Thế giới ngăn chặn gian lận thi cử

GD&TĐ - Thuê người làm bài kiểm tra, sử dụng thiết bị trợ giúp tinh vi hay tìm kiếm trợ giúp của người thân là những hành vi gian lận phổ biến của học sinh, sinh viên khi thi online.

Thí sinh lợi dụng kẽ hở để gian lận. Ảnh minh họa.
Thí sinh lợi dụng kẽ hở để gian lận. Ảnh minh họa.

Để ngăn chặn chúng, rất cần những biện pháp đổi mới hình thức thi và kiểm tra phù hợp với mô hình giáo dục trực tuyến.

Lợi dụng kẽ hở

Gian lận thi cử luôn là vấn đề nhức nhối đối với ngành Giáo dục. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, trường học phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến khiến tỷ lệ gian lận ngày càng tăng cao.

Theo khảo sát vào tháng 1/2021 của Learning Spiral, nhà cung cấp giải pháp kiểm tra trực tuyến tại Ấn Độ, khoảng 73% sinh viên gian lận trong các kỳ thi trực tuyến. Qua đánh giá, giáo viên nhận thấy thí sinh thường sao chép nội dung kiến thức, thông tin trên Internet, sách giáo trình với nhiều hình thức “qua mặt” tinh vi, linh hoạt.

Tổ chức giáo dục IRIS Invigilation (IRIS), Mỹ, đã chỉ ra những phương thức gian lận độc đáo của học sinh, sinh viên trong thời gian học trực tuyến.

Học sinh thường sử dụng các thiết bị công nghệ cao như thiết bị Bluetooth với kích thước nhỏ gọn, dễ dàng qua mắt giám thị. Bên cạnh một thiết bị công nghệ làm bài thi, thí sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để lưu trữ công thức, kiến thức và sử dụng chúng song hành với việc làm bài. Nhiều em sử dụng phương pháp gian lận truyền thống như ghi chú ra tay, cơ thể.

Một hình thức khác là thuê người làm bài kiểm tra. Khi học mà không cần bật camera hoặc bài tập về nhà được nộp qua Internet, học sinh có thể thuê người làm thay, học hộ. Việc hạn chế tương tác với thầy cô giáo trong giờ học, giờ kiểm tra khiến mô hình gian lận này càng trở nên phổ biến.

Tại Mỹ, nhiều sinh viên đại học đã lợi dụng tính năng tìm gia sư hỗ trợ trực tuyến trên phần mềm Chegg để thuê người học hộ, thi hộ. Ấn tượng hơn, người được thuê là những sinh viên có thành tích học tập tốt tại Qatar nhưng hoàn cảnh và điều kiện khó khăn buộc họ tham gia vào những “phi vụ” bất chính này.

Với yêu cầu kiểm tra khắt khe như bật camera, sinh viên có thể sử dụng những thiết bị công nghệ nhỏ như USB, Bluetooth để tìm sự trợ giúp từ người thứ ba. Hoặc các em chia sẻ màn hình bài thi cho bạn bè để cùng nhau soát đáp án.

Theo IRIS, sinh viên tại Ấn Độ thường lợi dụng nhược điểm là đường truyền Internet kém để gian lận. Trong thời gian kiểm tra, các em tự thoát ra khỏi ứng dụng và tranh thủ thời gian này để tìm đáp án. Sau đó, các em đăng nhập lại và tiếp tục làm bài.

Nhiều vụ gian lận còn được tiếp tay bởi người thân trong gia đình học sinh. Những người này thường ngồi cách xa màn hình hoặc webcam và nhẹ nhàng theo dõi từ xa để hỗ trợ. Chủ yếu là các bài kiểm tra trắc nghiệm. Trong trường hợp này, thí sinh thường xuyên nhìn quanh phòng, có cử chỉ tương tác đáng ngờ.

Nhiều học sinh xem nhẹ hậu quả của hành vi gian lận.
Nhiều học sinh xem nhẹ hậu quả của hành vi gian lận.

Đổi mới phương thức kiểm tra

Bà Linda Rowan, chuyên gia tư vấn giáo dục tại Trường Đại học Massey, Australia, cho rằng, giống như học trực tuyến, thi và kiểm tra trực tuyến cũng cần phải thay đổi để phù hợp với đặc điểm, tính chất của hình thức. Các kỳ thi nên tập trung vào kỹ năng vận dụng, đánh giá và tổng hợp kiến thức của cá nhân thay vì yêu cầu học vẹt, ghi chép lại kiến thức trong sách vở. Như vậy, thí sinh sẽ hạn chế được việc sử dụng tài liệu và phải tư duy linh hoạt.

Khi xây dựng bộ câu hỏi kiểm tra, đánh giá trực tuyến, thầy cô giáo nên hạn chế câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi đúng sai và thay thế bằng những câu hỏi mở. Vì tính chất mở, thí sinh sẽ không thể hỏi bài bạn bè hay sao chép thông tin trên Internet, đồng thời, phải thể hiện quan điểm, tư duy cá nhân. Nội dung câu hỏi nên yêu cầu tính suy luận thay vì có thể dễ dàng tìm thấy trong sách, tài liệu học.

Tương tự thi trực tiếp, giáo viên nên thiết kế nhiều đề thi khác nhau, đánh số chẵn lẻ hoặc số thứ tự để ngăn chặn học sinh trong cùng lớp hỏi đáp án.

Trước khi thi trực tuyến, giám thị hãy yêu cầu thí sinh quay video bàn học, không gian học tập và bật camera trong toàn bộ thời gian làm bài thi. Điều này có thể ngăn chặn từ đầu những hành vi sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ làm bài và xác định danh tính của thí sinh.

Tại Mỹ, nhiều trường phổ thông, đại học tổ chức thi qua ứng dụng Canvas. Khi kỳ thi diễn ra, hệ thống tự động chặn các công cụ tìm kiếm trên Internet nên thí sinh không thể chuyển sang trang web khác để tìm kiếm thông tin. Tại Anh, nhiều trường yêu cầu thí sinh phải trả lời đáp án trong vòng 72 giây. Hệ thống thi sẽ bấm giờ nên thí sinh không thể mất thời gian cho việc tra cứu.

Tuy nhiên, nhìn chung thi và kiểm tra trực tuyến luôn có những kẽ hở mà học sinh, sinh viên lợi dụng điểm yếu này để thực hiện hành vi gian lận. Đây là hành động sai trái về mặt đạo đức, song nhiều học sinh, sinh viên chưa ý thức hết tầm quan trọng của sự thẳng thắn, nghiêm túc, liêm chính và xem nhẹ hành động gian lận.

Do đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tăng cường giáo dục nhận thức về tác động tiêu cực của hành vi gian lận, giá trị của tính cách liêm chính, ngay thẳng. Khi học sinh mắc sai lầm, nhà trường cần nghiêm túc xử lý vi phạm để xây dựng môi trường học tập trực tuyến an toàn, lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ