Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022): Nguyễn Giang chừng mực giữa trời xanh

GD&TĐ - Thi sĩ Nguyễn Giang (1910-1969) sinh tại Hà Nội, con trai nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), anh khác mẹ với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938).

Thơ Nguyễn Giang đong đầy sự cô quạnh. Tranh minh họa.
Thơ Nguyễn Giang đong đầy sự cô quạnh. Tranh minh họa.

Nguyễn Giang có điều kiện học tập từ nhỏ, từng du học bên Pháp khoảng mười năm. 

Cầm kỳ thi họa… đủ cả

Nguyễn Giang là nhà thơ, họa sĩ và dịch giả; từng chủ trương Đông Dương tạp chí (1937-1939), Âu Tây tư tưởng (1937-1940). Ngoài việc viết báo, dịch thơ trong Danh nhân Âu Mỹ (1937), dịch kịch W. Shakespeare và J. Racine, Nguyễn Giang đã in tập thơ Trời xanh thẳm (Nguyễn Dương Xb, Hà Nội, 1935).

Thơ ông bình dị, không thật xuất sắc, không nổi bật như Nguyễn Nhược Pháp, từng được Lưu Trọng Lư, Mộc Khuê, Phạm Mạnh Phan, Hoài Thanh - Hoài Chân, Thao Thao, Vũ Ngọc Phan… cùng quan tâm nhắc nhớ, trao đổi, giới thiệu, luận bình…

Vốn là họa sĩ nên khi vừa tròn 25 tuổi, Nguyễn Giang đã có triển lãm tranh sơn dầu. Ký giả C.S. trong bài Cuộc trưng bày những bức tranh sơn của Nguyễn Giang đã thông tin: “Trên tầng gác hội Khai trí, trong ba phòng liên tiếp nhau, 3, 4 mươi bức vẽ sơn treo trên tường.

Đó là những họa phẩm do tay  một thiếu niên Việt Nam vẽ ra. Người đó là Nguyễn Giang, con thứ ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ nhiệm báo L’Annam Nouveau”, từ đó gợi mở chất thơ trong tranh: “Họa sĩ có lẽ có tài nhất về lối truyền thần.

Vốn sẵn có tâm hồn một nghệ sĩ, lại có con mắt biết nhận những vẻ đẹp của vũ trụ, nhà họa sĩ tự thấy có hứng bút, rồi lấy tạo hóa làm thầy dạy, dùng mây nước, cỏ cây làm trường, cố tìm những màu mè, cố đặt lấy những nét đậm nhạt để tả những cái đẹp hiển nhiên trước mắt”, phân tích vẻ đẹp của những hình tượng, tính tình, phong cảnh, truyền thần, “nature morte” và đi đến kết luận như một niềm hy vọng: “Hai bức họa ông chủ báo họ Đặng và công tử họ Dương thật là hai tấm truyền thần sắc sảo, chẳng khác lột cả tinh thần của người làm mẫu.

Nguyễn Giang quả là một họa sĩ tương lai” (Hà thành ngọ báo, 1935)… Có thể “con mắt họa” này đã đồng điệu “truyền thần”, giao thoa với tứ thơ và hình ảnh thơ, kể từ nhan đề tập Trời xanh thẳm đến các bài Xuân, Con đường nắng, Mẹ, Luxembourg, St Rémy de Provence, Tương tư, Bình ca, Cái đẹp, Suồng sã, Tắm, Giọt nước cành hoa…

Bén với thi ca

Sau khi tập thơ Trời xanh thẳm của Nguyễn Giang ra đời, bậc đàn anh cả về tuổi đời và tuổi nghiệp thơ Lưu Trọng Lư đã trung thực, thành thật nhận xét và có ý quy lỗi nhận thức, năng lực tiếp nhận thơ ca về phía công chúng: “Trước hết ta nên khen ông Nguyễn Văn Vĩnh đã “đẻ” ra cho ta hai nhà thi sĩ.

Nguyễn Nhược Pháp, tác giả quyển Ngày xưa đã được nhiều người nói tới. Nguyễn Giang, thì từ khi Trời xanh thẳm ra đời nhẫn nay, đối với ông, báo giới ra mặt lãnh đạm hẳn.

Nguyễn Giang không những là thi sĩ, còn là một họa sĩ có tiếng… Mười năm du học ở Paris, ông chỉ chuyên học nghề Họa sơn (Peinture à l’huile). Một độ nọ, những bức tranh của ông đã có trưng bày ở nhà hội Khai trí tiến đức và hình như không được công chúng hoan nghênh lắm thì phải. Điều ấy rất dễ hiểu.

Cái nghệ thuật của ông đối với công chúng ta rất là lạ mắt, tuy rằng nó rất gần sự thực. Lỗi ấy không phải tại ông Giang, mà tại công chúng. Công chúng ta đã xa sự thực lắm rồi. Công chúng ta đã quen với những sự hoa hòe và mơ mộng.

Công chúng ta đã đọc nhiều tiểu thuyết của Khái Hưng và đã xem nhiều tranh vẽ của Tô Ngọc Vân, của Đông Sơn - nhất là của Đông Sơn, công chúng đã quen với sự thực dịu dàng, đầy hoa và mộng, công chúng đương say sưa trong những cái thú vị êm đềm. Thực ra cũng nhờ mấy nhà văn sĩ và họa sĩ trên đó, công chúng đã quên được những sự nặng nề, gay gắt của nạn kinh tế.

Nhưng đủ rồi, đủ lắm rồi! Ta mơ mộng lắm, ta sẽ làm giảm bớt cái giá trị của sự mơ mộng đi!”; rồi sau khi liên hệ, phân tích nghệ thuật vẽ tranh, Lưu Trọng Lưu xác định: “Từ nghề họa, Nguyễn Giang đã mang cái quan niệm ấy qua nghề thơ.

Đọc quyền Trời xanh thẳm, ta vẫn thấy Nguyễn Giang họa sĩ… ngồi chăm chăm phân biệt, bôi, gắn những cái sắc màu tản mác ở trong cảnh vật và hình như chỉ có những cái sắc màu là cảm nhà “thi họa sĩ” một cách sáng sủa mà thôi.

Mười năm sống ở một thế giới có trời đẹp, có người đẹp, nhà “thi họa sĩ” tựa hồ như chỉ còn gắn chặt lại trong tâm hồn mình cái màu xanh bạc của rừng ô liu” (oliviers), màu điệu của cái áo một thiếu nữ ở vườn Luxembourg, và cái màu trời xanh thẳm là cái mê say to nhất trong đời nhà “thi họa sĩ”… Thơ Nguyễn Giang không hoa hòe, không cầu kỳ.

Ông nghe thấy thế nào, ông ghi chép lại một cách thật thà… Tôi có thể nói cái nghệ thuật của Nguyễn Giang là một cái nghệ thuật thuần túy… Tuy rằng Nguyễn Giang đã bị ảnh hưởng lối thơ cổ nhiều, nhưng không hề thấy ông xài đến chữ Nho và dùng những điển tích mơ hồ”; cuối cùng, thi sĩ bình giả Lưu Trọng Lư nhấn mạnh thỏa đáng cả hai chiều khen - chê: “Trong quyển Trời xanh thẳm, sở dĩ có lắm câu lúng túng và rời rạc, tôi tưởng là tại tác giả đã bị luẩn quẩn bởi cái luật đối đáp ấy.

Trừ cái lối ấy ra, quyển Trời xanh thẳm là một quyển sách có một cái giá trị đặc biệt, đáng đọc… Quyển sách ấy lại là quyển sách đẹp nhất trong tủ sách của ta… Tiếc quyển sách ấy bán với một cái giá cao quá. Tôi chép ra đây vài bài thơ của ông để giới thiệu cùng độc giả:

LUXEMBOURG

Sao quang gió lặng cỏ êm đềm,

Bể đá mờ xanh, mặt nước êm.

Tiếng dế lơ thơ, vùng lá tối…

Cảnh thu mê mẩn giọt sương đêm.

Nhớ ai trên bệ, tình thơ thẩn,

Giòng nước trong hoa, giọng nổi chìm.

Gặp gỡ đường đời còn biết mấy,

Ngắt cành hoa sói giữ cho em.

TƯƠNG TƯ

Gió thu  phơ phất, lá thu gieo,

Một mối tương tư một bóng chiều;

Mắt phượng tuyệt vời làn nước biếc,

Tóc tơ vơ vẩn áng vàng thêu.

Trông hoa lại nhớ màu da tuyết,

Nhắm mắt còn mơ dáng áo điều.

Ngán nỗi đường đời không sớm gặp,

Ngày đêm đằng đẵng tấm lòng yêu”…

(Tràng An báo, 1936)

Chúng tôi chủ ý dẫn thêm cả hai bài thơ Đường luật trên đây vì xét thấy số thơ Nguyễn Giang phổ biến không được nhiều, ngay trên trang Thi Viện cũng chỉ có ba bài dẫn theo Thi nhân Việt Nam (1942).

Những lời ca tụng vừa tầm

Sau này Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) điểm danh một chặng đường thơ ca có lưu ý: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: Phan Văn Dật Bâng khuâng (1935) vào những buổi chiều rơi nhẹ; Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) Ngày xưa (1935) đi viếng Chùa Hương; Nguyễn Giang ở Pháp về đem lại cho đất nước một phương Trời xanh thẳm (1935)” (Ba mươi năm văn học, 1941).

Tiếp đến Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca xác định: “Nhưng nguy nhất cho những người bênh vực thơ cũ là trong tám chín năm luôn thơ mới sản xuất ra nhiều nhà thơ có danh, nhiều bài thơ có giá trị, mà họ gần như không sáng tạo ra được một chút gì có thể gọi là thơ” và dẫn giải cụ thể: “Quyển Trời xanh thẳm của Nguyễn Giang xuất bản năm 1935, quyển Một tấm lòng của Quách Tấn xuất bản năm 1939, không đủ cho người ta hoan nghênh”... Điều này có nghĩa lối thơ Đường luật dù có đổi mới, chuyển hóa đến đâu cũng thuộc về một thời đã qua.

Rồi hai ông nhấn mạnh “quan niệm của Nguyễn Giang về thi ca: Làm thơ là tìm cái Đẹp mà cái Đẹp là “cái cách tình cảnh tương đối và hòa hợp với nhau”…, từ đó xác định đúng mức đặc điểm, vị thế và giá trị tập thơ: “Có hiểu quan niệm đặc biệt ấy, cái quan niệm từ nghề vẽ chuyển sang nghề thơ, họa may mới hiểu được thơ Nguyễn Giang. Tôi nói họa may vì thú thật tôi không dám chắc là đã hiểu.

Tôi quá nặng lòng trần tục mà lối thơ này quá thuần túy chăng? Tôi không hiểu được những nhà thơ nghệ sĩ chăng? Dầu sao, xem thơ tôi muốn tìm những tâm hồn. Mà sau câu thơ Nguyễn Giang ít khi tôi thấy có gì. Sự tương đối, sự hòa hợp của những tình, những cảnh trong thơ Nguyễn Giang tôi thấy tầm thường quá, không đủ rung động lòng tôi.

Người ta bảo lối thơ Đường bao giờ cũng thế. Nhưng tôi đã đọc của Lý Bạch, của Đỗ Phủ những bài thơ khiến tôi rung cảm biết bao!... Đã vậy, sao tôi lại nói đến thơ Nguyễn Giang trong một quyển sách chỉ nói đến những nhà thơ và những bài thơ tôi thích? Ấy là vì đọc Nguyễn Giang tôi bỗng không dám hoàn toàn tin tôi.

Ấy cũng vì những ý nghĩ thành thực và ngộ ngộ giãi bày trong bài tựa dài đầu quyển Trời xanh thẳm. Vậy xin trích ra đây ba bài thơ tôi để ý nhất (bài nào câu cuối cũng hay). Hoặc giả bạn đọc sẽ thấy có gì chăng, ngõ hầu khỏi mai một một nhà thơ có chân tài biết đâu?” (Thi nhân Việt Nam, 1942)…

Hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân đã tuyển ba bài thơ (Xuân, Con đường nắng, Mẹ) của Nguyễn Giang (xếp đồng hạng số thơ của Lưu Kỳ Linh, Phan Văn Dật, Lan Sơn, Thu Hồng, Đỗ Huy Nhiệm) đều rút trong tập Trời xanh thẳm (1935), in ngay từ giai đoạn đầu phong trào Thơ mới.

Vào chặng đường cuối phong trào Thơ mới, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan định vị Nguyễn Giang trên tư cách một tác gia văn học, mở đầu với xác quyết: “Ông chỉ làm rặt một lối thơ Đường luật.

Trong quyển Trời xanh thẳm (Nguyễn Dương - Hà Nội, 1935), trừ vài bài thơ dịch, còn bài nào cũng là bài làm theo luật cân đối ấy cả (…). Ông đã có một quan niệm như thế về thi và họa, nên về thơ, lẽ tự nhiên là ông chọn lối thơ Đường luật để diễn tả cái đẹp của cảnh vật mà nghề họa đã không diễn được hết.

Cũng vì một quan niệm ấy mà trong thơ của ông, chỉ những câu tả cảnh là hay”; rồi sau khi phân tích một số bài thơ tiêu biểu, Vũ Ngọc Phan đi đến đọc “liên văn bản”, “liên ngành thi - họa” và đi đến nhận định: “Nguyễn Giang có những bài thơ có thể dùng làm đầu đề cho những bức họa.

Đó là những bài Suồng sã (trang 74), Tắm (trang 78), Giọt nước cành hoa (trang 79), những bài tả người mỹ nhân rất tinh tế”, đồng thời đi đến kết luận khách quan: “Tác giả làm cho người ta có những cảm tưởng nặng nề khi gấp quyển thơ lại.

Trời xanh thẳm đâu lại vẩn lên những đám mây đen ngòm như thế?… Nguyễn Giang là một họa sĩ, một nghệ sĩ, ông có tài ở thơ nhiều hơn là ở dịch. Thơ ông, tuy lời cổ nhưng ý mới; còn văn dịch của ông ngay ở những chỗ đúng nghĩa và hay nhất, vẫn có vẻ thật thà” (Nhà văn hiện đại, Quyển ba, 1943)...

Với Trời xanh thẳm (1935), Nguyễn Giang xuất hiện vào giai đoạn đầu phong trào Thơ mới và sau này hầu như không thấy ông sáng tác thêm nữa. Thơ ông chừng mực, cơ bản trung thành với lối thơ Đường luật truyền thống.

Nhìn nhận thơ ông trong sinh quyển phong trào Thơ mới, người đương thời cũng đánh giá thơ ông một cách chừng mực, ghi nhận đầy đủ những đóng góp và chỉ ra đúng mức những hạn chế, yếu kém.

Người làm thơ đã biết dừng đúng lúc và người bình thơ cũng biết trân trọng, đánh giá đúng mức, đúng người, đúng thơ, đúng thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ