Thêm niềm tin

GD&TĐ - Học sinh đang học chương trình hiện hành có đủ năng lực để học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây không phải nhận định chủ quan mà được rút ra ra từ một khảo sát bài bản và khoa học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT vừa tiến hành tổng kết Chương trình đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của HS lớp 5, lớp 9, lớp 12 năm học 2019 - 2020. Mẫu khảo sát được lựa chọn theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế với gần 60.000 học sinh, trải rộng ở 63 tỉnh/thành. Với hệ thống câu hỏi được thiết kế công phu theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, Chương trình đánh giá năng lực của học sinh so với chuẩn đầu ra mong đợi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Kết quả đáng mừng là đa số HS được khảo sát đều nắm vững kiến thức, kĩ năng cơ bản và vận dụng vào giải quyết tình huống thực tiễn quen thuộc, hoặc tương đối phức tạp, thể hiện các em đủ năng lực để học tập chương trình mới. Kết quả đánh giá cũng cho chúng ta biết được học sinh lớp 5, lớp 9 cần được bổ sung những gì để có thể tiếp cận ngay với Chương trình giáo dục phổ thông mới khi lên lớp 6, lớp 10. Nhà trường, địa phương điều chỉnh, bổ sung việc dạy học, quản lý ra sao để sẵn sàng cho chương trình mới… Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta có sự chuẩn bị bài bản, với lộ trình dài hơi cho việc triển khai chương trình mới, không phải thay đổi bất ngờ, hay “cua gấp”. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện từ năm học 2020 - 2021 có mục tiêu quan trọng là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều này dẫn đến đòi hỏi tất yếu việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng thay đổi căn bản. Đánh giá trên diện rộng nói riêng và đánh giá nói chung có vai trò vô cùng quan trọng trong thực hiện đổi mới giáo dục. Nó không chỉ xác định mức độ đạt được mục tiêu dạy học mà còn giúp điều chỉnh quá trình dạy học. Nói như Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Anh, mọi sự đổi mới sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu như cái “chốt” đánh giá không được khai thông và đồng hành cùng toàn bộ các khâu khác. Không chỉ nhìn lại kết quả học tập, đánh giá còn là bản thân quá trình học tập, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của người học. 

Bộ GD&ĐT đã thành lập Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức các kỳ đánh giá quốc gia, quốc tế và khu vực. Trong thời gian tới sẽ phát triển thêm một số trung tâm vệ tinh thuộc các trường đại học để phát triển hệ thống đánh giá giáo dục phổ thông. Cùng với điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục trên lớp học và trên diện rộng. Những kết quả, phân tích của hoạt động đánh giá cần được nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng, từ đó đưa ra đề xuất, giải pháp giúp thực hiện hiệu quả và phát triển bền vững chương trình.

Bên cạnh đó, thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên cả về phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá; trang bị cho đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên phương pháp, kỹ năng quản lý nhà trường, lớp học, cũng như các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giáo dục hiện đại để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các sở giáo dục đào tạo có thể áp dụng mô hình, công cụ đánh giá diện rộng của địa phương để có chính sách, giải pháp bảo đảm thực thi Chương trình mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.