Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022): Thi sĩ Phan Văn Dật - Nét bút hoài cổ giữa đời

GD&TĐ - Thi sĩ Phan Văn Dật (17/8/1907 – 11/2/1987) dòng dõi thế gia, sinh tại phủ An Thường công chúa, làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).

Tập Bâng khuâng của Phan Văn Dật.
Tập Bâng khuâng của Phan Văn Dật.

Chính quán của ông ở làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Ông có cha là Thị độc Đại học sĩ Phan Văn Dư, có hai cậu là văn sĩ nổi tiếng (Trần Thanh Mại và Trần Thanh Địch).

Thuở nhỏ, ông học Trường Quốc học Huế đến hết bậc Thành chung rồi vào làm thư ký Sở Trước bạ Đà Nẵng (1927-1939), Nha Ngân khố Trung Kỳ và dạy học ở Huế (1939-1945), sau tiếp tục làm công chức và giảng dạy ở Viện Đại học Huế, nghỉ hưu và mất tại Huế…

Tác phẩm của Phan Văn Dật có tập thơ Bâng khuâng (1935), tiểu thuyết Diễm Dương trang (Giải thưởng Tự lực văn đoàn, 1935), bản thảo tập thơ Những ngày vàng lụa, còn ký các bút danh Tiêu Lang, Thường Nga Phố và cộng tác với Nam Phong tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Thần Kinh tạp chí, Tràng An báo, Khuyến học, Rạng Đông, Cười...

Đương thời phong trào Thơ mới, thơ Phan Văn Dật được nhiều người quan tâm giới thiệu, bình luận: Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân, Trần Thanh Địch, Mộc Khuê, Diệu Anh…

Phan Văn Dật thuộc lớp nhà thơ xuất hiện sớm trong phong trào Thơ mới. Theo lời kể vui của Trần Thanh Mại trong bài giới thiệu Một nhà thi sĩ ít được ai biết: Ông Phan Văn Dật, từ những năm 1920-1921, khi mới hơn mười tuổi, ba bạn thiếu nhi (Phan Văn Dật - Nguyễn Khoa Văn - Trần Thanh Mại) đã cùng nhau ra được ba số báo Thiếu niên văn đàn mà chỉ có một độc giả là bà giám hộ Đạm Phương nữ sử (1881-1947).

Rồi sau khi dẫn giải, phân tích, bình luận mấy bài thơ đã in báo vào năm 1927 (Tiễn đưa, Người con gái họ Dương, Bi Xuân Nương), Trần Thanh Mại đi đến nhận xét: “Ở trong đời, không có cái gì cảm động người ta bằng sự giản dị. Ông Phan Văn Dật đã cho ta hai mối cảm động trong một lần, vì trong một lần, ông đã cho ta hai cái giản dị: Giản dị của Bi Xuân Nương và giản dị của thể thơ ngụ ngôn cổ phong, thể thơ tuy cổ từ mấy mươi đời nhưng đó mới thật là Thơ mới.

Thi sĩ Phan Văn Dật.

Thi sĩ Phan Văn Dật.

Ông Phan Văn Dật đích thị là một nhà thi sĩ. Thi sĩ và văn sĩ, nói riêng là tiểu thuyết gia, ở hai thế giới khác nhau mà những người thích hợp cả hai phong thổ như ông Nguyễn Thế Lữ thật là hiếm có. Tôi khuyên ông Dật cho khéo kẻo lầm đường” (Hà thành ngọ báo, 1935). Nói như thế thì thơ Phan Văn Dật không đến nỗi “ít được ai biết”…

Vào cuối năm 1935, khi tiểu thuyết Diễm Dương trang nhận giải thưởng của Tự lực văn đoàn, thi sĩ Phan Văn Dật có viết bài Nghệ thuật và nhân sinh trên tạp chí Khuyến học (Hà Nội) nên bị quy vào phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” cùng Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều...

Cũng đúng vào khoảng thời gian này, Hoài Thanh có bài Nhân xem tập thơ của ông Phan Văn Dật: Những câu thơ dễ thương với đoạn mở đầu trang trọng: “Ông Phan văn Dật cách đây không lâu có ra một quyển truyện đề là Diễm Dương trang. Tôi đã có dịp nói ý kiến của tôi về quyển truyện ấy.

Vừa rồi lại được xem quyển Bâng khuâng, một tập thơ ông mới xuất bản. Xin nói ngay rằng, quyển Bâng khuâng có giá trị hơn quyển Diễm Dương trang nhiều, mặc dầu một tập thơ và một quyển truyện không thể so sánh với nhau được” (Tràng An báo, 1935). Toàn bộ nội dung phần còn lại sau này được Hoài Thanh chỉnh sửa và đưa vào sách Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 (1942)…

Ngay năm sau, trong bài viết Võ sĩ mà văn sĩ giới thiệu nhà thơ Bửu Tuyền đương kim vô địch võ sĩ Trung Kỳ, Trần Thanh Mại mở đầu bằng mấy câu vui vui liên hệ đến Phan Văn Dật: “Các bạn thường hay tưởng tượng các ông thi sĩ như những ông Thế Lữ, những ông Phan Văn Dật, những ông Tú Mỡ ra những: Hình cao dong dỏng lại gầy gầy... và như thế, các bạn quả thật không lầm.

Ông Tú Mỡ thì đã thú nhận sự ốm yếu hình thức mình trong quyển Giòng nước ngược của ông. Chớ còn người ông Phan Văn Dật hoặc ông Thế Lữ, theo tôi biết, tưởng cũng không bao giờ phải lo đến việc mắc bệnh phì” (Sông Hương, 1936)…

Lại qua hai năm sau, bình giả Trần Thanh Địch trong bài Thi sĩ với ngày xuân, đồng thời với việc điểm danh tình điệu “cảm khái những ngày xuân” trong thơ của Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Nhược Pháp, Thái Can đã nhấn mạnh chất thơ xuân Phan Văn Dật:

“Đi cạnh Xuân Diệu, ta hãy nghe Phan Văn Dật bâng khuâng với những nỗi buồn xuân tha thiết:

Vừa mới đông qua, xuân mới về,

Nắng hè gay gắt đuổi xuân đi!

Thôi còn đâu cảnh xuân êm dịu,

Hoa nở, trời trong, bao vẻ thi?

Hè qua, ta vẫn nhớ xuân,

Tuổi xuân ta cảm nó lần lần trôi…

Xuân mang ngày đẹp đi rồi,

Nắng hè đã vội mỉa mai xuân tàn!

Ngay từ xuân mới tháng giêng hai,

Ta đã vì xuân cảm ngậm ngùi.

Đã sợ ngày xuân khôn níu được,

Lững lờ mà vẫn cứ đi thôi.

(Buồn xuân)

Mùa xuân với Phan Văn Dật là cuộc ái ân phơi phới đầu mùa của một đôi nhân tình đang tha thiết yêu nhau. Trong lúc say sưa với tình yêu, không ai có thể cứ thản nhiên trọn hưởng tình yêu hiện tại. Bao giờ trong óc mỗi người cũng còn nghĩ đến một giờ phân ly sẽ ngẫu nhiên xảy đến. Hơn nữa, người ta cứ luôn luôn sợ hãi cái “rồi đây”.

Cũng như tuổi trẻ, trẻ để có già; xuân đến, đến để có đi… Buồn xuân, cũng như những thơ khác của thi sĩ, ta thấy đầy rẫy những tình cảm mến tiếc, những bâng khuâng luyến ái, chập chờn lẩn quất trong ý, trong câu… Đọc văn thơ của các thi sĩ, có khi ta buồn chết dạ, có khi buồn tê tái, có khi buồn rười rượi, có khi buồn man mác, có khi buồn bâng khuâng. Phan Văn Dật đã làm lòng ta lảo đảo theo thứ buồn mơn trớn sau cùng ấy…

Hai câu đầu tiên của Buồn xuân đọc đang xuôi, đệm ngay liều xuống “Thôi còn đâu cảnh xuân êm dịu./ Hoa nở, trời trong, bao vẻ thi?” làm thấm vào lòng người đọc một ý mến tiếc buồn rầu. Với ý mến tiếc buồn rầu ấy, Phan Văn Dật cảm xuân đã tả những nét uyển chuyển, nhẹ nhàng, dễ thương quá. Người ta có cái cảm tưởng kính trọng, chỉ muốn nâng niu lên đôi tay như một viên ngọc quý” (Tràng An báo, 1938)...

Tổng kết một chặng đường thơ, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) thống kê, ghi nhận các tác giả, tác phẩm và xác định: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: Phan Văn Dật Bâng khuâng (1935) vào những buổi chiều rơi nhẹ” (Ba mươi năm văn học. Nxb. Tân Việt, H., 1941).

Rồi ngay cả khi tập trung nhận diện Lưu Trọng Lư: Thi sĩ giang hồ, Trần Thanh Mại vẫn nhắc nhớ, liên hệ đến nhà thơ xứ Huế: “Khác với Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư không bị ảnh hưởng của những tư tưởng mạnh mẽ, thắc mắc và máy móc của Âu - Tây. Nếu như ngày nay trong cái thể thơ người ta đang hay làm bây giờ, và người ta đã gọi là Thơ mới, có người làm thơ “thuần túy” thì người ấy chỉ có thể là Phan Văn Dật, tác giả Bâng khuâng, và Lưu Trọng Lư, tác giả Tiếng thu” (Đời văn II, 1942)…

Trở lại bài viết của Hoài Thanh (1935) được ông xác nhận: “Hồi Décembre 1935 tôi có viết trên báo Tràng An một bài về quyển Bâng khuâng. Nay xem lại thơ Phan Văn Dật cảm tưởng vẫn không khác xưa. Vậy xin trích mấy đoạn chính trong bài ấy”, rồi chỉnh sửa, giản lược góp ý những hạn chế và gia tăng lời bình về tính độc đáo: “Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy thơ mộng.

Cuộc đời như thế ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng vô sự chỉ đối với những con mắt không tinh. Thực ra trong lòng thi nhân không phải vô sự: Thi nhân không thiết chuyện hằng ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:

Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.

Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.

Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,

Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại”...

Sau đó Hoài Thanh đi đến kết luận: “Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ, không réo rắt, không hùng tráng, không làm ta bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi sĩ. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không thể xem như thầy… Chính Phan Văn Dật cũng không muốn làm thầy ai. Người vốn biết:

Sự hoàn toàn tìm kiếm chỉ thêm hoài,

Ngọc lành là chuyện nói mà chơi,

Chớ kể ngọc nào không có vết!”…

Thế rồi hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển ba bài thơ của Phan Văn Dật, xếp đồng hạng số thơ của Lưu Kỳ Linh, Lan Sơn, Thu Hồng, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Giang). Điều đặc biệt là cả ba bài thơ này đều xuất hiện trước thời Thơ mới (1932) đến cả 5 năm.

Chúng tôi mong chờ sẽ xác định được ba bài thơ này được sáng tác hay in báo cùng một ngày (29/10/1927), sau đó được tập hợp lại trong trong tập Bâng khuâng (1935) rồi được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển in trong Thi nhân Việt Nam (1942)?...

Đến chặng cuối, trong bài viết tổng kết thường niên Những hoạt động văn chương Việt Nam trong năm qua, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh) định vị sắc thái địa - thơ Phan Văn Dật trong tương quan thơ Xuân Tâm (Phan Hạp) và vùng văn hóa xứ Huế - Trung Trung Bộ: “Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn man mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài, tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một ít Huy Cận và rất nhiều Huế.

Một Xuân Diệu không tha thiết, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng, cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch, đứng đắn và nhất là có chừng mực” (Thanh nghị, 1942)…

Sáng tác Thơ mới sớm, có tập thơ từ sớm và cũng sớm định hình phong cách ngay từ chặng đường đầu tiên nhưng Phan Văn Dật hầu như không sáng tác thêm, không đồng hành, phát triển theo phong trào Thơ mới.

Người đương thời tiếp nhận, xác định đúng mức những đóng góp của ông, đánh giá cao ý nghĩa khơi nguồn và phẩm chất một tiếng thơ nhân bản, đầy cảm thông, ân nghĩa, yêu thương con người và vì con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.