Đã tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực học sinh

GD&TĐ - Theo nhận xét của thầy giáo Lê Văn Phan – Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – TP Đà Nẵng, so với đề thi năm 2017, đề minh họa  môn Lịch Sử năm nay độ khó của đề tăng khoảng 30%, có khả năng phân hóa cao, chỉ những HS nắm chắc kiến thức và có năng lực tư duy, vận dụng tốt mới có thể đạt điểm khá giỏi.

Đã tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực học sinh

Về cấu trúc và độ khó của đề thi

Xét tổng thể, đề thi minh họa môn Lịch sử năm 2018 đã được xây dựng tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực học sinh với nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức và có khả năng phân tích, so sánh, nhận xét, đánh giá tốt mới trả lời đúng được.

Đề có đầy đủ 4 mức độ nhận thức, trong đó mức độ biết và hiểu chiếm 50%, mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 50%. Như vậy, so với đề thi năm 2017, đề minh họa năm nay độ khó của đề tăng khoảng 30%, có khả năng phân hóa cao, chỉ những học sinh nắm chắc kiến thức và có năng lực tư duy, vận dụng tốt mới có thể đạt điểm khá giỏi.

Về cấu trúc, đề gồm có 40 câu, trong đó phần kiến thức lớp 12 là 32 câu chiếm tỉ lệ 80%, còn kiến thức lớp 11 có 8 câu chiếm tỉ lệ 20% (gồm các câu 10, 11, 12, 18, 19, 20, 27 và 28). Có 12 câu thuộc phần kiến thức lịch sử thế giới từ năm 1917 đến năm 2000 (chiếm tỉ lệ 30%,), 28 câu thuộc phần kiến thức Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000.

Định hướng ôn thi

Cấu trúc đề minh họa yêu cầu học sinh phải nắm vững hệ thống kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới trải rộng từ bài 9 đến hết chương trình lớp 11 (chiếm 2/3 chương trình lớp 11) và toàn bộ chương trình lớp 12.

Ở lớp 11, các câu hỏi chủ yếu yêu cầu học sinh nắm và hiểu kiến thức cơ bản, song cũng có 2 câu (27, 28) yêu cầu học sinh phải biết tổng hợp, vận dụng kiến thức. Ở lớp 12, ngoài việc nắm vững hệ thống kiến thức cơ bản, trọng tâm của toàn bộ chương trình, học sinh còn phải biết nhận xét, đánh giá vai trò, ý nghĩa, tác động và mối liện hệ của các sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể (nhất là từ câu 33 đến câu 40).

Để đáp ứng được các yêu cầu trên, giáo viên bộ môn ngày từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập chu đáo, cụ thể cho học sinh. Song hành với việc hoàn thành chương trình lớp 12 theo tiến độ chương trình năm học, giáo viên và nhà trường cần dành thời gian để giúp học sinh ôn tập, hệ thống lại kiến thức lớp 11 một cách phù hợp.

Bên cạnh việc trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, trọng tâm, giáo viên phải hướng dẫn học sinh các kĩ năng nhận xét, đánh giá, rút bài học kinh nghiệm đối với từng sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể.

Đặc biệt, giáo viên phải xây dựng được hệ thống câu hỏi, bài tập trắc nghiệm phù hợp với yêu cầu của đề thi để học sinh làm quen, luyện tập kĩ năng giải đề. Giáo viên cũng cần tìm hiểu các tài liệu ôn thi trắc nghiệm có chất lượng đang lưu hành trên thị trường để giới thiệu cho học sinh có thêm tài liệu ôn tập, tốt nhất là những tài liệu được biên soạn công phu do NXB Giáo dục phát hành.

Đối với học sinh, các em không cần nắm các sự kiện, nội dung lịch sử một cách chi tiết, máy móc, không sa vào các số liệu, thời gian, địa điểm cụ thể (để trả lời các câu hỏi ai, ở đâu, khi nào) mà cần nắm nội dung kiến thức cơ bản, trọng tâm về đặc điểm, bản chất, ý nghĩa và bài học của các sự kiện, nội dung lịch sử (trả lời được câu hỏi cái gì, như thế nào, tại sao).

Về tài liệu học tập, các em cần khai thác triệt để hệ thống kiến thức cơ bản, trọng tâm trong sách giáo khoa và bài giảng trên lớp của giáo viên. Cần gạch chân, đánh dấu những dòng nhận định, những câu kết luận trong sách giáo khoa, vì đó chính là những câu “từ khóa” của các câu hỏi hoặc câu trả lời của đề trắc nghiệm. Các em cần tham khảo thêm sự tư vấn của giáo viên để lực chọn được các tài liệu ôn tập câu hỏi trắc nghiệm phù hợp và có chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ