Ký ức Ngày độc lập sẽ còn mãi trong trái tim thi sĩ Hoàng Cầm |
Sau cú ngã định mệnh (2004), ông đã phải bất động hơn 5 năm nay trên cái giường bé xíu và đầy những sách tít tận tầng 5 ngôi nhà trong ngõ số 43 Lý Quốc Sư. Ông nằm đó thân hình mỏng tang, hờ hững trong mênh mang nắng gió như đang nghĩ về bao kỉ niệm của gần 90 năm đa tình. Chỉ khi gợi lại những ký ức ngày 2/9/1945, thì đôi mắt thi sĩ mới ánh lên những tia nhìn tinh anh, linh hoạt của sự sống. Ông chậm rãi chắp nối từng đoạn, từng đoạn...
“Đêm trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn là một đêm khó ngủ. Khó ngủ chứ không phải mất ngủ. Ai cũng háo hức vì hôm sau mình sẽ trở thành người tự do của một nước độc lập..."
Năm 1945, tôi và mấy người bạn ở đoàn kịch Đông Phương đang dựng vở Kiều Loan. Khi đó đoàn kịch không có trụ sở, chỉ tập ở gần nhà hát lớn để rồi lưu diễn khắp nơi. Biết ngày 2/9 Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, anh em trong đoàn kịch hồi hộp lắm! Bỏ cả tập và quyết tâm kiểu gì cũng phải đi ra quảng trường Ba Đình. Không chỉ riêng chúng tôi mà bất cứ ai cũng muốn đi tới đó để được thấy Bác Hồ, để được nghe, được hô lên những tiếng tự do...
Tôi nói đồng bào nghe rõ không? |
Tôi và Hoàng Lập Ngôn đi từ sớm để có thể kiếm được chỗ gần Lế đài nhưng lại có những người đi sớm hơn cả chúng tôi. Cả biển người cứ đổ về quảng trường Ba Đình chật cứng và bừng bừng khí thế. Chúng tôi chìm trong biển người đó quên cả thời gian và cũng không nhớ mình đứng chỗ nào nữa. Chỉ biết là nhìn thấy Bác, nghe tiếng Bác, nghe cả thấy tiếng của mình và hàng trăm, hàng ngàn người hô vang theo Bác...
Đến tận đêm hôm đó, chúng tôi vẫn lang thang trên những con phố với nâng nâng cảm xúc. Bạn văn bạn thơ gặp nhau, mỗi người một ý nhưng tự do độc lập mang đến cái cảm giác kỳ lạ khó viết thành lời ngay lúc đó. Nên tôi và các bạn tôi hầu như không ai viết được ngay bài thơ nào. Chỉ sau này vào kháng chiến, khi đã thấm thía mới viết...
Thời bấy giờ, anh em đều thích văn nghệ nhưng khó ngồi với nhau vì khó có một món tiền kha khá để khao nhau. Thường là tự khao mình bằng một cái gì đó để mừng ngày 2/9, mừng có được độc lập, tự do.
Những xúc cảm của hôm đó dai dẳng trong tôi đến nhiều năm sau. Và nếu không có ngày Thu đó sẽ không có “Bên kia sông Đuống”, sẽ không có “Lá Diêu Bông”...”
Như đã vắt kiệt nỗi nhớ, thi sĩ Hoàng Cầm nghiêng nghiêng nhìn ra cửa sổ. Nhưng nhớ đó rồi lại quên ngay. Tuổi tác đã khiến ông vẫn nằm đếm buồn đếm vui như thế. Ông đã gần lắm phút dâng trào cảm xúc: "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông..."
Bạn bè ông đã tìm về cõi vĩnh hằng gần hết. Những người cùng thời với ông cũng chẳng còn được mấy ai. Những ký ức sôi nổi về Ngày độc lập 2/9/1945 cũng vì thế mà chẳng còn được nhiều. Muốn tìm lại nó trong những “người xưa” phải nhẫn nại, tỉ mẩn lắm mới ghép được đôi dòng...
Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế. Kỷ niệm 64 năm ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất Mẹ hay ở xa Tổ quốc, dù là trực tiếp tham dự hay nghe kể lại, dù ở thế hệ nào cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nghĩ về, nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục mà náo nức hân hoan của những ngày đầu được là Công dân Tự do của một Nước Độc lập.
Tận đáy lòng mỗi người dân đất Việt - dòng máu Lạc Hồng, Ngày Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp, nhưng rất đỗi hào sảng của Người, đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ngấm vào máu, chảy trong tim, rung động tâm can: Việt Nam muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc!.
Hoàng Anh