(GD&TĐ) - Đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Việt Nam đang được đón nhận những quan tâm đặc biệt. Nhu cầu nhân lực được đào tạo khoa học cơ bản với chất lượng cao, trình độ tiên tiến, đang khiến các ngành học liên quan ở những trường ĐH hàng đầu thu hút ngày càng đông thí sinh thi tuyển vào.
TS. Đoàn Văn Vệ |
Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS. Đoàn Văn Vệ (Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để biết tại sao học khoa học cơ bản bây giờ là "hợp thời".
Tại sao lựa chọn học khoa học cơ bản là một lựa chọn đúng đắn, bên cạnh những ngành đào tạo lâu nay vẫn được coi là “hot” theo tâm lý “chạy theo số đông” trong xã hội?
Thực tế trên thế giới đã chứng minh, đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản mang lại lợi ích lâu dài và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Khoa học cơ bản (KHCB) mang lại tri thức và được xem là nền tảng của mọi ngành khoa học-công nghệ, là chìa khóa cho sự phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục... và nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy sự tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới. Đầu tư cho khoa học cơ bản thường dẫn đến những phát hiện có giá trị kinh tế cực kỳ to lớn và quan trọng, có khả năng mang lại lợi nhuận cao và có thể dễ dàng bồi hoàn chi phí đầu tư.
Trong những năm gần đây, cùng với sự hội nhập kinh tế thế giới, vai trò đặc biệt quan trọng của KHCB ở Việt Nam đã được khẳng định. Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo và các nghiên cứu KHCB. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho đào tạo và nghiên cứu cơ bản. Ví dụ: việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho một số ngành KHCB, có chính sách đãi ngộ, đầu tư thu hút người tài làm việc trong lĩnh vực KHCB...
Ở các bậc học phổ thông, các em học sinh đã được học, tìm hiểu về KHCB và bước đầu làm quen, trực tiếp làm những ví dụ chứng minh những ứng dụng của KHCB. Qua quá trình học tập, nếu HS có năng khiếu và đam mê KHCB, các em có thể tiếp tục học tập nghiên cứu KHCB ở bậc đại học. Hãy cân nhắc lựa chọn ngành nghề mà mình đam mê để có được thành công trong tương lai.
Những cơ hội nghề nghiệp đáng chú ý nào khiến theo học khoa học cơ bản không hề “lỗi mốt”?
Khoa học cơ bản là nền tảng tạo ra toàn bộ công nghệ hiện có, làm thay đổi đời sống xã hội của nhân loại. Khoa học cơ bản nghiên cứu, khám phá quy luật, tạo ra các lý thuyết mới đặt nền tảng, cơ sở cho nghiên cứu ứng dụng, làm tiền đề cho những nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ.
Để đẩy nhanh và bền vững sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cần những nhà khoa học cơ bản bởi vì một bước tiến nhỏ trong khoa học cơ bản tạo ra nhiều bước tiến trong khoa học thực nghiệm và nhiều hơn nữa những bước tiến trong khoa học ứng dụng, triển khai.
Nhà nước đã thành lập nhiều cơ quan, viện nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản liên quan đến các ngành khoa học Toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất, khoa học môi trường và quản lý tài nguyên... như Viện nghiên cứu cao cấp Toán học, các trung tâm nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, biển và hải đào, khoa học vật liệu, năng lượng, công nghệ hạt nhân.... Đây là những địa chỉ đón nhận các nhà khoa học tương lại trong lĩnh vực khoa học cơ bản đến làm việc, cống hiến.
Sinh viên trường ĐHKHTN- ĐHQGHN |
Được biết, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang có thế mạnh về các chương trình đào tạo nhiệm vụ chiến lược: tài năng, tiên tiến, đạt trình độ quốc tế, chất lượng cao. Sinh viên theo học những chương trình này sẽ có những lợi ích cơ bản gì trong quá trình học tập, cơ hội học tiếp và cơ hội nghề nghiệp?
Chương trình đào tạo tài năng gồm các ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học của Trường ĐHKHTN dành cho những SV đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sau khi trúng tuyển nhập học, SV được đăng ký xét tuyển vào học chương trình đào tạo tài năng theo quy định riêng. Ngoài các chế độ dành cho SV chính quy đại trà, SV học chương trình đào tạo tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1,1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở trong KTX của ĐHQGHN. SV tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân tài năng.
Các chương trình đào tạo tài năng, đạt chuẩn quốc tế, tiên tiến đều do các giáo sư nước ngoài và giảng viên giỏi trong nước giảng dạy bằng tiếng Anh và hướng dẫn NCKH. Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn đạt trình độ quốc tế, SV được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh tập trung 1 năm tại Trường ĐHNN để đạt trình độ C1 tương đương 6.0 IELTS và có cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh ở nước ngoài trong thời gian hè. SV có kết quả học tập tốt sẽ có cơ hội được nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần của chương trình và học bổng của các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ, có cơ hội được đi đào tạo ở nước ngoài.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học và công nghệ. Chiến lược nhấn mạnh mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới. |
Lan Anh