Thế giới và 7 tỷ người và...

Thế giới và 7 tỷ người và...

(GD&TD)-Theo tính toán của Liên Hợp Quốc vào ngày hôm nay (31/10), công dân thứ 7 tỷ của toàn cầu sẽ cất tiếng khóc chào đời. Con số này vừa là thành tựu vừa là thách thức đối với toàn nhân loại.  

Hôm qua (30.10), cô bé Danica May Camacho nhỏ bé, ngây thơ đã chào đời ở Philippines một cách vô cùng ý nghĩa, không chỉ đối với mẹ em mà còn đối với cả thế giới – cô bé là một trong những công dân biểu tượng thứ 7 tỉ của hành tinh chúng ta. 
Bé Danica đã chào đời vào thời khắc ý nghĩa
Bé Danica đã chào đời vào thời khắc ý nghĩa
Philppines, quốc gia đông dân thứ 12 trên thế giới, cũng tham gia sự kiện chào mừng sự kiện chào đón thành viên thứ 7 tỉ trong một lễ mừng nhỏ tại bệnh viện.
Danica chào đời 2 phút trước nửa đêm và được đón chào bằng lễ mừng trên. Các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Philippines đã tới tham dự và tặng em một chiếc bánh xinh xắn.
Danica là một trong vài em bé trên thế giới được tuyên bố là công dân biểu tượng thứ 7 tỉ. Liên hợp quốc cũng tuyên bố ngày 31.10 là ngày 7 tỷ - ngày mà dân số toàn cầu ước tính đạt tới con số này.
Trên thế giới, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất với 1,35 tỉ người, theo sau là Ấn Độ 1,24 tỉ.
Trong thế kỷ qua, dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần và đã 12 năm trôi qua kể từ khi hành tinh đạt 6 tỉ người.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc coi sự kiện thế giới đạt 7 tỷ người là một thành công và chỉ ra những tiến bộ của loài người. Tuổi thọ trung bình của thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào những năm đầu thập kỷ 50 lên khoảng 68 tuổi như hiện tại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm từ mức 133/1.000 ca sinh nở trong thập kỷ 50 xuống còn 46/1.000 ca trong 5 năm vừa qua.

Trung bình, một người phụ nữ trước đây có khoảng 6 con và con số này hiện tại đã giảm quá nửa xuống còn 2,5. Nguyên nhân của điều này một phần là do tăng trưởng kinh tế nhưng cũng nhờ phụ nữ hiện nay được tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục, nguồn thu nhập khá hơn và được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng thừa nhận một nghịch lý là tỷ lệ sinh đẻ cao đang kéo dài thêm nạn đói ở các nước nghèo. Ngược lại, ở các nước giàu, tỷ lệ sinh thấp sẽ khiến lực lượng lao động dần giảm đi. Ở nhiều nước đang phát triển, dân số đang tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sức khỏe sinh sản không được đáp ứng. Tại những nước nghèo, nạn đói, bất ổn an ninh lương thực, bất bình đẳng, tỷ lệ sinh đẻ và tử vong cao đang là một vòng luẩn quẩn khó giải quyết.

Với khoảng 87 triệu người, Việt Nam hiện đứng thứ 13 thế giới về số dân. Và đây chính là thời điểm Việt Nam có những giải pháp hữu hiệu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát dân số.

Con số thống kê gần đây cho thấy, chỉ số phát triển con người ngày càng tăng cao. Việt Nam đã thực hiện thành công hàng loạt mục tiêu thiên niên kỷ như cải thiện sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong ở trẻ em, tăng cường bình đẳng giới - nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ, giảm tình trạng đói nghèo…

Chủ đề của “Ngày Dân số thế giới 2011” là “Thế giới 7 tỷ người
Chủ đề của “Ngày Dân số thế giới 2011” là “Thế giới 7 tỷ người"

Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trẻ nhất trong lịch sử của đất nước: nhóm dân số từ 10-24 tuổi chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Đánh giá này được đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo “Tình trạng Dân số Thế giới năm 2011” diễn ngày 27/10.

UNFPA cũng đánh giá mức tăng trưởng dân số hàng năm của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 1,7% trong giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 1999-2009. Điều này khẳng định một thực tế là mức sinh của Việt Nam đã giảm nhanh trong vòng 20 năm qua. Mặc dù tỷ suất sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế nhưng dân số sẽ tiếp tục tăng khoảng 9 triệu người trong vòng 10 năm tới do đà tăng dân số vì mức sinh cao từ những thập kỷ trước.
 
Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên hiện đang là những vấn đề dân số nổi cộm cần được giải quyết.

Công tác dân số ở nước ta hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi năm cả nước có thêm khoảng 1,2 triệu người, trong khi mật độ dân số hiện đã khá dày. Mức sinh còn biến động do phong tục, tập quán ở nhiều nơi, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao. Thanh niên, vị thành niên còn hạn chế về kiến thức hôn nhân, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Tình trạng tảo hôn, nạo phá thai có chiều hướng gia tăng. Dân số nước ta cũng đang có xu hướng già đi nhanh, “già trước khi giàu” và thiếu người chăm sóc…

Về xã hội, áp lực lớn nhất là ở các thành phố, đô thị lớn như chuyện khó khăn khi  xin học mầm non cho con hay vài ba bà mẹ chờ sinh phải nằm ghép 1 giường là điều dễ hiểu. Rồi tình trạng ùn tắc giao thông, không biết đến lúc nào các thành phố lớn mới tìm ra giải pháp khả dĩ tháo gỡ được những mớ bòng bong ấy. Thách thức còn biểu hiện trong hàng loạt vấn đề khác, kể cả tệ nạn, an toàn tình dục, ma túy, HIV/AIDS, đặc biệt đáng lo ngại đối với những người trẻ tuổi.

Theo Tổng cục Dân số, nước ta hiện có 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sẽ tiếp tục tăng và đạt cực đại vào năm 2050. Nếu lơ là trong công tác này rất dễ dẫn tới nguy cơ bùng nổ dân số một lần nữa. Chiến lược dân số đòi hỏi phải được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội.

Chúng ta cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ lãnh đạo chỉ đạo đến củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số; cải tiến cơ chế quản lý, chính sách, chế độ; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, vận động và cung cấp các biện pháp kế hoạch hóa gia đình…

Ngân Giang - Hà Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ