Ngày 6/3, tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế đã tiến hành chuyển giao phòng học STEM và triển khai chương trình đào tạo lập trình cho học sinh.
Trước sự chứng kiến của các bên, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế đã thực hiện bàn giao phòng học STEM nhằm tăng cường cơ sở vật chất góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học và nghiên cứu của giáo viên, học sinh nhà trường.
TS. Nguyễn Quang Lịch – Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế (hàng trước, bên phải) ký kết Biên bản ghi nhớ với thầy Nguyễn Văn Lộc – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (hàng trước, bên trái). |
TS. Nguyễn Quang Lịch – Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế cho biết, hoạt động giáo dục hết sức ý nghĩa này đã được ấp ủ từ lâu, đồng thời nhận được rất nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đối tác của Khoa trong quá trình thực hiện. Đây là dịp để Khoa thực hiện sứ mệnh giáo dục hướng đến phụng sự xã hội của một cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh thực hiện gắn kết, chuyển giao tri thức, hoạt động còn đóng vai trò chia sẻ tài nguyên của giáo dục đại học tới xã hội và kết nối đào tạo giữa các cấp, kéo gần lại khoảng cách giữa bậc đại học và bậc phổ thông mà lực lượng sinh viên chính là cầu nối hiệu quả nhất.
TS. Nguyễn Quang Lịch – Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế phát biểu tại buổi lễ chuyển giao phòng học STEM và triển khai chương trình đào tạo lập trình cho học sinh. |
Sau buổi lễ bàn giao phòng học thực hành hoàn tất là nhiều hoạt động để các em học sinh trải nghiệm như lập trình rô bốt, lập trình microbit, điều khiển rô bốt… với sự hướng dẫn và giảng dạy trực tiếp của sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ.
Khá thích thú với phòng học STEM, em Nguyễn Danh – học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Thực sự em cảm thấy rất vui và hào hứng với phòng học STEM, ở đây có nhiều thứ rất mới mẻ để em khám phá, tìm hiểu từ đó nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của bản thân và đặc biệt có những định hướng về công việc để em có thể lựa chọn sau này. Em xin cảm ơn Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế đã cho em và các bạn học sinh được trải nghiệm phòng học STEM này, em mong rằng trong thời gian tới phòng học này sẽ được triển khai rộng ở các trường THPT khác để nhiều bạn học sinh được biết đến nhiều hơn”.
Thầy Nguyễn Văn Lộc – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Được sự quan tâm của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế, chúng tôi đã có sự hợp tác để xây dựng nên phòng học STEM này. Đây là một sự kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, đồng thời định hướng cho các em học sinh về công nghệ kỹ thuật – là một nghề quan trọng và ngày càng phổ biến trong xã hội. Đây là một cơ hội cho các em có định hướng tốt sau khi các em rời ghế nhà trường”.
Cũng nhân dịp này, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế và Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, từ đây đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết nối, chuyển giao tri thức, phục vụ công tác định hướng nghề nghiệp tới học sinh phổ thông.
Trao học bổng cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Giới thiệu tại Lễ ra mắt CLB lập trình Pram. |
Khách mời, đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh tại phòng học STEM. |
Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế hướng dẫn cho học sinh về phòng học STEM, trong đó có việc điều khiển, lập trình rô bốt. |
Học sinh Nguyễn Danh – Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có nhiều trải nghiệm thú vị, bổ ích với phòng học STEM. |
Nhiều trải nghiệm về lập trình, điều khiển rô bốt được các học sinh đón nhận và thích thú. (Ảnh: Hoàng Hải). |
Được biết, chương trình chuyển giao phòng học STEM và đào tạo lập trình cho học sinh THPT là một dự án giáo dục lớn của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế đặc biệt trong bối cảnh giáo dục STEM – mô hình giáo dục dạy học sinh kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán nay đang trở thành một trong những trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thông qua việc đào tạo lập trình, các em học sinh sẽ được khơi dậy đam mê về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần định hướng tốt về nghề nghiệp sau khi các em tốt nghiệp THPT. Thời gian tới, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ sẽ tiếp tục thực hiện dự án tại một số đơn vị trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, và dự định mở rộng phạm vi áp dụng mô hình dạy lập trình này tới các tỉnh thành miền Trung trong tương lai.