Hơn 100 triệu người đã tiêm vaccine Covid-19, Trung Quốc truy quét vaccine giả

GD&TĐ - Theo Worldometer, trong ngày qua (2/2), thế giới ghi nhận thêm hơn 439 ngàn ca mới, đưa tổng số ca lên hơn 104 triệu. Số ca tử vong toàn cầu là hơn 2,2 triệu ca, gồm hơn 14,4 ngàn ca mới.

Vaccine Sputnik V của Nga
Vaccine Sputnik V của Nga

Hà Lan sẽ kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch đến 2/3. Thủ tướng Mark Rutte cho biết tuy số ca mắc mới đang giảm xuống nhưng làn sóng lây nhiễm thứ 3 sắp tới do sự lây lan của biến chủng virus từ Anh. “Đó là lý do tại sao chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 2/3, nếu không chúng tôi sẽ phải trả giá vì qúa lạc quan… Chúng tôi có trách nhiệm đưa ra quyết định dựa trên thông tin cập nhật liên tục” – ông nói.

Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt gia hạn một tháng đối với tình trạng khẩn cấp để chống dịch vào hôm qua khi chưa đầy 6 tháng nữa là tới Thế vận hội Olympic từng bị hoãn diễn ra tại Tokyo. “Chúng tôi quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 7/3” – Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết tại cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống dịch của chính phủ - “Ở những nơi tình hình được cải thiện, chúng tôi sẽ dần dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp mà không cần phải đợi tới ngày 7/3”. Ông Suga cũng cho biết Nhật sẽ triển khai tiêm vaccine vào giữa tháng 2.

Ấn Độ có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine Sputnik V của Nga và có thể sản xuất số lượng nhiều như Nga – Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết. Sau giai đoạn thử nghiệm mới nhất, vaccine Sputnik V của Nga được cho là hiệu quả 91,6%.

Tại Trung Quốc, cảnh sát đã bắt giữ hơn 80 người và tịch thu hơn 3.000 liều vaccine giả trong một cuộc truy quét băng nhóm hoạt động từ tháng 9 năm ngoái. Sau vụ việc này, Bộ An ninh công cộng kêu gọi người dân thận trọng, chỉ tiêm vaccine ở các trung tâm được cấp chứng nhận và báo cáo các vụ việc cho nhà chức trách. Tính đến 26/1, Trung Quốc đã tiêm cho 23 triệu người và đến 12/2, số này dự kiến tăng lên 50 triệu.

Hơn 100 triệu liều vaccine đã được tiêm trên khắp thế giới, theo một thống kê của hãng tin AFP. Tuy nhiên, chưa có nước nào trong số 29 quốc gia nghèo nhất thế giới chính thức tiêm vaccine hàng loạt, trong khi các quốc gia giàu nhất đã tiêm được 2/3 số mũi tiêm. Hiện nay, Israel đang dẫn đầu cuộc đua với 37% dân số được tiêm ít nhất 1 liều, trong khi đó hơn 1/5 dân số đã có liều thứ 2. Sau Israel, các nước tiêm được nhiều nhất là ở Bắc Mỹ, châu Âu và vùng Vịnh.

Tuy nhiên, hơn 35% nhân loại lại sống ở các nước mà việc tiêm chủng chưa bắt đầu.

Theo AFP, WHO cho rằng “các nước giàu đang triển khai tiêm vaccine trong khi các nước kém phát triển nhất cứ phải chờ và chờ”. 101.317.005 người đã được tiêm tại 77 quốc gia và lãnh thổ giàu nhất.

Tuy vậy, một số nước giàu vẫn chưa bắt đầu tiêm vaccine, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia nơi đang cố gắng kiềm chế đại dịch bằng những lệnh kiểm soát và cách ly nghiêm ngặt.

Theo CNA/Worldometer/Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.