Olympic Tokyo 2020: “Trong tình trạng khẩn cấp”

GD&TĐ - Olympic 2020 không được ủng hộ tại Nhật Bản do lo ngại Thế vận hội sẽ làm tăng nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19, cho dù giải đấu diễn ra trong điều kiện được áp dụng các quy chuẩn y tế nghiêm ngặt...

Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đưa ra quyết định cấm khán giả sau cuộc họp trực tuyến.
Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đưa ra quyết định cấm khán giả sau cuộc họp trực tuyến.

Quyết định lịch sử

Ngày 15/7, chính quyền thủ đô Tokyo báo cáo 1.308 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1 và là ngày thứ hai liên tiếp thủ đô của Nhật Bản ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc Covid-19. Cũng trong ngày 15/7, Tokyo ghi nhận 4 người chết do Covid-19.

Đặc biệt, do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến ở Tokyo nên trước đó Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp Covid-19 lần thứ 4, dự kiến sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic 2020 và kéo dài tới 22/8.

Ngoài ra, những diễn biến khó lường ấy buộc chính phủ Nhật Bản, BTC Olympic và Paralympic Tokyo 2020 phải đưa ra quyết định chưa từng có trong lịch sử Thế vận hội: Các sự kiện thi đấu Olympic ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả. Chỉ có các môn diễn ra ở Miyagi, Ibaraki (bóng đá), Fukushima (bóng chày) và Shizuoka (đua xe đạp) được phép tổ chức có khán giả.

Đến Olympic Tokyo 2020, Đoàn TTVN gồm 43 thành viên, bao gồm 25 cán bộ, huấn luyện viên, chuyên gia và 18 VĐV của 11 môn thể thao do ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT làm Trưởng đoàn. Sáng 19/7, đoàn thể thao Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay Narita, Nhật Bản và được xét nghiệm Covid-19. Với kết quả xét nghiệm âm tính, đoàn đã được đưa về làng VĐV tại Olympic Tokyo 2020.
Tất cả được quán triệt tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam và Ban tổ chức Tokyo 2020 trong suốt quá trình trước, trong và sau khi trở về từ thế vận hội.

Vào tháng 3/2020, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo thông báo hoãn Olympic Tokyo. Người Nhật hi vọng có thể tổ chức một kỳ thế vận hội đầy đủ nhất.

Cho đến đầu năm 2021, BTC dự kiến sẽ không mở cửa cho khán giả nước ngoài, trong khi hạn chế số lượng khán giả trong nước ở mức tối đa 10.000 người tại mỗi địa điểm thi đấu, với điều kiện tình hình dịch bệnh ở thủ đô Nhật Bản được cải thiện.

Nhưng đại dịch chưa bị đẩy lùi, thậm chí “bóng ma” Covid-19 còn hoành hành dữ dội. Olympic Tokyo 2020 trở thành kỳ thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở một thành phố đặt trong tình trạng khẩn cấp.

BTC Olympic Tokyo 2020 theo tính toán ban đầu thiệt hại 90 tỷ yên (khoảng 820 triệu USD) ngay sau khi quyết định cấm khán giả được đưa ra. Đó mới là khoản thâm hụt về tiền bán vé. Theo ước tính, việc không có khán giả sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 22 tỷ USD. Lợi nhuận kinh tế từ các sự kiện thể thao và văn hóa quảng cáo sẽ giảm một nửa, tổn thất lên tới 8,2 tỷ USD.

Ngành du lịch Nhật Bản đương nhiên cũng phải chịu một cú sốc lớn và bị triệt tiêu những cơ hội hiếm có. Sức hấp dẫn của Olympic giảm đi khiến tác động kích thích tiêu dùng không còn lớn như ban đầu. Hãng thông tấn JiJi cho biết, các doanh nghiệp dịch vụ như khách sạn và nhà hàng cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực khi số lượng hủy đặt chỗ tăng mạnh trong tháng 7. Tập đoàn du lịch JTB hiện đã bán hết vé cho các sự kiện nhưng với việc khán giả không thể tham dự họ sẽ phải hoàn vé và trả các chi phí hoàn vé cho khách.

Một ngày sau khi quyết định được đưa ra, các đối tác tài trợ của Olympic Tokyo bắt đầu gỡ bỏ hoặc cắt giảm số lượng quầy quảng bá ở các địa điểm thi đấu. Điều này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp tài trợ, nhất là khi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Nhiều nhãn hàng khác cũng phải cắt bớt các chương trình thu hút khách hàng và các sự kiện bên lề Olympic.

Tập đoàn viễn thông NTT, đã có kế hoạch giới thiệu các công nghệ viễn thông mới cho khách hàng trong nước và quốc tế nhân sự kiện thể thao này cũng phải hủy bỏ chương trình, mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị.

Theo Asahi, khi kéo dài tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic 1 năm thiệt hại ước tính là 5,8 tỷ USD. Còn nếu kéo dài 1 năm và giới hạn khán giả thiệt hại là 14,8 tỷ USD. Trong khi đó, nếu không có khán giả tham dự như hiện nay thiệt hại sẽ lên mức 21,9 tỷ USD. Còn nếu hủy bỏ hoàn toàn hai sự kiện này sẽ mang lại thiệt hại khoảng 41 tỷ USD.

Theo truyền thông Nhật Bản, Ủy ban Olympic quốc tế IOC là bên có lợi nhất, khi họ vẫn thu được phí bản quyền truyền hình tương đương với khi tổ chức sự kiện bình thường, trong khi đó thế vận hội thực sự là một gánh nặng đối với Nhật Bản.

Những tấm huy chương của Olympic 2020 sẽ được trao cho người chiến thắng theo cách đặc biệt.

Những tấm huy chương của Olympic 2020 sẽ được trao cho người chiến thắng theo cách đặc biệt.

Nguy cơ “vỡ trận”

Vào trung tuần tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach khẳng định 85% VĐV và quan chức tham gia Thế vận hội Tokyo mùa hè 2020 (Olympic Tokyo 2020), gần 100% nhân viên cũng như quan chức của IOC, khoảng 70 - 80% trong số phóng viên, nhà báo, những người đại diện cho các hãng truyền thông quốc tế, đến Nhật Bản đưa tin về sự kiện này… đã được tiêm vắc-xin hoặc miễn dịch với Covid-19.

Mặc dù vậy, vào thời điểm cận kề ngày khai mạc Olympic Tokyo, những tin xấu liên tiếp đổ về BTC Thế vận hội. Ngày 19/7, theo BBC, 6 VĐV và 2 nhân viên của đoàn Anh quốc hiện đang tự cách ly sau khi được xác định là đã có tiếp xúc gần với một người dương tính lúc họ đáp xuống Tokyo hôm 16/7.

Liên đoàn Bóng đá Nam Phi xác nhận các cầu thủ Thabiso Monyane và Kamohelo Mahlatsi có kết quả xét nghiệm dương tính. Mario Masha, chuyên gia phân tích video của tuyển bóng đá Nam Phi cũng có kết quả xét nghiệm dương tính.

Theo BTC Olympic Tokyo 2020, 21 cầu thủ Nam Phi cùng các quan chức của đội được xác định là có tiếp xúc gần với những người này. Họ đang cách ly trong phòng riêng tại làng Olympic, được đưa thức ăn tới cửa phòng và cần phải tiến hành xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) hàng ngày.

HLV đội bóng bầu dục Neil Power của Nam Phi cũng có kết quả xét nghiệm dương tính khi vừa tới Nhật, và hiện đang cách ly tại Kagoshima.

Tay vợt 17 tuổi người Mỹ Coco Gauff đã phải rút lui khỏi Olympic Tokyo 2020, sau khi kết quả kiểm tra mới nhất của cô dương tính với Covid-19 vào rạng sáng 19/7.

Làng VĐV Olympic Tokyo 2021 trong buổi mở cửa cho báo giới ngày 20/6.

Làng VĐV Olympic Tokyo 2021 trong buổi mở cửa cho báo giới ngày 20/6.

Đặc biệt, Ryu Seung-min - thành viên Ủy ban IOC đến từ Hàn Quốc, cũng có kết quả dương tính khi đến Tokyo dù đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trước đó, cho thấy nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại với cả những người đã được tiêm chủng.

Đối với những trường hợp xét nghiệm dương tính tại thời điểm nhập cảnh, chính phủ Nhật Bản bố trí xe chuyên dụng đưa đón, được tái xét nghiệm khẳng định và sẽ được điều trị tại nơi ở hoặc cơ sở y tế tùy theo tình trạng sức khỏe.

Mặc dù vậy, với việc thủ đô Tokyo đã bước vào tình trạng khẩn cấp mới, cùng với những con số mắc mới tăng cao theo từng ngày, khả năng khống chế được đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong thời điểm diễn ra Olympic 2020 đang là ẩn số khó lường. Liệu các biện pháp kiểm soát biên giới của Nhật Bản có thể ngăn chặn virus này hay không. Các cuộc thăm dò ý kiến liên tục cho thấy công chúng Nhật Bản đang rất lo ngại sự bùng phát dịch bệnh từ sự kiện Olympic Tokyo, trong khi biến thể Delta vẫn đang lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng.

Theo quy định của BTC, trong suốt thời gian diễn ra Olympic, các VĐV và HLV phải lấy mẫu nước bọt hàng ngày để xét nghiệm SARS-CoV-2. Các xét nghiệm này thường cho kết quả sau 12 giờ. Như vậy, các VĐV có thể tham gia thi đấu miễn là họ cho kết quả âm tính vào ngày hôm trước hoặc buổi sáng. Các VĐV có kết quả dương tính hoặc không thể kết luận sẽ được tiến hành xét nghiệm PCR nhiều lần qua đường mũi, với khoảng cách từ ba đến năm giờ/xét nghiệm, tại một cơ sở ngoại trú trong làng Olympic.

Nếu tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính, họ sẽ được yêu cầu rút khỏi danh sách thi đấu. Tuy nhiên, quy định đối với các VĐV tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 lại chưa rõ ràng. Các đối tượng này sẽ được đánh dấu bởi ứng dụng theo dõi tiếp xúc COCOA của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và ngay lập tức sẽ phải xét nghiệm PCR. Để tiếp tục thi đấu, họ cần có sự cho phép của một nhóm chuyên gia và liên đoàn thể thao quốc tế liên quan, đồng thời có kết quả xét nghiệm PCR âm tính liên tục.

Đối với các trường hợp trên, BTC quy định chung chung là sẽ được xác định trên cơ sở “từng trường hợp cụ thể”. Vì vậy, không ai biết chính xác khi nào những VĐV này sẽ được thi đấu. Điều đó dẫn đến nguy cơ đảo lộn lịch thi đấu, thời gian thi đấu của các môn, các đoàn có VĐV thuộc diện “chờ xét nghiệm thêm” để xác định có dương tính hay không.

Ủy ban Olympic quốc tế đã thông báo quy định mới trong trường hợp VĐV hoặc toàn bộ đội không được phép thi đấu. Cụ thể, nếu một VĐV bỏ cuộc trong các môn đối kháng cá nhân như judo, quyền anh và quần vợt, đối thủ của họ sẽ thắng trận đấu đó.

Đối với các môn khác như điền kinh, bơi lội, ca nô và thuyền, đối thủ đủ điều kiện tiếp theo sẽ thế chỗ… Nhưng mỗi bộ môn, đặc biệt là các môn đồng đội như bóng rổ, bóng bầu dục hay bóng đá đều có những quy định đặc thù. BTC Olympic 2020 đối mặt nguy cơ “vỡ trận” về chương trình thi đấu, xuất phát từ những ca dương tính nếu có.

Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 23/7 - 8/8. Các nội dung thi đấu đầu tiên sẽ được tiến hành rải rác từ ngày 21/7. Theo đó, khoảng 11.000 VĐV tham dự Olympic và 4.400 VĐV tham dự Paralympic sẽ đến Nhật Bản, cùng với hàng chục nghìn quan chức, ban giám khảo, HLV, nhà tài trợ và giới truyền thông. 

Ở các đại hội thể thao nói chung và Olympic nói riêng, các VĐV đoạt thứ hạng nhất, nhì, ba sẽ được dự lễ trao huy chương. Các quan chức bắt tay, trao quà và đeo huy chương vào cổ VĐV, trước khi chụp ảnh lưu niệm và ăn mừng.
Nhưng Covid-19 khiến thủ tục trao huy chương ở Olympic Tokyo 2020 phải thay đổi. Các VĐV vẫn đứng trên bục, nhưng phải tự đeo huy chương vào cổ. Ba huy chương (Vàng, Bạc, Đồng) được sắp sẵn trên khay ở bục trao giải. Không bắt tay, không tương tác và toàn bộ quá trình thi đấu, nhận huy chương diễn ra giữa những khán đài trống.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.