sĩ được, mặc dầu, theo André Chénier, thì “nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, cái tâm hồn mới làm nên thi sĩ”. Ta cứ đọc thơ của tác giả Tập thơ đầu thì tự khắc thấy ngay cái tâm hồn thi sĩ ẩn hiện ra lờ mờ phảng phất, còn thi nghệ thì thật là trắng trơn:

…Hỡi Trâm! Đêm nay ta nhớ Trâm lòng ta thật bùi ngùi…

Chiếc giường đôi ta cùng nằm trò chuyện mấy canh thâu.

Còn kia… nhưng hình ảnh của Trâm đã dần dần xóa mất,

Mà dưới cỏ phủ mồ Trâm, còn gì?... Hay xương với đất!

(Đỗ Thúc Trâm)

Các bạn thấy chưa? Những câu thơ trên đây đọc cũng e khó đọc, chớ đừng nói đến ngâm! Đọc xong những câu thơ đó, chúng ta có cảm giác như đọc những bản dịch nô lệ (tranduction littérale), tức là dịch theo trúng nghĩa đen của các câu thơ Pháp hay thơ bên phương Tây.

Thiệt thế! Chúng ta dám quyết đoán rằng ông Nguyễn Vỹ khi làm thơ quốc văn thì nghĩ thơ theo chữ Pháp rồi mới tự dịch ngầm ra quốc văn, khó đọc như vậy! Giá những câu thơ nầy mà viết bằng chữ Pháp thì có thể hay đó. Thiệt đáng tiếc vô cùng” (Công luận, 1937).

Tiếp đến đầu năm sau, nhà phê bình Trương Tửu khi bình phẩm tập Điêu tàn của Chế Lan Viên đã hoan hỷ đọc “liên văn bản” đề cao thơ Nguyễn Vỹ: “Tôi đã được sung sướng đọc những bài thơ thâm trầm của Nguyễn Vỹ ca hát cảnh nhỡ nhàng đau xót của kẻ ăn mày trong đêm khuya, cảnh tan vỡ bi đát của giọt sương tình ái dưới sức tàn phá của hơi gió bấc, cảnh đổ nát của lâu đài thân hữu trên bờ bể” (Ích hữu, 1938)… Liền đó, khi luận bình thơ nữ sĩ Mộng Sơn, Trương Tửu tiếp tục nhắc nhớ, liên hệ và so sánh: “Mộng Sơn là thi sĩ đầu tiên hưởng ứng tiếng gọi của tác giả Tập thơ đầu.

Nghe theo khẩu hiệu cách mạng của Nguyễn Vỹ, nàng tàn nhẫn vứt cây đàn xưa. Nàng liền bắt nguồn thơ trong những cảm hứng mới… Cùng với Nguyễn Vỹ giữa một tình thế gay go, nàng hăng hái xung vào đội hình tiên phong trên mặt trận cách mạng của thi ca Việt Nam hiện đại” (Ích hữu, 1938)…

Trong mục Những sáng chế khác của phong trào Thơ mới trong sách Khảo luận luật thơ mới, Lam Giang dẫn giải về lối thơ hai chữ qua trường hợp Nguyễn Vỹ (có so sánh với các nhà thơ Pháp như Jules Rességuier, Victor Hugo, Verlaine): “Một sáng chế của trường thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ chủ trương. Bài Sương rơi được nhiều người biết vì mô phỏng theo âm điệu đều đều buồn buồn của những giọt sương rơi.

Đó là một thứ âm nhạc mô phỏng theo lề lối tượng thanh… Nguyễn Vỹ còn cao hứng dịch bài này ra Pháp văn. Bài dịch vẫn giữ được thứ âm điệu mô phỏng rơi rơi buồn buồn: Les branches/De saule/Se penchent/Molles/…Goutte/A goutte/Toules/Brisées… Muốn dùng điệu “thơ nhạc”, thi sĩ cần phải để hết tinh thần vào âm điệu. Càng giàu âm điệu bài thơ càng có giá trị” (Huế, 1940)…

Trong bài viết thực sự công phu Tính sổ mười năm văn học (1930-1940), nhà phê bình Trương Tửu đánh giá cao thành tựu phong trào Thơ mới và vị thế Nguyễn Vỹ: “Tựu trung, vẫn chỉ có bốn trường thơ mới có tính cách đặc biệt là: 1) Trường thơ Thế Lữ; 2) Trường thơ Lưu Trọng Lư; 3) Trường thơ Nguyễn Vỹ; 4) Trường thơ “thể cũ ý mới” có Thái Can đại diện” (Mùa gặt mới, 1940)...

Nhìn rộng ra, thực hiện tổng kết tiến trình Ba mươi năm văn học đầu thế kỷ, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) nhấn mạnh dòng chảy thi ca, xác định vị thế Nguyễn Vỹ trong cuộc đấu tranh cho Thơ mới và điểm danh: “Nguyễn Vỹ trong Tập thơ đầu (1934) có hơi thơ dài như gió lướt” (Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1941)...

Tiếp đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân khái quát một chặng đường thơ Nguyễn Vỹ, khách quan xác định cả những phương diện hạn chế và đóng góp đặc sắc: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.

Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường… Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một cái nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi.

Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ… Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ.

Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng; thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường.

Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí… Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ cái nỗi gì?” (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942)…

Cho đến cuối mùa phong trào Thơ mới, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đi sâu đánh giá toàn diện sự nghiệp văn chương của Nguyễn Vỹ, trong đó nhấn mạnh đặc điểm thơ ca: “Về thơ cũng như về văn, Nguyễn Vỹ đã có những cái lầm kỳ quặc. Ông là người đề xướng một lối thơ bắt chước thơ Tây và gọi là “thơ Bạch Nga”. Ông là người đặt ra những câu thơ hai chữ và những câu thơ “mười hai chân”.

Ông đã từng “làm ồn” lên một độ trong Tiểu thuyết thứ Năm, một tạp chí xuất bản ở Hà Nội cách đây sáu bảy năm, về những cái mới ấy; nhưng với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt… Nói như vậy, không phải bảo Nguyễn Vỹ không có tài về thơ. Ông có tài khi ông không cầu kỳ và chịu ở yên trong dòng thơ Việt.

Bài Gửi Trương Tửu của ông đăng trong báo Phụ nữ (xuất bản ở Hà Nội) là một bài được nhiều người nhắc đến (...). Người ta thấy không một chút cầu kỳ nào trong bài thơ trên này. Cái đặc sắc của toàn bài ở những lời nhỏ to rất giản dị như đang ngỏ tâm sự cùng bạn ngồi đối ẩm với mình.

Giọng lại là giọng một người say rượu, lúc tửu hứng nói ngông. Những câu “Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!...”, “Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng? Tôi làm trạng nguyên, anh tể tướng...”, thật rõ ra giọng anh say và ngông” (Nhà văn hiện đại, Quyển tư, tập hạ. Nxb Tân dân, Hà Nội, 1945)...

*

Nguyễn Vỹ là hiện tượng chín sớm, được coi là “tiên phong” nhưng không chín đều, có bài trung bình “kém xa vè”, có bài được coi là “kiệt tác”. Thơ ông biệt ra một lối “trọng về tứ”, “Trường thơ Nguyễn Vỹ”, “Một sáng chế của trường thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ chủ trương”, thể hiện khả năng tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới, dấn thân đến quyết liệt.

Người đương thời phong trào Thơ mới đã tiếp nhận, đánh giá công bằng, đúng mức về ông, về cá tính thơ ông, để lại những bài học sâu sắc về bản lĩnh và tinh thần dân chủ trong nghệ thuật phê bình văn chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.