Thay SGK lớp 6: Tiền đề vững vàng

GD&TĐ - Chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018 với học sinh lớp 6, các trường THCS trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã và đang thực hiện lộ trình bồi dưỡng đội ngũ với tinh thần sẵn sàng tâm thế đón chương trình mới.

Học sinh Trường THCS Thụy Hương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) trong giờ học môn Văn.
Học sinh Trường THCS Thụy Hương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) trong giờ học môn Văn.

Lộ trình cụ thể

Trường THCS Thụy Hương có quy mô nhỏ nhất trong 18 trường THCS tại huyện Kiến Thụy với 320 học sinh. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Mai - Hiệu trưởng nhà trường: Trường có 16 giáo viên, trong đó có 1 giáo viên trình độ cao đẳng. Số giáo viên tại trường đủ cho hoạt động dạy và học. Để đón chương trình mới, từ tháng 6, nhà trường cử 2 giáo viên đi học bồi dưỡng các chương trình SGK của Bộ và sở. Sau mỗi lần tập huấn, giáo viên về trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, truyền đạt những kiến thức đã lĩnh hội cho đồng nghiệp trong toàn trường.

Để tiệm cận chương trình, SGK mới, theo chỉ đạo của nhà trường, các thầy cô giáo ngoài tham gia bồi dưỡng chuyên môn còn tăng cường các giờ dạy học chuyên đề, dạy học STEM và các buổi học trải nghiệm cho học sinh. Theo thầy Mai, để chương trình đổi mới được thành công, vấn đề đội ngũ là mấu chốt. Vì thế, mỗi giáo viên trong trường phải đăng ký 80 tiết học, tự học trong năm học về chương trình đổi mới, có bài thu hoạch báo cáo nhà trường.

Để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình mới, Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) đã vạch ra những bước đi cụ thể. Trong những năm qua, trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện, trường có 16 giáo viên có trình độ thạc sĩ. Năm học 2018 - 2019 nhà trường có 6 giáo viên giỏi (GVG) cấp thành phố, 16 GVG quận, 36 GVG cấp trường, 39 sáng kiến của 50 cán bộ giáo viên được quận và thành phố công nhận, một giáo viên nhận Bằng khen Lao động giỏi của Liên đoàn Lao động thành phố. Với đội ngũ giỏi chuyên môn, Trường THCS Ngô Quyền tạo được nền tảng vững chắc thực hiện chương trình thay sách giáo khoa vào năm học tới.

Thầy Đoàn Đắc Thiếp - Hiệu trưởng Trường THCS Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) nhận định: Vấn đề then chốt trong đổi mới giáo dục là đổi mới đội ngũ. Việc thay SGK có lộ trình cụ thể. Giáo viên được tiếp cận với những văn bản đổi mới giáo dục, vấn đề quan trọng là thầy cô phải đổi mới tư duy để tiếp cận chương trình một cách hiệu quả. Do vậy, để đội ngũ cùng vào guồng quay chuyên môn, hiệu trưởng phải là người truyền giữ và thổi bùng ngọn lửa đam mê trong đội ngũ.

Học sinh Trường THCS Thụy Hương trong giờ học môn Công nghệ.
Học sinh Trường THCS Thụy Hương trong giờ học môn Công nghệ.

Lấy chất lượng làm nền tảng

Để bắt kịp chương trình mới, Trường THCS Ngô Quyền đã rà soát, xây dựng chương trình, dành thời lượng cho các chuyên đề tích hợp, liên môn, chủ đề bộ môn, gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, để cả thầy và trò tìm đường tiếp cận với chương trình mới. Trường đã thực hiện 25 chuyên đề chuyên môn, đặc biệt là 2 chuyên đề cấp thành phố: “Thiếu nhi với kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích” và “STEM và cuộc sống”. Cả hai chuyên đề đã đáp ứng mục tiêu, chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức, sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Năm học vừa qua, Trường THCS Ngô Quyền có một dự án đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia và là năm thứ hai liên tiếp, trường có giải KHKT cấp quốc gia. Bên cạnh đó, trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, lồng ghép với các chủ đề dạy học tích hợp cho học sinh, qua đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng cho các em. Nhà trường chủ động tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi mới, mang tính hội nhập, đặc biệt cuộc thi giải Toán, thi Khoa học bằng tiếng Anh quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm học 2018 - 2019, trường có 72 giải quốc tế và khu vực các cuộc thi giao lưu về trí tuệ và tài năng.

Thầy Nguyễn Văn Mai cho hay: Đầu tháng 10, Trường THCS Thụy Hương xây dựng thành công chuyên đề Giáo dục pháp luật cho học sinh qua môn học GDCD. Chuyên đề do thầy Nguyễn Xuân Trường, giáo viên bộ môn GDCD thực hiện. Không chỉ giáo dục ý thức pháp luật, tham gia giao thông, chuyên đề còn lồng ghép cả nội dung giáo dục giới tính cho học sinh. Đây là một chuyên đề hướng vào phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh tiệm cận chương trình mới và được giáo viên trong nhà trường tham gia hưởng ứng.

Theo kế hoạch năm học, Trường THCS Thụy Hương sẽ xây dựng 2 chuyên đề liên quan đến giáo dục STEM. Chuyên đề thứ nhất là Chế tạo máy phát điện một chiều  diễn ra vào tháng 11. Nhà trường đã phát động tới học sinh. Chuyên đề thứ 2 là bài dạy tích hợp giữa các tổ hợp khoa học xã hội: Địa lý, Văn học, Lịch sử với chủ đề Truyền thống đất nước con người Việt Nam. “Trung bình mỗi tháng, trường có một chủ đề dạy học theo chương trình mới không phân biệt môn chính, môn phụ”, thầy Mai thông tin.

Năm học trước nhà trường thực hiện chuyên đề Sử dụng polymer trong đời sống con người. Qua chuyên đề STEM học sinh được thỏa sức thể hiện sự sáng tạo với những sản phẩm đa dạng màu sắc. Học sinh không chỉ hiểu được tác dụng, tác hại của polymer trong đời sống, mà còn biết tận dụng những sản phẩm dư thừa trong đời sống để tái chế thành những vật hữu ích.

Thế mạnh tạo tiền đề vững chãi của Trường THCS Thụy Hương để tiếp cận chương trình thay SGK là vấn đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được quan tâm hàng đầu. Nhiều năm liền nhà trường không có học sinh vi phạm đạo đức lối sống, học sinh sa đà vào các tệ nạn xã hội. - Thầy Nguyễn Văn Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.