Thầy giáo trẻ miệt mài gieo chữ nơi vùng cao

GD&TĐ - Sau khi tốt nghiệp sư phạm, dù được phân công công tác ở miền xuôi nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Tùng, sinh năm 1980 (quê ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) lại tình nguyện lên huyện vùng cao Quan Hóa để dạy học và quyết tâm gắn bó với mảnh đất còn nhiều khó khăn, vất vả ấy.

Thầy giáo trẻ miệt mài gieo chữ nơi vùng cao

Tình nguyện gắn bó với vùng khó

Kể cho chúng tôi nghe về hành trình 14 năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy giáo Nguyễn Quang Tùng cho biết: Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường ĐH Hồng Đức, thầy Tùng được phân công về công tác tại huyện Triệu Sơn. Tuy nhiên, với mong muốn được đến những nơi khó khăn để cống hiến thầy Tùng đã lên xin lên huyện miền núi, vùng cao Quan Hóa để dạy học.

Thầy Tùng được phân công lên công tác tại điểm lẻ bản Bất, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nam Động, xã Nam Động, huyện vùng cao Quan Hóa. Những ngày đầu lên trường nhận công tác với muôn vàn khó khăn, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Tùng vẫn không khỏi bỡ ngỡ.

Bản Bất cách điểm trường chính 8km, là bản khó khăn nhất của xã với đường giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ; Điều kiện kinh tế của người dân trong bản còn nghèo, xã lại không có điện sáng… Vất vả là vậy, nhưng sống cùng với người dân bản hiền lành, thật thà, chất phát thầy Tùng lại thấy yêu thương và gắn bó với mảnh đất này.

Thầy Tùng kể: Trước đây, chế độ hỗ trợ cho học sinh vùng cao chưa có, khu bán trú cho học sinh cũng chưa được xây dựng nên học sinh trong các bản vùng sâu, vùng xa học ở điểm trường chính phải dựng lán ở bìa rừng để trọ học. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của người dân lại khó khăn, có đến 70% hộ nghèo.

Vì vậy, học sinh bỏ học nhiều, thầy Tùng cùng các thầy cô giáo nhà trường đã đi đến khắp các bản làng của xã Nam Động để động viên học sinh trở lại trường. Với quyết tâm không để cho học sinh nghỉ học giữa chừng, nên dù có những học sinh ở cách trường tới 12 km, thầy vẫn đi bộ, lội qua những con đường rừng, khe, suối để đến nhà học sinh vận động các em tiếp tục đi học.

Thầy Tùng vẫn còn nhớ mãi trường hợp em Lương Văn Thịnh ở bản Khương, xã Nam Động. Em Thịnh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn: Bố mất sớm, mẹ lại ốm đau, em còn nhỏ. Khi đó, em Thịnh đang học lớp 9. Do điều kiện gia đình, em Thịnh thường xuyên nghỉ học. Để động viên Thịnh đến lớp, thầy Tùng thường xuyên đến nhà trò chuyện với Thịnh.

Thương hoàn cảnh gia đình Thịnh, thầy Tùng nhiều lần mua thịt, gạo mang vào nhà giúp đỡ cho gia đình Thịnh. Cảm động trước tấm lòng của thầy giáo, Thịnh đã cố gắng học tiếp đến hết THPT. Hiện nay, Thịnh đang là công an viên bản Khương.

Nỗ lực vì tình yêu nghề

Từ một chàng trai quen sống nơi thị trấn sầm uất, khi lên với mảnh đất vùng cao nghèo, thầy Tùng vẫn không nản lòng, bởi tình yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến đã tiếp thêm nghị lực để thầy cố gắng hơn nữa. “Sống ở nơi rừng núi mình đã quen và yêu nơi đây như quê hương thứ hai của mình và mình muốn gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất còn nhiều khó khăn này” – thầy Tùng nói.

Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm với các chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số nên không còn tình trạng học sinh bỏ học; điều kiện dạy và học cũng bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, học lực của học sinh nơi đây còn chưa cao. Để bồi dưỡng cho học sinh, thầy Tùng lại đưa học sinh về nhà để dạy học.

Nhờ nỗ lực của thầy Tùng, nhiều học sinh đã mang niềm vui, tự hào về cho ngôi trường vùng khó nhiều giải học sinh giỏi huyện và tỉnh. Tính từ năm 2012 đến nay, thầy Tùng có 3 học sinh đạt giải Nhì, 3 học sinh giải Ba, 4 học sinh đạt giải Khuyến khích ở các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Giáo dục công dân. Hiện thầy Tùng cũng là một giáo viên cốt cán chuyên ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi tỉnh của huyện vùng cao Quan Hóa.

Ghi nhận những cống hiến của thầy giáo Nguyễn Quang Tùng, UBND huyện Quan Hóa đã trao tặng Giấy khen “Nhà giáo điển hình trong phong trào thi đua hai tốt giai đoạn 2010 – 2014”; UBND tỉnh tặng Bằng khen “Giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014 – 2015”. Ngoài ra, thầy Tùng còn nhận được nhiều Giấy khen của UBND huyện và Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Vừa qua, thầy Nguyễn Quang Tùng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ