3 điều ước của cô giáo vùng cao

GD&TĐ - 6 năm dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, cô Đinh Thị Hồng Linh tha thiết mong học sinh có nước sạch sinh hoạt; đồng nghiệp có nhà lưu trú để yên tâm công tác; nhà trường có đủ đồ dùng để dạy học tốt hơn.

Cô Đinh Thị Hồng Linh và học trò tại ngôi trường mới.
Cô Đinh Thị Hồng Linh và học trò tại ngôi trường mới.

Vượt khó nuôi ước mơ

Cô giáo trẻ Đinh Thị Hồng Linh là người dân tộc H"rê, hiện  công tác tại Trường Mầm non An Dũng, xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Nơi đang công tác - cũng là nơi cô Linh sinh ra, lớn lên – là xã miền núi đặc biệt khó khăn, cư dân đa số là người dân tộc thiểu số, làm nông, trình độ dân trí còn hạn chế.

Điều kiện kinh tế khó khăn, thêm địa hình không thuận tiện, mỗi mùa mưa, học sinh bên kia sông thường phải nghỉ học vì không có cầu. Cô Linh là một trong số ít người ở nơi đây, vượt qua vô vàn khó khăn, quyết tâm theo đến cùng việc học và thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo.

Chọn trở về quê hương dạy học, cô Đinh Thị Hồng Linh hiểu hơn ai hết những khó khăn mỗi học sinh phải trải qua. 6 năm công tác, sự thấu hiểu những vất vả của trò, đồng nghiệp càng thêm thấm thía.

Cô Linh mong trò có nước sạch sinh hoạt và đủ đồ dùng học tập.
Cô Linh mong trò có nước sạch sinh hoạt và đủ đồ dùng học tập.

Nhưng năm qua với cô Linh và học trò là thời gian vô cùng đáng nhớ: Trường Mầm non An Dũng được chuyển đến nơi mới, gần thị trấn và đường sá thuận tiện hơn nhiều.

“Trường tôi công tác có 4 lớp với 86 trẻ và 15 cán bộ giáo viên, nhân viên. Điểm chính của trường tại thôn 2, xã An Dũng; 1 điểm lẻ đóng trên địa bàn thôn 4 của xã. Thời gian qua, nhà trường được quan tâm đầu tư khang trang, đầy đủ lớp học, có nhà bếp, phòng vệ sinh, đồ chơi ngoài trời cho các em” – cô Linh chia sẻ tin vui.

Gửi điều ước cho học trò, đồng nghiệp

Tại địa điểm mới, trường tổ chức cho trẻ ăn, ở bán trú; vì đây là điều mong muốn nhiều năm nay của tất cả phụ huynh và nhà trường. Khó khăn bắt đầu tư đây, vì chỗ ở mới nước bị nhiễm phèn nặng, không sạch sẽ, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bếp ăn nhà trường được hỗ trợ một máy lọc nước sạch để dùng nấu ăn; còn nước sạch để uống phụ huynh phải đóng tiền để mua về. Phụ huynh đa số thuộc hộ nghèo, làm nghề nông rất vất vả; hàng tháng phải lo tiền ăn cho con đã khó, nay thêm khoản tiền nước nên càng khó khăn hơn.

“Bởi vậy, trong 3 điều ước, tôi cũng như đồng nghiêp ở trường mong mỏi đầu tiên là có được một máy lọc nước, giúp học sinh có nước sạch để sinh hoạt hàng ngày, bảo đảm sức khỏe” – cô Đinh Thị Hồng Linh gửi tâm tư.

Điều ước thứ 2, cô giáo trẻ dành cho những đồng nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì từ nơi xa đến bám trường.

“Nhiều giáo viên, nhân viên của trường từ đồng bằng lên, không có chỗ sinh hoạt; do đó không an tâm công tác lâu dài. Một số cô công tác chừng 3 - 4 năm lại muốn về quê; một phần đường sá đi lại khó khăn, phần không có chỗ ở. Nếu những ai dạy hợp đồng, hay là nhân viên văn phòng, lương tháng ít ỏi, tiền thuê trọ, tiền ăn, tiền xăng đi lại cũng không đủ trang trải.

Do đó, điều ước thứ 2 của tôi là mong có được nhà lưu trú để thầy cô từ xa đến có nơi ở, giảm bớt khó khăn vất vả và yên tâm cống hiến lâu dài” – cô Linh chia sẻ.

Cô Đinh Thị Hồng Linh và học trò Trường mầm non An Dũng.
Cô Đinh Thị Hồng Linh và học trò Trường mầm non An Dũng.

Điều ước cuối cùng cô giáo trẻ thay mặt tập thể trường gửi gắm, là mong muốn có đồ dùng, phương tiện dạy học, như: máy chiếu và đồ dùng học tập trong lớp đầy đủ, để phục vụ việc dạy học.

Cô Linh cho rằng, trong thời đại phát triển như ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin rất cần thiết, giúp trẻ học nhanh, hứng thú.

Bên cạnh đó, trong các buổi thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi và cả trong giờ sinh hoạt chuyên môn, giáo viên đều  cần đến máy chiếu. Trong khi đó, cả trường chỉ có một chiếc được cấp cách đây 9 năm, đã hư hỏng không sử dụng được.

“Hằng năm, Trường Mầm non An Dũng vẫn mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho các lớp; tổ chức hội thi làm đồ dùng đồ chơi, nên giáo viên tự làm thêm nhiều đồ dùng phục vụ dạy học.

Nhưng những đồ dùng như tranh ảnh minh họa bài thơ, truyện; tranh ảnh các chủ đề, do đã nhiều năm nên rách hết. Một số đồ chơi được cấp phát lâu năm cũng bị hư hỏng.

Với mong muốn trẻ có môi trường học tập thật tốt, được tiếp cận với công nghệ thông tin cũng như các đồ dùng, đồ chơi dạy học đầy đủ như ở đồng bằng, tôi mong Trường Mầm non An Dũng được hỗ trợ đồ dùng học tập trong lớp. Ví dụ như bộ tranh ảnh minh họa bài thơ, truyện cho trẻ 5 tuổi; bộ tranh ảnh các chủ đề và đồ dùng đồ chơi lắp ghép cho trẻ chơi…

Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng giáo viên chúng tôi vẫn yêu nghề, nhiệt tình bám trường, bám lớp, gắn bó với trẻ; luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em vui đến trường” – cô giáo trẻ tâm tình.

Cô Đinh Thị Hồng Linh là 1 trong 63 Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em” - do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai.

Chương trình “Điều ước cho em” nhằm hỗ trợ học sinh và các cơ sở giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, địa phương chịu nhiều thiệt hại của thiên tai. Nội dung hỗ trợ tập trung vào việc cải thiện những khó khăn của học sinh như thiếu sách, đồ dùng học tập, cải thiện bữa ăn trưa; thiếu nước, thiếu nhà vệ sinh, thiếu trang thiết bị dạy học...

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” sẽ diễn ra tại Hà Nội, ngày 11/4/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.