Gian lận thi cử - Vấn nạn của nhiều nước trên thế giới

GD&TĐ - Tại Đại học Nürnberg (Đức), có một bảo tàng phao thi do Giáo sư Toán học Günter Hessenauer thành lập. Hiện nay, bảo tàng có hơn 6.000 hiện vật, được thu thập từ nhiều nước trên thế giới.

Chuyển phao thi cho bạn trong lúc làm bài.
Chuyển phao thi cho bạn trong lúc làm bài.

Hiện vật được coi là quý giá nhất của bảo tàng là chiếc đồng hồ với một cuộn phao thi được gắn trong máy. Khi vặn lên giây, các công thức được viết bằng những nét chữ li ti hiện trên mặt đồng hồ. 

Hình phạt nghiêm khắc

Vấn đề gian lận thi cử từ lâu được các giáo viên, quan chức giáo dục, cơ quan hành pháp ở nhiều nước trên thế giới quan tâm. Ở Pháp, GV được phép sử dụng máy dò điện thoại thông minh trong các kỳ thi và kiểm tra. Hơn nữa, những HS bị phát hiện sử dụng phao thi sẽ bị tước quyền thi ĐH trong 5 năm. Nhờ đó, số người phạm kỷ luật trong thi cử ở Pháp đã giảm đáng kể.

Tại Algeria, thuộc địa cũ của Pháp, Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác bị chặn trong các kỳ thi tốt nghiệp và chuyển cấp. Biện pháp này trở nên cần thiết sau khi cảnh sát tiến hành các cuộc truy quét và điều tra quy mô lớn về việc HS và SV sử dụng các thiết bị điện tử và điện thoại thông minh trong các kỳ thi. Hàng trăm quan chức, GV bị bắt giữ vì tải lên Internet các đề thi và đáp án đã được “bảo mật”. Pháp luật ở Algeria cấm những HS gian lận được thi ĐH trong 3 năm, thậm chí sau khi hết thời hạn này, kẻ gian lận bị liệt vào danh sách đen suốt đời.

Các trường ĐH - CĐ của Iraq cũng chặn các mạng xã hội trong thời gian thi. Chính quyền Ấn Độ thậm chí còn có nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn. Ở đây, các bang được tự do lựa chọn hình phạt đối với những kẻ gian lận thi cử. Từ năm 1972, bang Gujarat đã ban hành một đạo luật, theo đó, hành vi gian lận thi cử có thể bị phạt 2 năm tù. Nhưng sự khao khát kiến ​​thức (hay nói đúng hơn là khao khát được đi học bằng mọi giá) ở Ấn Độ mạnh đến nỗi biện pháp khắc nghiệt này cũng không ngăn nổi các thí sinh vi phạm.

Mỗi năm, cảnh sát bang Gujarat bắt được khoảng 9.000 HS, SV vi phạm kỷ luật trường thi, vì vậy các nhà lập pháp đề nghị tăng mức án lên…10 năm tù! Cộng với tiền phạt 50.000 rupee (tương đương 16 triệu đồng).

Ở Ý, nạn gian lận thi cử tràn lan đến mức nhà nước buộc phải hủy bỏ các kỳ thi viết. Hiện nay, chính phủ Ý tổ chức các kỳ thi vấn đáp, nhưng... vấn nạn phao thi trong các trường ĐH của đất nước vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cam kết bằng danh dự

Ở Mỹ, hình phạt cho hành vi gian lận thi cử rất nghiêm khắc. HS bị bắt quả tang gian lận thi cử, thông thường, không những bị đuổi khỏi trường phổ thông, mà còn bị tước quyền học ĐH. Tại hầu hết các cơ sở giáo dục ở Mỹ, HS, SV phải tuyên thệ khi nhập học. Họ ký kết một văn bản danh dự mà nguyên tắc quan trọng nhất của nó là sự tin tưởng lẫn nhau - SV với nhau, SV với giảng viên và giảng viên với SV.
Văn bản danh dự quy định các chuẩn mực hành vi đạo đức trong cộng đồng giảng viên và SV.

Các điều khoản của nó giải thích rõ ràng những gì bạn được phép trong quan hệ với đồng nghiệp và những gì không được chấp nhận trong mọi trường hợp. Vì vậy, thiếu trung thực trong dạy học là một trong những tội lỗi nặng nề nhất của văn bản danh dự. (Giống như việc ngoại tình giữa giảng viên và sinh viên).

Nếu giảng viên không nhận thấy học trò gian lận, nhưng các bạn cùng khóa nhận thấy thì kẻ vi phạm sẽ bị cảnh cáo trước hội đồng danh dự của SV. Anh ta ăn năn, hối lỗi, và xin được sửa sai. Xung đột đã kết thúc. Không một giảng viên nào phát hiện ra điều đó (và nếu có, họ sẽ đồng ý với quyết định của hội đồng SV). Nhưng nếu vi phạm lần thứ hai, SV nhất định bị đuổi học.

Có một phương án khác, đơn giản và dễ hiểu hơn. Nó cũng được ghi nhận trong văn bản danh dự. SV cùng khóa phát hiện bạn gian lận thi cử có quyền báo cáo với giảng viên bằng... văn bản. Tại các trường ĐH ở Mỹ, Anh, Đức, các nước Scandinavia, việc “tố giác” trên là hiện tượng
bình thường. 

Người Na Uy vốn thực tế và khôn ngoan. Họ không bỏ các bài kiểm tra và bài thi viết như người Ý, mà cấp cho HS và SV máy tính xách tay với các chương trình đặc biệt theo dõi trực tuyến các thao tác của họ. Không thể gian lận thi cử trong trường hợp
như vậy.

Trong các kỳ thi ở trường trung học Phần Lan, thí sinh được sử dụng sách tham khảo và từ điển, nhưng khi vào trường ĐH, “ưu tiên” đó bị bãi bỏ. Ở đây mọi quy định đều rất nghiêm ngặt.

Tôn vinh sự hiếu học

Gian lận thi cử thời @.
 Gian lận thi cử thời @.

Đối với những người hiếu học và yêu ngành sư phạm, Hàn Quốc có thể gọi là đất nước lý tưởng. Ở Hàn Quốc, người có học được tôn trọng hơn người giàu có. Khi nói chuyện với một giáo sư, nhà triệu phú phải ngả mũ. Một người kiếm tiền bằng chính tài năng của mình được đánh giá cao hơn hàng trăm lần so với người trúng số độc đắc. Thành công bằng mọi giá không được coi trọng ở Hàn Quốc. Một công việc được trả lương cao và một công việc có uy tín không giống nhau ở đây. Uy tín xã hội được coi trọng hơn.

Giáo dục trung học được bảo đảm cho mọi người Hàn Quốc tốt nghiệp trường phổ thông. Nhưng nếu định thi vào một trường ĐH, bạn phải vượt qua một kỳ thi chuyển cấp. Kỳ thi này quyết định vị thế của bạn trên bậc thang xã hội.

Đối với người Hàn Quốc việc thi cử rất thiêng liêng. Trong thời gian diễn ra các cuộc thi cả nước im lặng, người ta cấm làm ồn bên cạnh các trường phổ thông và đại học. Chính quyền địa phương chặn các con đường xung quanh trường để tiếng ồn của xe cộ không ảnh hưởng tới sự tập trung của thí sinh. Máy bay cũng bị cấm bay trên phạm vi trường học lúc HS đang thi.

Người Hàn Quốc thậm chí không nghĩ đến việc gian lận thi cử (trong ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc không có từ biểu thị hiện tượng này). Trong các kỳ thi, GV từ trường khác đến coi thi. Phong bì đựng các câu hỏi và bài tập được mở theo hiệu lệnh cùng một lúc ở tất cả các trường phổ thông trên cả nước. Thí sinh được phép mang theo bút bi, bút chì, tẩy và chứng minh thư.

Đồng hồ và thiết bị điện tử bị cấm. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học của người Hàn Quốc cũng có mặt trái của nó. Vào tháng 11 (dịp thi ĐH), số lượng HS phổ thông tự tử tăng mạnh. Những chàng trai, cô gái tâm lý không ổn định, đã tự kết liễu đời mình vì không được vào học tại một trường ĐH danh tiếng. 

Theo rg.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ