Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành 2 nhiệm vụ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao. Bộ đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, đôn đốc các Sở tiếp tục triển khai đăng kí của các nhà trường.
Cụ thể, ngày 30/3/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc đẩy mạnh triển khai Chương trình Điều ước cho em, trong đó có giao nhiệm vụ thành lập tổ tình nguyện tại các xã để rà soát, thẩm định số liệu. Các Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản phối hợp với huyện, huyện giao cho xã làm nhiệm vụ xác minh số liệu.
Đã có 1400 trường đăng kí trên iNhandao với số liệu có 6 nhóm: có 264 trường có nhu cầu hỗ trợ đồ dùng học tập, 78 trường có nhu cầu hỗ trợ dụng cụ học tập, 6398 trường có nhu cầu hỗ trợ học liệu, 258 trường có nhu cầu hỗ trợ bếp ăn, 334 trường có nhu cầu hỗ trợ nước sạch, 437 trường có nhu cầu hỗ trợ nhà vệ sinh.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4372/QĐ-BGDĐT thành lập ban chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai Chương trình Điều ước cho em; Quyết định 1665 ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Điều ước cho em.
Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn đã có tờ trình số 91 ngày 19/1/2021 về việc báo cáo tổ chức lễ khởi động Chương trình Điều ước cho em gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Trong cuộc họp gần nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhất trí việc tổ chức Lễ phát động chương trình vào 14h ngày 11/4/2021 tại Khách sạn Lotte (quận Ba Đình, Hà Nội). Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV đã cùng các đơn vị liên quan thống nhất một số nội dung chương trình, về đơn vị tổ chức, kinh phí tổ chức.
Theo đó, chương trình sẽ có tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Bộ ngành, thực hiện nghi thức phát động Chương trình Điều ước cho em. Chương trình còn có mục kết nối với các điểm trường mầm non A Dơi và TH&THCS Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và khởi công xây dựng 1 điểm trường, 1 nhà vệ sinh tại Trường mầm non Họa Mi (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của Chương trình Điều ước cho em nhằm hỗ trợ cho những trường khó khăn nhất về cơ sở vật chất, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, cách thức của chương trình là lan tỏa kết nối chứ không phải huy động để điều phối. Bộ GD&ĐT với vai trò kết nối các nguồn lực để huy động sự vào cuộc của toàn xã hội hỗ trợ cho giáo dục.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao để Lễ phát động được tổ chức nghiêm túc, trang trọng, có ý nghĩa giáo dục. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ phát động cần được tổ chức đảm bảo an toàn, thiết thực và hiệu quả.