Thầy giáo vùng cao nguyện theo nghiệp 'trồng người'

GD&TĐ - Thầy giáo Hoàng Châu Thiện (Tuyên Quang) luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là người con của một lão thành cách mạng...

Thầy Hoàng Châu Thiện và các học trò nhận Bằng khen trong một cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ảnh: NVCC
Thầy Hoàng Châu Thiện và các học trò nhận Bằng khen trong một cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ảnh: NVCC

Là con thương binh 4/4, thầy giáo Hoàng Châu Thiện, Trường THPT chuyên Tuyên Quang luôn tự nhủ: “Bố tôi đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự sống của con người. Vì thế, tôi lựa chọn làm thầy giáo, cũng là tiếp nối sự sống cao đẹp ấy”.

Tiếp nối sự sống cao đẹp

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học, đó là nguồn động lực lớn để thầy Thiện quyết tâm trở thành giáo viên và nguyện “chung thủy” với sự lựa chọn của mình. “Bố tôi là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến lựa chọn công việc của tôi. Vì thế, trong công việc tôi luôn nỗ lực, phấn đấu gấp 5 - 10 lần để xứng đáng là người con của một lão thành cách mạng” - thầy Thiện tâm sự.

Thầy Thiện kể, người cha của mình cũng từng dạy học trong thời gian dài. Ông là tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫn cán để mình học hỏi, noi theo. “Nghề dạy học luôn được ví như “trồng người” và tôi muốn tiếp nối sự nghiệp cao cả này” - thầy Thiện bày tỏ và cho biết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm luôn để lại những kỷ niệm, với nhiều xúc cảm cho gia đình thầy.

Bố thầy Thiện bị nhiễm chất độc hóa học vì có gần 9 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam (1967 - 1975) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Tôi tự hào, xúc động về những cống hiến của bố và những đồng đội của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Song, tôi cũng không khỏi xót xa, thương bố mỗi khi “trái gió trở trời” lại đau nhức nhối. Chiến tranh đã lấy đi của bố nhiều thứ và cả những mất mát, đau thương khó có thể “liền da” - thầy Thiện trải lòng.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ, thầy Thiện bộc bạch: “Ngày tôi ôn thi vào đại học ở Hà Nội, dưới cái nắng gay gắt mùa Hè, bố chở tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất. Hai bố con đi qua biết bao con phố ở Thủ đô. Là người ít nói nhưng dáng vẻ cần mẫn, nhọc nhằn của ông đã cho tôi thấy tri thức đáng quý dường nào. Điều này đã tiếp thêm cho tôi động lực để trở thành nhà giáo, mang ánh sáng tri thức đến với học trò”.

Thầy Hoàng Châu Thiện luôn sát sao, tỉ mỉ khi hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Thầy Hoàng Châu Thiện luôn sát sao, tỉ mỉ khi hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Giáo viên “cứng” của tỉnh

Hiện, thầy Thiện là giáo viên “cứng” của Trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang). Thầy còn là Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường và đã có 4 lần hướng dẫn học sinh đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Không chỉ vậy, thầy Thiện còn có một số đề tài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học.

Những sáng kiến cấp ngành, tỉnh về các chuyên đề giảng dạy học sinh giỏi cấp quốc gia của thầy về các lĩnh vực như: Điện hóa học, Động hóa học, Cân bằng hóa học… đã góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đào tạo nhân tài của tỉnh nhà. Theo thầy Thiện, mỗi học sinh đều có khả năng tư duy, ý tưởng sáng tạo khác nhau. Vì thế, khi hướng dẫn học sinh, thầy luôn theo dõi sát sao, từ đó đưa ra những nhận xét, hỗ trợ xác đáng cho học trò.

Nhìn nhận về một số áp lực mà giáo viên phải đối diện, thầy Thiện cho rằng, áp lực là điều tất yếu và cần thiết trong cuộc sống. Có áp lực thì mới biết vươn lên để vượt qua nghịch cảnh, sống có kỉ luật, nghiêm túc hơn trong công việc. Tuy nhiên, mỗi người cần biết cách cân bằng để áp lực công việc không bào mòn tình yêu với nghề. Để giải tỏa áp lực, thầy thường tìm đến các kết nối trong công việc và cuộc sống.

“Làm nghề giáo, tôi thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với thế hệ trẻ. Chính học trò đã cho tôi những góc nhìn phong phú, đa chiều và mang đến nguồn năng lượng tích cực, tươi mới. Ngoài ra, tôi tham gia các hoạt động tập thể để làm sâu sắc thêm mối dây liên kết trong công việc và tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, kỉ luật nhưng không kém phần thân thiết, gắn bó. Bên cạnh đó, gia đình cũng là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp tôi giải tỏa mọi áp lực trong cuộc sống” - thầy Thiện bộc bạch.

Theo thầy Thiện, mỗi nhà giáo có những mục tiêu khác nhau nhưng căn cốt và lâu dài nhất vẫn là làm hết sức mình để truyền tải kiến thức cho học trò, dạy dỗ các em nên người. “Tôi cho rằng, tận tâm hay tận hiến là thái độ cũng như trách nhiệm cần có của mỗi người đối với công việc của mình, nhất là với nhà giáo” - thầy Thiện nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mỗi người có hoàn cảnh, khó khăn khác nhau khiến bản thân chưa thể phát huy toàn bộ năng lực, sở trường, phẩm chất. Vì thế, thầy Thiện cho rằng, khi xây dựng chính sách nên tập trung vào tháo gỡ khúc mắc cho giáo viên, giúp họ phát huy sự tận hiến. Để tăng động lực cống hiến cho nhà giáo, nên xem xét điều chỉnh mức lương, tăng lương trước thời hạn hợp lí, hiệu quả.

Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo; thầy Thiện phân tích, số lượng nhà giáo chiếm tỉ lệ lớn trong công chức, viên chức trên cả nước. Công việc của giáo viên có tính đặc thù, vì vậy rất cần luật hóa các vấn đề có liên quan đến nhà giáo để họ yên tâm công tác. Ngoài ra giáo viên cần được tôn trọng và đãi ngộ hợp lý. “Chúng tôi cũng cần được bồi dưỡng và phát triển kỹ năng, năng lực nghề nghiệp” - thầy Thiện bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Uyên - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang ghi nhận, thầy Hoàng Châu Thiện không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, mà còn là nhà giáo tích cực tham gia các hoạt động của trường, của ngành Giáo dục và các phong trào do Công đoàn các cấp phát động.

Bà Uyên cho hay, thầy Thiện được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Năm 2023, thầy vinh dự được tặng danh hiệu “Trí thức khoa học trẻ tiêu biểu” của tỉnh. “Thầy Thiện là tấm gương tiêu biểu trong công tác ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học” - bà Uyên chia sẻ.

Thầy Hoàng Châu Thiện đề xuất, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”. Ngoài ra, có thể thay đổi các quy định, điều lệ một cách linh hoạt, mềm mại nhằm tạo điều kiện cho giáo viên phát huy năng lực, sở trường để tận tâm, tận hiến với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ