Trong dòng người đó, có những cô cậu học sinh, dưới sự giác ngộ của thầy giáo, đã chọn đi theo con đường cách mạng, cống hiến vì lý tưởng cao đẹp, vì hòa bình, độc lập của dân tộc.
Mài đá son phết cờ đỏ bằng giấy vở học trò
Cựu chiến binh Hoàng Lưu (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn còn nhớ như in không khí sục sôi ở tổng An Lưu, huyện Hòa Vang, Quảng Nam (nay thuộc TP Đà Nẵng) sáng mùa thu của hơn 75 năm về trước. Đang lúi húi đào dế ở bờ ruộng, cậu bé Lưu nghe phía làng tiếng trống, tiếng mõ đánh liên hồi. Tiếng người í ới gọi nhau rồi sau đó là đồng loạt những tiếng hô to, dậy cả một vùng: “Ủng hộ Việt Minh, thành lập Chính phủ cách mạng nhân dân”, “Đánh đổ Chính phủ bù nhìn”… Vừa có chút lo sợ nhưng cũng không nén nổi tò mò, cậu bé Lưu chạy vào làng để xem cho rõ chuyện.
Hoàng Lưu nhận ra trong đoàn người biểu tình đang đi từ làng Trà Lộ qua làng An Nông rồi di chuyển ra đình còn có cả mấy người bạn học. Vậy là Lưu hòa vào dòng người đang cuồn cuộn như thác hướng về đình làng An Nông. “Tới sân đình, tôi chen chân lên hàng đầu. Thấy có mấy người mặc đồ Tây, dẫn lý trưởng, hương kiểm đem triện và sổ bộ ra nộp cho lực lượng Việt Minh. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy giáo tôi bắc ghế đứng lên cao, kêu gọi mọi người im lặng để nói chuyện dân ta mất nước, dân ta bị xiềng xích, bóc lột, nay ta đã giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thầy tuyên bố từ nay chính quyền về tay Việt Minh. Cả đoàn người lặng im phăng phắc, nghe rõ hơi thở của từng người rồi vỡ òa bởi tiếng vỗ tay vang dội”.
Đoàn người lại tiếp tục kéo qua làng Trà Khê bên cạnh. Lưu cũng hòa vào trong dòng người biểu tình. Nhưng thầy giáo kéo tay lại, đưa cho cậu bé 2 xu, bảo quay về gọi các bạn lên chợ Cồn mua giấy hồng đơn về làm cờ để sáng mai ra đình phát cho mọi người dự mít - tinh. Dù chưa biết mít - tinh là gì, nhưng vâng lời thầy, Lưu quay về nhà rủ thêm mấy bạn đi cùng. Không tìm mua được giấy đỏ, cậu học trò Hoàng Lưu và bạn học cặm cụi mài đá son phết vào giấy vở học trò, vót tre làm cán cờ để chuẩn bị cho buổi mít - tinh thành lập chính quyền cách mạng.
Theo lời thầy dặn, sáng hôm sau, cậu bé Hoàng Lưu cùng bạn ôm số cờ đã chuẩn bị ra sân đình. Tiếng trống giục liên hồn rộn rã lòng người. “Thiếu niên chúng tôi cầm cờ được xếp hai hàng đứng trước, phía sau là những người lớn hơn. Đàn ông, phụ nữ, ai cũng cầm gậy vót nhọn rồi hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chính quyền cách mạng. Một cán bộ Việt Minh đứng lên ghế điều hành buổi mít- tinh, giới thiệu người làm cán bộ xã của chính quyền mới. Sau đó, mọi người đi diễu hành quanh làng, ra đến tận bờ biển rồi trở lại đình hô khẩu hiệu một lúc rồi ai về nhà nấy” ông Lưu kể tường tận.
Hai lần được gặp Bác Hồ
Câu chuyện giữa chúng tôi nhiều lần lắng lại. Bác Hoàng Lưu không giấu được xúc động khi kể về kỷ niệm những lần được vinh dự gặp Bác Hồ.
Cuối năm 1945, gia đình ông Hoàng Lưu được tặng thưởng bức ảnh Bác Hồ vì có nhiều đóng góp cho cách mạng. “Mẹ tôi thuê thợ mộc đóng khung rồi lồng bức ảnh Bác treo lên tường. Cả nhà tôi rất tự hào và hãnh diện. Những ngày sau đó, nhiều người dân trong làng kéo đến nhà tôi để ngắm ảnh chân dung cụ Hồ” – ông Lưu tự hào nhớ lại.
Năm 1955, ông Hoàng Lưu tập kết ra Bắc, công tác trong quân đội mấy năm rồi xuất ngũ, theo học ngành kỹ thuật xây dựng. Ông tự nhận mình may mắn và vinh dự được 2 lần gặp Bác Hồ.
“Lần đầu tôi được gặp, nghe Bác trò chuyện, ân cần dặn dò là vào Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 1958. Sáng mồng Một Tết, Người đến thăm và chúc Tết ở Câu lạc bộ Thống Nhất. Ngồi ở hàng ghế thứ 3 của hội trường, tôi có cơ hội được nhìn rõ hình ảnh của Bác. Bác đẹp như một ông tiên nhưng cũng gần gũi như người thân trong gia đình. Bác ân cần hỏi thăm các cháu ở miền Nam ra Bắc có quen với thời tiết giá lạnh không, có nhớ nhà không, hỏi thăm cả công việc khiến hội trường ai cũng rưng rưng nước mắt.
Có một thanh niên mạnh dạn hỏi: “Bác ơi, bao giờ thì thống nhất nước nhà?” Người lặng đi trong giây lát, rồi trả lời nhưng không đi thẳng vào vấn đề mà nói đại ý: Chính quyền Ngô Đình Diệm như tảng đá chắn ngang đường. Muốn thống nhất nước nhà thì ta phải đẩy tảng đá đó đi. Rồi Bác bắt nhịp cho mọi người hát bài ca Kết đoàn như lời dặn dò phải đoàn kết vượt khó khăn, chiến đấu thống nhất nước nhà” – ông Lưu kể.
Khoảng tháng 5/1959, ông Lưu may mắn được gặp Bác Hồ lần thứ hai khi tham gia đắp đê ở xã Thượng Cát (huyện Gia Lâm, Hà Nội). “Khoảng 9 giờ sáng, khi đó nắng đã lên cao nhưng mọi người vẫn tập trung làm việc thì bất ngờ có tiếng reo lên “Bác Hồ, anh em ơi, Bác Hồ”, khiến cả công trường xôn xao hẳn lên.
“Lúc tôi xoay người lại, ngẩng mặt lên thì Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đứng trước mặt. Tự dưng tôi run bần bật, miệng cứng lại, nước mắt cứ thế trào ra, không nói được gì. Anh bạn đứng bên cạnh tôi nói lớn: “Bác ơi! Bác có khỏe không Bác”. Bác mỉm cười, gật đầu bảo: Các cháu làm khỏe thì Bác khỏe. Rồi Người nói thêm rất nhiều về vai trò của đê điều, thủy lợi với cuộc sống của con người” – ông Lưu rưng rưng khi nhắc lại những kỷ niệm với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.