Thầy - trò ngoại quốc có 'Tết thầy'?

GD&TĐ -Trong cảm nhận của giảng viên, sinh viên nước ngoài, “Mồng 3 Tết thầy” không chỉ đặc biệt, ấn tượng, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

Laura Anna Jarcfewska (ngoài cùng bên trái) trải nghiệm Tết Việt do Trường ĐH Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Laura Anna Jarcfewska (ngoài cùng bên trái) trải nghiệm Tết Việt do Trường ĐH Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Học hỏi điều hay

Đến từ Ba Lan, Laura Anna Jarcfewska - du học sinh tại Trường ĐH Hà Nội bộc bạch, Tết Việt rất thú vị, với nhiều điều khác biệt và những nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc mà hiếm nơi nào có được. Laura Anna Jarcfewska ấn tượng và thích thú với phong tục “Mồng 3 Tết thầy” của Việt Nam.

“Tôi có tới một vài nước, nhưng không nơi nào có nét đẹp văn hóa này. Tôi đã lên mạng để tìm hiểu thông tin về ngày “Tết thầy”. Có nhiều thông tin hữu ích nhưng đọng lại trong tôi là tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt với người có công dạy dỗ - thầy giáo của mình. Đó là nét đẹp văn hóa, thể hiện bản chất thân thiện, nhân hậu và đáng yêu của người Việt Nam”, Laura Anna Jarcfewska bộc bạch.

Nữ sinh này cho biết, không riêng gì Ba Lan mà nhiều nước trên thế giới không có ngày “Tết thầy” như Việt Nam. “Chúng tôi tôn trọng, yêu quý thầy, cô giáo của mình. Nhưng cách thể hiện của chúng tôi khác người Việt Nam”, Laura Anna Jarcfewska nói và cho hay, phong tục “Mồng 3 Tết thầy” và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm khiến cô nhớ đến Ngày Hiến chương nhà giáo ở Ba Lan (14/11).

Vào ngày này, học sinh Ba Lan sẽ tặng những bó hoa tươi và món quà nhỏ cho thầy cô. Theo đó, sẽ có những buổi gặp mặt, liên hoan được tổ chức ở trường cho cả giáo viên và học sinh. Đây là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy, cô giáo đã dạy dỗ họ nên người. Nhiều phụ huynh cũng đến trường cùng con cái họ để cảm ơn thầy cô.

“Ngày Hiến chương nhà giáo ở Ba Lan có phần giống ngày 20/11 ở Việt Nam, nhưng chúng tôi không có “Mồng 3 Tết thầy” như các bạn. Đó là sự khác biệt, nét đặc trưng riêng chỉ Việt Nam mới có”, Laura Anna Jarcfewska bày tỏ. Cô sẽ kể cho bạn bè, người thân ở Ba Lan về văn hóa đặc sắc “Mồng 3 Tết thầy” của Việt Nam.

Sinh viên quốc tế thích thú với văn hóa xin chữ và “Tết thầy” của người Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Sinh viên quốc tế thích thú với văn hóa xin chữ và “Tết thầy” của người Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Trải nghiệm đạo lý “tôn sư trọng đạo”

Từng trải nghiệm đón Tết Nguyên đán của Việt Nam, Wilkinson Joshua Cole (quốc tịch Anh), bày tỏ ấn tượng với văn hóa “Mồng 3 Tết thầy” của người Việt. Wilkinson Joshua Cole cùng các bạn đến nhà thầy, cô giáo để chúc Tết. Khi đó, thầy – trò cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết, trong đó có bánh chưng, dưa hành, giò lụa cùng nhiều món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực người Việt.

“Tôi được biết, hằng năm, Việt Nam có ngày 20/11 để tri ân thầy, cô giáo. Dịp Tết Nguyên đán lại có thêm ngày mồng 3 để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với nhà giáo. Với tôi, đó là sự đặc biệt, nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được. Qua đó, cho thấy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của người Việt trường tồn thế nào. Tôi trân trọng, biết ơn thầy, cô giáo và bạn bè Việt Nam. Họ đã cho tôi bài học quý về tình thầy, trò - gần gũi và thiêng liêng”, Wilkinson Joshua Cole chia sẻ.

Làm việc nhiều năm ở Việt Nam, ông Okuda Yoshiki - chuyên gia đến từ Nhật Bản (cộng tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có nhiều trải nghiệm đón Tết Nguyên đán của người Việt. Ông luôn hào hứng với phong tục cổ truyền và văn hóa đặc sắc của người Việt trong những ngày Tết; trong đó có “Mồng 3 Tết thầy”. “Tôi từng nhận được lời chúc mừng, món quà đầu năm mới từ học trò. Tôi thấy ấm áp vì sinh viên rất thân thiện và chân thành”, ông Okuda Yoshiki chia vui.

Qua tìm hiểu trên mạng, ông Okuda Yoshiki nhận thấy, người Việt Nam rất tôn trọng lễ nghi. Phong tục “Mồng 3 Tết thầy” là một trong những biểu hiện của nét đẹp văn hóa này. Qua đó, giáo dục mỗi người luôn ghi nhớ, biết ơn người thầy đã có công lao dưỡng dục mình.

Nhận thấy, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với truyền thống của Australia, tuy nhiên, cô Sandra Schneiderman - Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam cho hay, ở xứ sở chuột túi không có văn hóa “Mồng 3 Tết thầy”. Cô Sandra Schneiderman nhớ lại một trải nghiệm ngày Tết thầy ở Việt Nam, khi có một người bạn mời đến chơi nhà.

“Tôi thấy mình được chào đón như thành viên trong gia đình. Hôm đó, cũng có nhiều học trò của bạn tôi đến chơi, chúc Tết. Hỏi ra mới biết đó là văn hóa “Tết thầy” của người Việt. Họ rất hồn hậu, chào tôi bằng cô như thể tôi là giáo viên của họ. Tôi bất ngờ, hạnh phúc”, cô Sandra Schneiderman chia sẻ.

Nữ giảng viên đến từ Australia nhận thấy, có nhiều món quà mà các học trò tặng bạn của mình. Đó là những cành đào, nhành mai, đồ vật tự làm… được trưng bày trong phòng khách. “Ngày hôm đó, tôi được ăn Tết cùng học trò của bạn, thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam. Mọi người dành cho nhau những lời chúc chân thành, tình cảm và cùng nhau đón Tết vui vẻ, đầm ấm”, cô Sandra Schneiderman bộc bạch.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, cô Sandra Schneiderman chúc tất cả giáo viên, sinh viên Việt Nam vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực để giảng dạy và học tập tốt hơn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có hơn 45 nghìn lưu học sinh đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức “trải nghiệm Tết Việt” cho giảng viên, sinh viên ngoại quốc.

Bên cạnh hoạt động như xin chữ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, làm món ăn truyền thống, trò chơi dân gian; các trường cũng giới thiệu về văn hóa Tết Việt, trong đó có đạo lý tôn sư trọng đạo được thể hiện rõ nét trong ngày “Mồng 3 Tết thầy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru