Giải thưởng Nobel và “phiên bản lỗi”

GD&TĐ - Được thành lập vào năm 1991, giải Ig Nobel là một sự nhại lại những gì tốt đẹp của giải Nobel, nhằm tôn vinh “những thành tựu thoạt đầu khiến mọi người cười, sau đó phải suy nghĩ”.

Giải Nobel “được xem như cúp C1 của khoa học, một giải thưởng danh giá nhất toàn thế giới”.
Giải Nobel “được xem như cúp C1 của khoa học, một giải thưởng danh giá nhất toàn thế giới”.

Thực tế, nghiên cứu được vinh danh ở giải Ig Nobel không phải là không có giá trị khoa học.

Điều tưởng “phi khoa học” lại khoa học

Giải thưởng Ig Nobel ra đời lần đầu tiên vào năm 1991. Đây là “phiên bản lỗi” của giải Nobel và thường được tổ chức công bố trao giải vào đầu mùa thu hằng năm. Đây cũng là thời gian gần với lễ trao giải Nobel.

Nghi thức trao giải của Ig Nobel diễn ra tại trong hội trường Sanders của Đại học Harvard (Mỹ), được đồng tài trợ bởi Harvard Computer Society, Harvard - Radcliffe Society of Physics Students , Harvard - Racliffe Fiction Association. Các hạng mục trao giải của Ig Nobel tương tự như giải Nobel danh giá, bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học/

Y học, Văn học, Hòa bình. Bên cạnh đó, Ig Nobel còn có một số giải thuộc các ngành học thuật khác như Kỹ thuật, Sức khỏe cộng đồng…

Trong khi đó, giải Nobel lần đầu được trao vào năm 1901, trừ trong hai cuộc thế chiến. Ngày nay, giải Nobel “được xem như cúp C1 của khoa học, một giải thưởng danh giá nhất toàn thế giới”, theo Nils Hansson.

Ông là một y - sử gia tại Trường Đại học Heine ở Dusseldoft (Đức). Ông Hansson nhận định, những người đoạt giải Nobel được vinh danh như ngôi sao. Trong khi đó, những nghiên cứu của họ thu hút nhiều sự chú ý.

Đối với Ig Nobel, có 10 giải thưởng được trao mỗi năm. Điều thú vị là, chúng được trao bởi những người đoạt giải Nobel trong một buổi lễ diễn ra tại Trường Đại học Harvard. Tên của giải thưởng này liên quan đến giải thưởng Nobel nổi tiếng.

Song, Ig Nobel có nghĩa là giải thưởng không cao quý hoặc danh giá. Bởi, từ Ig trong tiếng Anh là viết tắt của “Ignoble” - thấp kém. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giải Ig Nobel chế giễu khoa học. Thực tế, giải Ig Nobel nhằm tôn vinh những thành tựu khiến mọi người bật cười và suy nghĩ.

Mục đích của Ig Nobel là tạo một không khí vui tươi. Từ đó, khuyến khích mọi người nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, sâu xa hơn, Ig Nobel nhắm đến các thành tựu khoa học “làm con người cười, sau đó phải suy nghĩ”. Rất nhiều giải Ig Nobel khi vừa công bố đã khiến ai cũng phải bật cười.

Tuy nhiên, nếu ngẫm lại, những lý luận tưởng chừng “phi khoa học” ấy lại rất “khoa học”. Không ít các nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel, nhưng năm sau được nhận giải Ig Nobel, hoặc ngược lại. Như vậy, có thể thấy, ranh giới giữa khoa học và phi khoa học chỉ cách nhau gang tấc.

Ngoài việc trao giải cho các công trình khoa học có tính hài hước, thú vị, độc đáo và gây ngạc nhiên, đôi khi, Ig Nobel cũng là một sự châm biếm và chỉ trích gián tiếp. Trong buổi lễ trao giải, người ta thường sử dụng phát âm chính thức là “ig no-BELL”, vừa mang tính hài hước, vừa châm biếm sâu cay.

Khía cạnh khác của khoa học

Đến nay, có hơn 250 giải Ig Nobel được trao trong các lĩnh vực rộng lớn như khoa học, văn học, kinh tế, hòa bình, tâm lý học,...
Đến nay, có hơn 250 giải Ig Nobel được trao trong các lĩnh vực rộng lớn như khoa học, văn học, kinh tế, hòa bình, tâm lý học,...

Đến nay, có hơn 250 giải Ig Nobel đã được trao trong các lĩnh vực rộng lớn như khoa học, văn học, kinh tế, hòa bình, tâm lý học,... Những người đoạt giải Ig Nobel đã đóng góp vô cùng nghiêm túc và chuyên nghiệp trong cách tiếp cận. Tuy nhiên, đó cũng là những đóng góp khiến người khác bật cười.

Ví dụ, giải Nobel Vật lý năm 2017 thuộc về Tiến sĩ Marc-Antonie Fardin từ Đại học Lyon (Pháp). Ông đã sử dụng các kiến thức liên quan đến động lực học chất lỏng để giải đáp thắc mắc: “Mèo có thể vừa là chất rắn, vừa là chất lỏng không?”.

Bởi, ông Fardin nhận thấy, loài thú cưng này có thể thích ứng với mọi dạng vật chứa đựng nó. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, con mèo vừa có thể là chất rắn, vừa có thể là chất lỏng, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Con mèo trong một hộp nhỏ sẽ giống như chất lỏng, khi thích ứng vừa khít với khoảng không xung quanh.

Tuy nhiên, khi bỏ mèo trong bồn tắm chứa đầy nước, nó lại cố gắng làm giảm tối đa diện tích tiếp xúc của cơ thể với nước - giống đặc điểm của vật rắn. Có thể nói, tất cả các dự án giành chiến thắng Ig Nobel đều kỳ lạ, nhưng vui nhộn.

Bạn muốn giành được giải Ig Nobel, hay giải Nobel thực tế do Viện Khoa học Thụy Điển trao tặng? Theo ông Andre Geim - người duy nhất chiến thắng cả Ig Nobel và giải Nobel, hai giải thưởng này có giá trị tương đương nhau.

Geim là một nhà vật lý sinh ra ở Nga. Năm 2000, khi còn làm việc tại Trường Đại học Nijemegen (Hà Lan), ông nhận giải Ig Nobel cùng nhà khoa học Michael Berry. Hai nhà nghiên cứu đã chế tạo thành công loại ếch đồ chơi có thể bay lượn nhờ lực từ. Hầu hết các nguyên tử đều nghịch từ, có nghĩa là chúng bị từ trường đẩy lùi.

Nếu lực đẩy đủ mạnh, nó có thể cân bằng với trọng lực. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bất cứ thứ gì cũng có thể bay được. Trong trường hợp đó, tại sao một con ếch không thể bay?

Mười năm sau, vào năm 2010, Andre Geim và Konstantin Novoselov - một đồng nghiệp người Nga tại Đại học Manchester (Anh) cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý 2010 cho công trình nghiên cứu về graphene.

Đây là loại vật liệu carbon mỏng nhất thế giới. Song, vật liệu này siêu bền và dẫn điện rất tốt. Graphene là một lớp nguyên tử cacbon đơn lẻ được sắp xếp giống như những tổ ong.

Hai nhà nghiên cứu đã tìm cách cô lập graphene từ graphite trong bút chì bằng cách sử dụng băng Scotch. Do những đặc tính hấp dẫn và có giá thành rẻ, graphene ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử.

“Nói một cách nghiêm túc thì tôi tự hào về giải thưởng Ig Nobel. Mọi người đều biết Ig Nobel được trao cho những nghiên cứu khiến người ta phải cười. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi tạo ra con ếch bay”, ông Geim chia sẻ.

Mặc dù Ig Nobel có vẻ là một sự nhại lại của giải Nobel, nhưng không có nghĩa là nó chế giễu khoa học. Thay vào đó, Ig Nobel thể hiện khía cạnh “không quá nghiêm trọng” của khoa học. Giải Ig Nobel cũng là minh chứng cho thấy, khoa học không dành riêng cho các nhà khoa học. Khoa học không đáng sợ. Thực tế, nó có thể khá thú vị.

Theo The Hindu, Unimelb

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...