Mong nước cho những ngôi trường "vùng khát"

GD&TĐ - Nước sạch có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe của học sinh, nhất là các trường ở khu vực miền núi. Đây cũng là nội dung quan trọng mà Chương trình Điều ước cho em kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ.

Học sinh Mường Khương chắt chiu từng chậu nước.
Học sinh Mường Khương chắt chiu từng chậu nước.

Khát nước ở vùng khó

Với địa hình chia cắt mạnh, rửa trôi, xói mòn, địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất nên tình trạng thiếu nước trầm trọng diễn ra nhiều năm nay tại một số xã biên giới thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, nơi được ví như "Trường Sa cạn".

Được biết, nhiều đoàn khảo sát đến đây để khoan thăm dò tìm mạch nước ngầm, nhưng đến nay công tác này vẫn chưa có kết quả, bởi đặc điểm điểm địa chất là đá xít (đá thối) nên không giữ lại được nước trong lòng đất. Do vậy, từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc nơi đây buộc phải tìm mọi cách để vượt qua thứ “trời định” - là thiếu nước này.

Anh Vàng Seo Pao, dân tộc Mông ngụ tại thôn Lùng Sán Chồ chia sẻ: Mùa khô đến, do không có bể chứa nước nên bà con nơi đây thường sử dụng chum nhựa loại 30 lít để đi lấy nước từ khe núi chảy xuống. Tuy nhiên, tuổi thọ của chúng chỉ được hơn 1 năm. Mặt khác, mỗi chum như vậy chỉ đủ cho việc nấu nướng trong 1 ngày, còn việc tắm giặt  phải đi xa, tìm nơi có khe nước nhỏ để lấy nên rất khó khăn, vất vả.

Nhiều chương trình "tiếp nước" cho thầy trò Mường Khương.
Nhiều chương trình "tiếp nước" cho thầy trò Mường Khương.

Thiếu nước, người lớn thức trắng đêm để hứng nước tại các bể trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm  mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá. Nhưng trẻ con, những em bé rời làng bản, cha mẹ đi tới các điểm trường bán trú để học chữ cũng đối diện với tình trạng thiếu nước ăn, phục vụ sinh hoạt...

Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, để khắc phục tình trạng khan hiếm nước, giáo viên và học sinh từ cấp học mầm non đến THCS tại hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin phải tìm mọi cách để có nước sinh hoạt. Trong đó, tích trữ nước mưa là phương án khả quan nhất.

Thế nhưng, khó khăn nối tiếp khó khăn, các điểm trường lại không có bình chứa nước đủ lớn để tích trữ. Tại một số điểm trường, cả nồi niêu, xoong chảo, thậm chí đến cả thùng rác mua về cũng được rửa sạch để tận dụng làm bình trữ nước. Do vậy, mỗi lần để lỡ 1 trận “trời tặng nước”, thầy và trò đều tiếc đứt ruột. 

Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Gia Khâu chia sẻ: Để lo đủ nước sinh hoạt cho hơn 100 học sinh bán trú trong điều kiện không thể khoan giếng và cũng chẳng có nguồn để dẫn nước về luôn là nhiệm vụ khó khăn của thầy trò nhà trường.

"Thầy trò không chỉ canh mưa mà còn canh cả… sương mù. Một đêm canh sương mù để tích nước có thể giải quyết khâu rửa mặt cho 118 em. Còn các thầy cô, mỗi lần đi huy động học sinh đến lớp đều phải mang theo quần áo để tắm nhờ"- thầy Tùng bộc bạch.

Cùng chung khó khăn, cô Đỗ Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dìn Chin cho biết: Thời điểm khó khăn nhất của cô trò Dìn Chin là mùa khát nước. Không có giếng, nguồn nước duy nhất tích trữ được là nước mưa. Để có nước phục vụ sinh hoạt của cô trò hàng ngày, mỗi khi mưa xuống, mọi vật dụng trong trường, cái gì có thể đựng nước đều được huy động ra để hứng nước.

“Mùa khô, các thầy cô phải đi chở nước từ xa về các điểm trường để dùng. Nhưng có đợt thiếu nước quá, mỗi em đi học phải xách theo 1 chai khoảng 1,5 lít từ nhà đến trường để cô dùng nấu nướng, rửa tay, chân, phục vụ vệ sinh cho các con. Vậy mà vẫn không đủ vì nhu cầu của học sinh các lớp nhỏ là quá lớn. Thế nên, có đoàn nào lên thăm, hỏi cần hỗ trợ gì, cô trò đều mong được hỗ trợ đồ để trữ nước mưa” – Cô Tươi chia sẻ.

Cô Lồ Thị Lan (Dân tộc Bố Y), giáo viên Trường Tiểu học Dìn Chin, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tại Lào Cai.
Cô Lồ Thị Lan (Dân tộc Bố Y), giáo viên Trường Tiểu học Dìn Chin, Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tại Lào Cai.

Mong điều ước sớm thành hiện thực

Là đại sứ Chương trình Điều ước cho em, cô Lồ Thị Lan (Dân tộc Bố Y), giáo viên Trường Tiểu học Dìn Chin cho hay: Cái thiếu lớn nhất ở Dìn Chin là nước. Nước được coi như "đặc sản" quý hiếm với mọi người, đặc biệt là học trò.

Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều, thầy cô cùng học sinh lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Mỗi can nước là một phép thử sự kiên nhẫn của người đi lấy, bởi ai cũng phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình để lấy được 2 can nước về.

Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, một số điểm trường tại Dìn Chin và Tả Gia Khâu được hỗ trợ lắp đặt các bồn chứa nước, túi chứa nước của công ty Sơn Hà. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế vẫn còn cao hơn rất nhiều. Do đó, thầy trò các trường vùng khó mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ cấp cấp các ngành, gửi gắm niềm hi vọng vào Chương trình Điều ước cho em để ước mơ có thể sớm trở thành hiện thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ