Năm 2009, khi khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn ở cương vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông đã viết bài “Đề án 30 – Bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính” đăng trên báo Nhân dân số 19725 ra ngày 28/8/2009.
Bài báo đề cập đến Quyết định 30 của Chính phủ nhằm tạo sự thống nhất, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra nhóm 5 giải pháp để thực hiện tốt đề án. Bài báo này cũng được đăng trên trang Cổng thông tin điện tử Chính phủ cùng ngày và được đông đảo độc giả biết đến.
Năm 2012, ông Trần Hoàng Long – sinh năm 1975, khi đó đang là Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành Thương mại với đề tài: “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”.
Tại nội dung trang 161 -162 của Luận án Tiến sĩ, mục 3.4.2.1 “tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi tham gia vào hoạt động kinh doanh”, ông Long đã chép nguyên văn 2/3 bài đăng trên báo của ông Nguyễn Xuân Phúc vào bản luận văn mà không hề trích dẫn nguồn.
Không chỉ chép riêng bài báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Luận án Tiến sĩ của ông Long còn chép nhiều trang chuyên đề của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Cụ thể, từ trang 183 – 186, mục 3.4.6 “Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp” của luận án, ông Long đã chép từ cuốn Thông tin Chuyên đề số 9/2009 của Viện CIEM và cũng không hề ghi đề dẫn nguồn như quy định.
Bản luận án tiến sĩ có nhiều nội dung sao chép nhưng không ghi dẫn nguồn như quy định |
Cũng trong Luận án Tiến sĩ của mình, ông Long còn chép nhiều đoạn trong các trang 89 - 90 - 91 - 92 - 93 trong Giáo trình Đại học Kinh tế Ngoại thương của GS.TS Bùi Xuân Lưu do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 2002 vào Luận án Tiến sĩ của mình và cũng không dẫn nguồn như quy định. Đây là điều đáng buồn và ông Long rất cần phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc.