Thẩm định SGK lớp 6: Lựa chọn những cuốn sách chứa đựng niềm tin phụ huynh, học sinh

GD&TĐ - Sáng nay (7/9), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại chương trình
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại chương trình

Chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Tham dự chương trình có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT); 128 thành viên của 12 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Thành phần Hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã có Nghị quyết số: 44/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29; ngày 28/11/2013 Quốc hội đã có Nghị quyết 88 “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; ngày 27/3/2015 Chính phủ có Quyết định số 404/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tiến hành xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình từng môn học. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Trên tinh thần này, nhiều tổ chức cá nhân đã tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Đối với lớp 1, đã có 5 bộ sách giáo khoa; lớp 2 Bộ GD&ĐT đang tổ chức thẩm định với 4 bản mẫu của môn Toán, 8 bản mẫu môn tự chọn tiếng Anh, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu.

Đối với sách giáo khoa lớp 6, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa và tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã nhận được 43 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc và bản mẫu sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 4 đầu sách giáo khoa, tiếng Anh có 9 đầu sách, các môn còn lại mỗi môn có 3 đầu sách.

Khai mạc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
Khai mạc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sách “mở”, giáo viên cũng “mở”

Theo Nghị quyết 88, Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt.

Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; 

Chương trình giáo dục tổng thể không quy định rõ tiết nào, bài gì, dạy mấy tiết và dạy như thế nào… cả nước không “đồng phục” trong các tiết dạy học. Do vậy các nhà trường sẽ chủ động dạy – học phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Với tinh thần mở như vậy, hội đồng thẩm định cần làm việc kỹ lưỡng, trách nhiệm và trân trọng sự đổi mới, sáng tạo của các tác giả. Sách đã “mở”, nên giáo viên cũng cần linh hoạt và dạy học theo hướng “mở” để phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Dẫn lại 5 tiêu chuẩn được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT về quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đã cụ thể hóa thành 40 chỉ số. Đây là những nội dung quan trọng các thầy, cô cần nắm vững để thẩm định và lựa chọn được sách giáo khoa tốt nhất.

Thứ trưởng nhấn mạnh, các thầy, cô đang thực hiện một việc lớn, dù không có tên trong nhóm tác giả, nhưng đằng sau thành công của những cuốn sách này có công sức, trí tuệ của các thầy, cô.

Các thầy, cô đã thẩm định lựa chọn những bộ sách đủ tiêu chuẩn để trình lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bộ trưởng tin tưởng vào các thầy/cô trực tiếp tham gia vào hội đồng thẩm định. Do đó các thầy cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để có quyết định đúng đắn trong quá trình thẩm định, lựa chọn sách. Nếu lựa chọn được bộ sách tốt, ưng ý, phù hợp thì chúng ta sẽ nhận được những tiếng reo vui từ giáo viên cả nước và người thụ hưởng chính là học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các thầy, cô đang làm 2 việc: Vừa là thẩm định sách giáo khoa; vừa giúp cho các tác giả hoàn thiện tốt hơn bộ sách của mình. Những bộ sách sau khi được hội đồng thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt phải là những cuốn sách chứa đựng niềm tin phụ huynh, học sinh. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ