Nhà giáo kháng chiến, nhà giáo đi B: Niềm tự hào của ngành Giáo dục

GD&TĐ - Sáng 19/12, Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo "Nhà giáo với Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1986" nhằm góp một phần vào trang lịch sử truyền thống giáo dục Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tham dự hội thảo.

Nhà giáo Đặng Thị Thanh Bình và các nhà giáo đi B chia sẻ về ký ức thời kỳ làm giáo dục trong bom đạn
Nhà giáo Đặng Thị Thanh Bình và các nhà giáo đi B chia sẻ về ký ức thời kỳ làm giáo dục trong bom đạn

Là một trong những nhà giáo đi B, bà Đặng Thị Thanh Bình (sinh năm 1944) chia sẻ, năm 1965, bà đi B trong đoàn cán bộ giáo dục. Khi vào Nam, bà được phân công về tiểu ban giáo dục tỉnh Phước Long - một trong những địa bàn rất khó khăn và giao tranh ác liệt.

Vượt qua khó khăn, bà và các đồng chí, đồng nghiệp vừa tham gia chiến đấu, tăng gia sản xuất, vừa phải đi vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học.

"Dù gian khổ nhưng chúng tôi không hề nao núng. Anh em chúng tôi luôn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết bảo vệ cách mạng, bảo vệ lớp học đến cùng. Vì thế trong gian khổ, chúng tôi vấn lạc quan, yêu đời và luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng" - nhà giáo Đặng Thị Thanh Bình bộc bạch.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Ba lần chuẩn bị, ba lần chia tay, ba lần hoãn cuối cùng nhà giáo Nguyễn Hoàng Mạc cũng lên đường vượt Trường Sơn vào đến "B3 Ông Cụ". Ngoài 30, chưa vợ con, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Mạc ngày ấy khoác ba lô lên đường đi B.

Việc đầu tiên là tham gia các hoạt động giáo dục. Riêng với giáo dục, vừa phải tham gia nhiệm vụ chính trị chung, vừa phải đẩy mạnh cả ngành học: phổ thông, xóa mù chữ và bổ túc, đào tạo giáo viên cấp tốc.

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Mạc được điều động về Bình Phước để dạy học. Lúc này công việc dạy - học đã đi vào quy củ. Hệ phổ thông ban ngày, chương trình, sách giáo khoa và cách tổ chức trong Ty giáo dục theo mô hình miền Bắc, giáo viên đứng lớp đã mở rộng cả đội ngũ học sinh, sinh viên vùng mới giải phóng.

Thời gian này, cả tỉnh có 97 lớp với 2.948 học sinh và 108 giáo viên. Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên đã đáp ứng cho giáo dục ngay cả những năm sau giải phóng ở những vùng sâu, vùng xa của Sông Bé sau này.

Bày tỏ xúc động trước những câu chuyện của các nhà giáo đi B, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các nhà giáo vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp GD-ĐT của các thế hệ cựu giáo chức.

Các nhà giáo đi B chụp ảnh lưu niệm
  Các nhà giáo đi B chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng nhấn mạnh, những câu chuyện về người thật, việc thật, giàu cảm xúc đã vẽ lên chân dung của các nhà giáo tạm gác bút nghiên, phấn trắng, bảng đen, bục giảng để lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Các nhà giáo đi B thời ấy có tuổi đời rất trẻ, vừa tốt nghiệp sư phạm, cũng có có những nhà giáo ngoài miền Bắc đã có thâm niên kinh nghiệm và nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người. Họ và các nhà giáo kháng chiến ở miền Nam cùng chung nhiệm vụ mở lớp, mở trường, vận động người dân đi học.

"Những câu chuyện, những kỷ niệm của các nhà giáo kháng chiến ở miền Nam và nhà giáo đi B từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam rất đáng trân trọng và là niềm tự hào cho ngành Giáo dục chúng ta. Hình tượng nhà giáo - chiến sỹ được nhân dân các vùng miền mãi luôn ghi nhớ. Các thế hệ giáo viên thời ấy đã góp phần viết lên bản anh hùng ca cho sự nghiệp giáo dục cách mạng" -Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ