Khó khăn trăm bề
Thầy Đinh Văn Huấn, sinh năm 1986, người dân tộc Tày, là giáo viên tại Trường PTDTBT THCS Mai Long, đồng thời là một trong 63 Đại sứ của Chương trình Điều ước cho em do Bộ GD&ĐT khởi xướng.
Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, thầy Huấn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số xã Mai Long, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn tại huyện. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, thấy Huấn về địa phương dạy học.
Thầy giáo trẻ nhớ lại những năm đầu về công tác, cơ sở vật chất tại Trường PTDTBT THCS Mai Long còn nhiều thiếu thốn như chưa có điện, sóng điện thoại hay lớp học, phòng chức năng. Xã Mai Long diện tích rộng, học sinh phải vượt quãng đường xa và nguy hiểm mới đến được trường.
Khoảng 100 em ở nội trú đến chiều thứ sáu mới về nhà. Qua ngày chủ nhật, các em lại gói ghém những cuốn vở sờn cũ, ít mắm muối quay lại trường. Khi mùa đông đến, nhiều học sinh nghèo trong các bản làng khoác những chiếc áo mỏng, đi dép nhựa đến trường.
Bên cạnh đó, học sinh tại trường chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên vốn từ phổ thông ít, việc giao tiếp và lĩnh hội kiến thức còn nhiều hạn chế. Về phía gia đình, do hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh không muốn hoặc không thể động viên con đến trường. Cuối mùa vụ, các em thường nghỉ học theo cha mẹ lên nương làm rẫy. Thầy Huấn cùng đồng nghiệp phải đến từng bản vận động học sinh trở lại trường học.
Không chỉ gọi học sinh, thầy vào từng nhà giải thích, thuyết phục phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học rồi xin phép đưa các em về trường. Vượt qua những trở ngại ban đầu, thầy và trò đã trở nên gắn bó, cùng nhau xây dựng ngôi trường vững chãi, là nơi trao truyền tri thức cho các thế hệ học sinh.
70% học sinh tại trường thuộc hộ nghèo, không được tiếp xúc với thông tin đại chúng. Đến cuối năm 2011 đầu năm 2012, khi mạng lưới điện quốc gia được kéo đến trường học, các em mới làm quen với TV, sách báo, dù số lượng chưa nhiều. Mỗi lần thấy học trò mân mê các cuốn sách hay chăm chú theo dõi chương trình TV, trong lòng thầy Huấn lại trào lên niềm xúc động khôn tả. Thầy tự nhủ phải cố gắng kết nối với nhiều nhà hảo tâm để xây dựng môi trường học tập tốt hơn nữa cho học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Ước mơ cho học trò nghèo
Những năm qua, thầy Huấn cùng một số đồng nghiệp tự liên hệ với các mạnh thường quân tại địa phương để xin tài trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho học sinh. Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ sở vật chất của nhà trường cũng dần được cải thiện. Trường có phòng chức năng, phòng ăn, phòng ngủ cho học sinh ở nội trú và trang thiết bị, đồ dùng học tập trong lớp.
Thầy Huấn vui mừng chia sẻ, Tết Tân Sửa vừa qua, các nhà hảo tâm đã phối kết hợp với nhà trường tổ chức Cuộc thi gói bánh chưng. Được tài trợ gạo, thịt, các em nhỏ cùng nhau gói bánh và trải nghiệm các hoạt động chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tuy nhiên, thầy giáo trẻ vẫn còn nhiều trăn trở vì nguồn lực của các thầy cô có hạn, việc quyên góp, ủng hộ mới chỉ diễn ra với quy mô nhỏ trong khi những thiếu thốn, khó khăn của học sinh nơi đây còn chất chồng.
Thông qua Chương trình Điều ước cho em, thầy Huấn nhắn gửi: "Học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù các em đã được hỗ trợ môi trường học tập tương đối ổn định, nhu cầu về cái ăn cái mặc là rất lớn. Tôi chỉ mong muốn các em có quần áo ấm, giày dép, có sách vở để tiếp tục học hành và có những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng".