Tấm lòng của thầy giáo mầm non

GD&TĐ - Tôi tìm hiểu và xem qua các phương tiện thông tin được biết có một người thầy như thế, một người thầy tuy ở cách xa chỗ tôi ở, nhưng tôi vẫn muốn viết về thầy. Thầy như một tấm gương để chúng tôi học tập đó là: “Thầy giáo mầm non yêu nghề mến trẻ, hết lòng vì sự nghiệp trồng người”.

Tấm lòng của thầy giáo mầm non

Dạy trẻ mầm non trước nay vẫn được mặc định là nghề nghiệp dành cho các cô giáo. Ngay cả từ khi đào tạo trên trường lớp, khoa Sư phạm Mầm non cũng rất ít nam giới. Vì vậy, khi lần đầu tiên biết đến một thầy giáo dạy mẫu giáo, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng và càng khâm phục hơn lòng yêu nghề và hết mình vì công việc của anh.

Đó chính là thầy giáo Liều Seo Hải (SN 1993, dân tộc Mông), phụ trách lớp lá 4 ở điểm lẻ thôn 4 tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Vượt qua những con đường đèo hun hút, gập ghềnh cùng với những đoạn đường bùn đất nhão nhoét mới tới được lớp học nhỏ đơn sơ mà chan chứa tiếng cười và sự yêu thương của Trường Mẫu giáo Hoa Ban.

Một chàng trai trẻ với khuôn mặt nhỏ nhắn và dáng vẻ thư sinh khiến ai cũng ngỡ ngàng. Những cử chỉ nhẹ nhàng, giọng nói ấm áp vang lên trong lớp học với toàn các em nhỏ.

Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, Hải đã vượt qua sự ngăn cấm của gia đình để có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người này. Năm 1999, Hải theo gia đình từ tỉnh Lào Cai vào huyện M’Đrắk sinh sống. Năm 2013, Hải đăng ký dự thi vào khoa Sư phạm Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (chi nhánh Hà Nội).

Ngày Hải đăng ký dự thi ngành học này, bố mẹ không ủng hộ vì nam giới mà dạy học sinh mầm non sẽ vất vả và hơi kỳ, mọi người trêu chọc. Quả đúng như vậy, cả khóa học của Hải lúc ấy có gần 100 sinh viên nhưng chỉ có 3 người là nam giới. Không lâu sau, do bị trêu chọc một sinh viên nam đã chuyển sang học ngành khác, chỉ còn lại Hải và một nam sinh khác.

Tốt nghiệp ra trường, Hải về xã Cư San làm dân quân tại địa phương được 5 tháng với mức lương cũng khá cao. Song, lòng yêu nghề và mong muốn đem kiến thức dạy dỗ học sinh người Mông ở vùng sâu còn nhiều khó khăn cứ thôi thúc Hải quyết định nộp hồ sơ xin đi dạy học. Được nhận vào công tác tại Trường Mẫu giáo Hoa Ban, Hải đã đem kiến thức dạy học sinh đánh vần từng con chữ, học từng bài hát, câu thơ. Hiện tại, lớp học do thầy giáo Hải phụ trách có 42 cháu từ 3 đến 5 tuổi, đều là dân tộc Mông, lớp học 2 buổi/ngày...

Khi mới bắt đầu dạy, Hải gặp không ít khó khăn. Đối với một cô giáo, dạy trẻ nhỏ đã không phải là điều dễ dàng chứ chưa nói đến việc một thầy giáo gắn bó với nghề này. Lúc đầu, phụ huynh không mấy tin tưởng vì lần đầu thấy thầy giáo viên mầm non là nam giới nên ái ngại khi cho trẻ đến lớp. Thêm một khó khăn nữa là việc dạy các cháu múa hát, cột tóc, bấm móng tay hay vệ sinh cá nhân vì không được khéo léo, kiên nhẫn như các cô giáo.

Chưa hết, còn nhiều tình huống sư phạm “muôn màu, muôn vẻ” khiến anh đôi khi thấy lúng túng như: Có bé đang trong giờ học khóc đòi bố mẹ, thầy giáo phải đến dỗ dành, động viên, hay như trong giờ ra chơi các cháu tranh giành đồ chơi, thầy giáo phải đứng ra phân xử...

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, thầy Hải đã làm “tròn vai” khi vừa là thầy, là mẹ, là bạn... của các cháu. “Đứng trước mỗi tình huống sư phạm, tôi đều nghĩ việc chăm sóc, dạy dỗ các em cũng giống như việc dạy bảo con cháu trong gia đình mình nên dần dần mọi thứ đều ổn thỏa. Cuộc sống nơi đây còn nghèo khó nhưng các em rất ham học, lễ phép, phụ huynh thì tin tưởng, quý mến thầy giáo nên tôi chưa bao giờ hối hận về công việc mà mình đã chọn”, thầy Hải bộc bạch.

Thầy giáo trẻ không ngại khó, ngại khổ, hết lòng chăm sóc các em bằng tình yêu thương, chỉ bảo, dạy dỗ các em từng ly, từng tý, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ. Chứng kiến từng cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, từng động tác múa khi dạy hát, hay từng thìa cơm, miếng nước khi chăm sóc cho các cháu, mới thầm cảm phục cái tài “không thua ai” của thầy giáo nuôi dạy trẻ mầm non nơi đây.

Không chỉ được phụ huynh và học sinh yêu mến, thầy Hải còn nhận được sự đánh giá rất cao của đồng nghiệp. Cô Trần Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Ban cũng phải dành những lời khen cho anh: “Thầy Hải về công tác tại trường đã được 2 năm. Khi thầy Hải đến nhận công tác, ai cũng bất ngờ vì lâu nay nghề mầm non chỉ dành cho phụ nữ. Qua thời gian, thầy Hải không chỉ khẳng định mình là một giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, mà còn rất tận tâm với công việc, được các cháu rất yêu quý”.

Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ và niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, chính là động lực để “người gieo mầm yêu thương” tiếp tục cống hiến với nghề, để yêu thương những đứa trẻ như yêu con của mình. Bản thân cũng là một giáo viên dạy mầm non, tôi càng thêm khâm phục nghị lực tinh thần và lòng yêu nghề mến trẻ của Hải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ