(GD&TĐ) - Năm 1960, Trieste đã trở thành chiếc tầu ngầm đầu tiên và duy nhất có người điều khiển chạm đến rãnh sâu nhất đại dương có tên Challenger Deep thuộc rãnh Mariana ở gần đảo Guam. Cho đến nay, những nỗ lực phá kỉ lục này vẫn tiếp tục.
Trong cuộc đua chạm đáy sâu nhất đại dương hiện có 3 đại diện. Đầu tiên là Sir Richard Branson với chiếc tầu ngầm có cánh đang trong giai đoạn hoàn thiện của mình (GD&TĐ từng đưa tin cách đây ít lâu). Tiếp theo là James Cameron với chiếc tầu ngầm chạy bằng động cơ điện và làm bằng vật liệu composite. Gương mặt thứ ba và cũng là mới nhất đó chính là hãng chế tạo tầu ngầm Triton của Hoa Kì.
Mẫu tầu ngầm hiện tại của Triton chỉ có thể lặn đến độ sâu 3.300 feet. Tuy nhiên, họ đã cải tiến mẫu sản phẩm của mình để có thể đạt được độ sâu 36.000 feet như mong muốn. Để làm được điều này, họ thay đổi vật liệu chế tạo khoang lái. Họ sử dụng một lớp kính dầy có dạng hình cầu với kĩ thuật đặc biệt do Rayotek Scientific chế tạo. Lớp kính này sẽ cứng hơn dưới áp lực. Do đó, ở nơi sâu nhất của đại dương nó cũng không thể bị phá vỡ. Hiện họ đang thử mức áp lực cao hơn gấp 1,25 lần so với áp lực ở độ sâu 36.000 feet lên mẫu kính này.
Thêm một điểm khác biệt nữa so với phiên bản cũ, mẫu tầu ngầm mới sẽ chở được đến 3 thay vì 2 người.
Nhằm thể hiện quyết tâm chinh phục đại dương, hãng này đặt tên mẫu tầu ngầm mới đúng với số feet mà họ mong muốn chạm đến, Triton 36.000.
Linh Ngọc
(Theo Race2innerspace)