Thêm nhiều “chiến công” mới của trà

Những con chuột bị ung thư gan hay ung thư dạ dày nếu được cung cấp trà đen và trà xanh thì các tế bào ung thư giảm kích thước gần một nửa

Thêm nhiều “chiến công” mới của trà

Tiết trời vào Xuân phong cảnh hữu tình, bên chén trà sen, một thi sĩ ngày xưa đã để hồn thơ mình lai láng:

Uống chén trà sen ngẫm chuyện đời

Kiếp người cũng chỉ bấy nhiêu thôi

Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại đến

Ngoảnh lại nhìn, ôi tóc bạc rồi.

Thời nay, những lợi ích về sức khỏe của trà ngày càng được ghi thêm nhiều “chiến công” mới, từ ngăn ngừa một số bệnh ung thư, giảm rủi ro mắc các bệnh về tim mạch cho đến kiểm soát cholesterol, hạn chế sâu răng... Dĩ nhiên, những lợi ích này đã được các nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu và ghi lại bằng “giấy trắng mực đen”. Cụ thể:

Giúp trái tim khỏe mạnh

Các hợp chất polyphenol là những chất kháng ôxy hóa “khét tiếng” có mặt trong trà. Các hợp chất polyphenol này rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự ôxy hóa, cholesterol và bảo vệ mạch máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Trong trà còn chứa fluoride giúp cho răng chắc, khỏe Ảnh: Tấn Thạnh

Trong trà còn chứa fluoride giúp cho răng chắc, khỏe Ảnh: Tấn Thạnh

Có làn da tuyệt vời

Do có nhiều chất kháng ôxy hóa nên trà được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp da, đẹp tóc. Uống trà sẽ làm đẹp cấu trúc da, mang lại cho da một sức sống mới. Những người bị phỏng nắng nếu lấy trà xanh thoa vào vết phỏng sẽ giúp da phục hồi “phong độ”.

Một hàm răng vững chắc

Những hợp chất có trong trà còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ răng vì làm tăng khả năng kháng axít của men răng. Trà còn có tác động tương đương kháng sinh, có thể lùng bắt, tiêu diệt những loại vi khuẩn gây hôi miệng, gây sâu răng. Trong trà còn chứa fluoride càng giúp cho răng chắc và khỏe mạnh.

Ngăn ngừa ung thư

Các hợp chất phenol có trong trà, cụ thể là chất catechins, có thể ngăn cản hay làm giảm sự tăng trưởng và di căn của một số dạng ung thư. Chúng “dọn dẹp” hết các chất ôxy hóa trước khi tế bào “bị thương”, làm giảm hoặc ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. 

Một nghiên cứu được thực hiện trên những con chuột bị ung thư gan, ung thư dạ dày cho thấy nếu chúng được cung cấp trà đen và trà xanh thì các tế bào ung thư giảm kích thước đến gần một nửa.

Một bộ óc minh mẫn

Cả trà xanh và trà đen được cho là can thiệp vào những enzym ở não có liên hệ tới bệnh Alzheimer (một dạng não suy, sa sút trí tuệ ở tuổi trung niên và người cao tuổi). Dù không có khả năng chữa bệnh Alzheimer nhưng trà có thể làm chậm tiến trình sa sút.

“Hô biến” mỡ

Đây là một đặc tính rất ăn tiền của trà trong những ngày Xuân với rượu thịt ê hề. Trà có tác dụng phân giải mỡ rất hay nhờ vào nhiều cơ chế. Một trong những cơ chế này là làm tăng chuyển hóa trong cơ thể, giúp cơ thể loại trừ mỡ dễ dàng hơn. Hiện trà xanh đã được bào chế thành dạng thuốc viên giảm cân dùng cho các trường hợp béo phì.

Có rất nhiều loại trà như trà xanh, trà đen, trà ô long. Những loại này được sản xuất từ một cây trà có tên Camellia sinensis. Tuy nhiên, hàm lượng các chất có thể khác nhau ở từng loại trà tùy vào sự chế biến. Trà xanh được xem là “tươi” nhất vì chúng không bị lên men toàn bộ và có vị nhẹ nhất.

Trà đen là trà đã trải qua sự lên men khiến cho lá xanh trở nên đen và làm thay đổi một số cấu trúc của các hợp chất polyphenol. Tuy vậy, trà đen cũng còn rất nhiều chất kháng ôxy hóa. Vị trà đen mạnh nhất và cũng có màu đậm nhất.

Trà ô long được sản xuất từ sự lên men đơn giản của lá trà xanh, được xem là “trung bình cộng” của trà xanh và trà đen nên có vị và màu ở mức trung bình.

Dù là loại trà nào đi nữa, hãy uống mỗi ngày 3-4 tách thì sẽ nhận được những “khuyến mãi” bất ngờ cho sức khỏe.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Theo nld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ