Tham gia Cuộc thi để hiểu về tấm gương của Bác sâu sắc hơn
Sáng 30/11, thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Nhà trường vừa nhận được thông báo kết quả của Ban tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, thầy giáo Nguyễn Viết Lân, sinh ngày 22/9/1987 - giáo viên môn Tin học của trường đạt giải Nhì chung cuộc tại bảng C (dành cho giáo viên).
Trước đó, ở Cuộc thi năm 2020, thầy Lân cũng đã đạt giải Ba chung cuộc.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ thầy Lân cho biết, bản thân được sinh ra trong một gia đình làm nông ở miền quê nghèo xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây là dấu tích của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, nên rất đam mê lịch sử.
“Từ nhỏ, trong những lúc sum vầy bên mâm cơm, hay khi đi sinh hoạt lớp được nghe những câu chuyện về Bác Hồ do cha mẹ, thầy cô kể, đã cho tôi những cảm xúc rất riêng, rất khó tả, đó là sự kính trọng, sự khâm phục đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Đặc biệt, chính những câu chuyện về giáo dục của Bác đã soi đường, mở lối cho khát vọng và tình yêu nghề giáo đối với bản thân. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT tôi đã chọn ngành Sư phạm để theo học” - thầy Lân kể.
Cũng theo thầy Lân, bản thân thấy may mắn và tự hào vì hành trình tuổi trẻ của mình đã được học tập, rèn luyện và nuôi dưỡng những lí tưởng sống cao đẹp từ chính tấm gương vĩ đại nhưng hết sức thanh cao, giản dị của Bác Hồ.
“Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, tôi may mắn được tuyển dụng về dạy học tại mảnh đất Krông Bông, căn cứ H9 anh hùng thời chống Mỹ. Chính truyền thống quê hương, sự thân thiện và tinh thần vượt khó của các thầy cô đồng nghiệp, học sinh đã nuôi dưỡng tình yêu với “quê hương thứ 2” trong trái tim tôi. Bản thân luôn tự nhủ, phải ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống của ngôi trường, của quê hương mới với những khát khao học tập của các em học sinh nơi huyện nghèo này. Mỗi một bài học, tôi luôn cố gắng tạo cho các em tinh thần thoải mái nhất, hướng các em đến khả năng tự học, sáng tạo và tìm thấy niềm vui trong từng bài học” - thầy Lân tâm sự.
Nói thêm về việc thường xuyên tham gia các Cuộc thi tìm hiểu về Bác, thầy Lân cho biết, bản thân là giáo viên, cán bộ Đoàn – Hội trong trường học, việc tham gia các cuộc thi sẽ là dịp để tự gắn thêm “trách nhiệm” cho chính mình.
“Những gì tôi đã được nghe, được biết, được hiểu về Bác còn rất hạn chế. Sau mỗi cuộc thi, tự thấy mình “xấu hổ”, phải nỗ lực để học tập, rèn luyện thêm. Hàng ngày phải xâu chuổi thành bài học để chuyển thành việc “làm theo” cho thiết thực, hiệu quả. Vì học Bác, làm theo Bác chính là cái giản dị, gần gũi, thân thiết. Lên lớp phải dạy cho học sinh cái mà các em cần, phải nắm rõ hoàn cảnh từng em để động viên các em cố gắng, nếu em nào khó khăn quá thì đề xuất Nhà trường hỗ trợ. Trong sinh hoạt thường ngày cũng vậy, luôn đơn giản, và hòa đồng với mọi người” - thầy Lân tâm sự.
Người cán bộ Đoàn – Hội mẫu mực
Theo ông Dương Kim Thạch, thầy Lân là một giáo viên trẻ, nhiệt tình, có chuyên môn tốt và tận tâm với nghề. Không chỉ dạy giỏi, mà thầy còn rất sáng tạo, các tiết dạy đều lồng ghép vào những câu chuyện hay về tấm gương của Bác Hồ để động viên học sinh.
Trong sinh hoạt rất giản dị, hòa đồng, thân thiện. Luôn được đồng chí, đồng nghiệp, học sinh và người dân trên địa bàn tin yêu.
“Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học, hiện nay chúng tôi tin tưởng giao nhiều nhiềm vụ cho thầy Lân như Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Bí thư Chi đoàn giáo viên. Nhiệm vụ nào thầy Lân cũng chủ động, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc. Việc tham gia các cuộc thi này càng thể hiện rõ hơn ý thức trách nhiệm trong công việc của thầy Lân, xứng đáng là điểm sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Nhà trường” - ông Thạch cho biết.
Còn theo thầy Phạm Minh Phước, đồng nghiệp lâu năm chia sẻ, từ khi về nhận công tác ở trường đến nay, đồng chí Lân không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên mà còn tìm tòi, học hỏi để hoàn thành các nhiệm vụ kiêm nhiệm do nhà trường phân công. “Dù còn trẻ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, con nhỏ vợ hay đau ốm. Hiện cũng đang phải ở nhà tập thể, nhưng thầy Lân luôn tự sắp xếp để thực hiện tốt nhiệm vụ chung” - thầy Phước cho biết.