“Lớp học ảo” tại nhà của thầy giáo trẻ

GD&TĐ - Để việc học trực tuyến không xa lạ, thầy giáo trẻ ở huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) đã vay tiền đầu tư lớp học ảo tại nhà qua ứng dụng K12online giúp học sinh, giáo viên tương tác như lớp học bình thường.

Thầy Nguyễn Trường Sinh dạy thử 1 tiết tại “lớp học ảo” trong buổi giới thiệu với phóng viên Báo GD&TĐ.
Thầy Nguyễn Trường Sinh dạy thử 1 tiết tại “lớp học ảo” trong buổi giới thiệu với phóng viên Báo GD&TĐ.

Giúp học trò bắt nhịp xu thế

Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ưu tiên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là yêu cầu bắt buộc, vì thế, ngành GD-ĐT cùng chính quyền địa phương đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng các kịch bản “chưa có tiền lệ” để bắt đầu năm học mới, trong đó dạy học online sẽ được ưu tiên.

Bài toán mà ngành GD-ĐT lo nhất chính là “độ phủ sóng” của phương pháp này. Vì, qua khảo sát thực tế, học sinh THPT có thể thực hiện hiệu quả nhưng tỷ lệ học sinh tiểu học và THCS có đủ điều kiện học online còn thấp so với cả nước. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc kết nối đường truyền Internet. Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả và độ an toàn trong việc học, quản lý con trẻ khi sử dụng thiết bị thông minh...

Tuy nhiên, trong tương lai, phương pháp dạy – học này sẽ là xu thế mới trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT), vừa bảo đảm “dừng đến trường nhưng không dừng học” vừa có độ linh hoạt trong dạy và học.

Nắm bắt được xu thế đó, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Vật lý, Trường THPT Cư M’Gar đã vay mượn tiền, đầu tư một phòng học ảo qua ứng dụng K12online ngay tại nhà để kết nối đến tất cả học sinh mà thầy được phân công giảng dạy trong năm học 2021 - 2022.

Các thiết bị hỗ trợ dạy học online tạo “lớp học ảo” của thầy Sinh.
Các thiết bị hỗ trợ dạy học online tạo “lớp học ảo” của thầy Sinh.

Đầu tư thiết bị và đổi mới phương pháp

Thầy Sinh xuất thân từ miền quê nghèo Hà Tĩnh, sau đó gia đình vào vùng kinh tế mới ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).

“Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì giáo dục. Nhưng lãnh đạo sở GD&ĐT, nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp dạy học cho năm học 2021 - 2022. Dịch kéo dài, biết khi nào các em mới được đến trường. Mà không để các em học thì thiệt thòi lắm nên tôi quyết định đầu tư phòng dạy học trực tuyến này”, thầy Sinh tâm sự.

Phòng dạy học online của thầy Sinh - được đặt ngay tại phòng khách của gia đình - có tổng kinh phí đầu tư hơn 20 triệu đồng, gồm bảng viết chống lóa, laptop, điện thoại để quay mặt bảng viết, micro không dây, hệ thống đèn chiếu sáng… và các bài giảng, bài tập chuẩn bị sẵn.

Theo thầy Sinh, phòng dạy học này giúp giáo viên có nhiều cách chuyển tải kiến thức đến học sinh: Trình chiếu slide, dùng camera kết hợp với bảng viết, đăng tải các clip bài giảng có sẵn. Đặc biệt, việc tương tác giữa giáo viên – học sinh diễn ra gần giống trên lớp học.

“Tôi rất tâm đắc với cách dạy dùng camera kết hợp bảng viết. Cách này rất quen thuộc với giáo viên và học sinh. Giáo viên dễ dàng trình bày nội dung bài giảng, nháp, xóa…; học sinh dễ ghi chép nội dung vào vở viết, đặc biệt việc viết bảng rất thuận tiện khi hướng dẫn học sinh giải bài tập”, thầy Sinh nói thêm.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Lê Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Cư M’Gar, cho biết: Để triển khai dạy học cho năm học này, trường đã tham khảo rất nhiều phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, K12online, Microsoft Teams, Google Meet… Mỗi phần mềm có những ưu điểm riêng. Sau đó, hội đồng sư phạm quyết định mua phần mềm K12online cho toàn thể giáo viên sử dụng dạy học và họp trực tuyến. Phần mềm này có nhiều tính năng nổi bật như: Tạo bài giảng, bài kiểm tra, lớp học ảo, kế hoạch bài dạy, điểm danh...

“Thầy Sinh là Bí thư Đoàn trường hết sức năng nổ. Không chỉ làm tốt công tác phong trào, thầy còn tích cực đầu tư về mặt chuyên môn, nghiệp vụ ở môn Vật lý. Việc đầu tư dạy học    online như vậy sẽ giúp phụ huynh yên tâm, còn học sinh vẫn được học tập với chất lượng bảo đảm nhất trong điều kiện hiện nay”, thầy Hào chia sẻ.

Theo thầy Hào, nhà trường sẽ động viên các giáo viên có điều kiện đầu tư thêm thiết bị dạy học hiện đại. Trước mắt, phân công Tổ Vật lý hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho thầy Sinh trong việc dạy học. Vì dù sao, đây cũng là phương pháp mới. Sau các buổi dạy sẽ cho hội ý, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này.

Năm học mới đã bắt đầu, trong điều kiện chưa thể đón học sinh đến trường, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của mỗi nhà trường, thầy cô trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy – học. Trong đó, linh hoạt trong triển khai dạy học gắn với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị thậm chí là từng học sinh phải được thầy cô chú trọng, ưu tiên. Bởi, không một phương pháp dạy học nào được coi là “chìa khóa vạn năng”. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. - Thầy Lê Văn Hào

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.