Thầy giáo của những “lớp học đặc biệt”

GD&TĐ - Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật với cô giáo đã khó nhưng với các thầy, những người đàn ông vụng về, tưởng chừng như khô khan lại còn khó hơn... Thế nhưng, bằng tình yêu thương, họ coi các em như con ruột và truyền cho học sinh kém may mắn những bài giảng, lời dạy của một người cha…

Thầy Trần Thanh Tùng và các hoạt động ngoại khóa với học sinh khuyết tật. Ảnh: NVCC
Thầy Trần Thanh Tùng và các hoạt động ngoại khóa với học sinh khuyết tật. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Thanh Tùng - Trường Khiếm thính Hải Phòng

Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào nghề, được phân công dạy các em học sinh khuyết tật tại Trường Khiếm thính Hải Phòng, quá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ đối với thầy Tùng. Dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn bội phần.

Thầy Tùng thường dành thời gian để bên các em vào những lúc rảnh rỗi, hay những buổi chiều cuối giờ để cùng chơi, trò chuyện, có khi cùng các em gấp lại ngăn quần áo cá nhân, quét nhà, dọn dẹp, tưới cây, tập thể dục. Thông qua những hoạt động đó, thầy Tùng rèn luyện cho các trẻ thói quen sinh hoạt đúng đắn, và nền nếp học tập. “Mỗi học sinh khuyết tật đều có những đặc điểm, khả năng và tâm sinh lý khác nhau, vì vậy mà cách tiếp xúc, nói chuyện trao đổi và giáo dục các em cũng khác nhau. Các em khuyết tật trí tuệ và tự kỷ, giáo viên phải thật sự kiên trì và có tình yêu thương, đồng cảm mới có thể cùng nhau tiến bộ”, thầy Tùng nói.

Trong trường, nhiều học sinh chưa biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo, ăn uống, một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét và rất chậm trong việc tiếp thu bài học. Bởi vậy, để rèn luyện kỹ năng sống, kết hợp dạy văn hóa cho các em, thầy Tùng dành thời gian tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp; sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan trong các tiết học, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học.

Đồng thời, thầy cũng xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Sau một năm học, các em đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, đã biết tự đi vệ sinh, xúc cơm ăn, mặc quần áo, biết ngồi yên trong lớp và hợp tác với giáo viên trong học tập. Đây chính là động lực giúp các thầy cô gắn bó với nghề, dìu dắt những trẻ kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Với những em học sinh khiếm thính, các em không nghe được âm thanh, không nói được nên hay bị ức chế, nổi nóng và nhiều hành vi lệch lạc khác vì vậy các giáo viên cần dần dần giáo dục các em khắc phục được những hành vi đó. Trong lớp, có những tiết học vô cùng yên ắng, không có tiếng phát biểu của các em, không có tiếng giảng bài của thầy cô trên bục giảng, thầy và trò nói chuyện, trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

10 năm làm công tác giáo dục dạy trẻ khuyết tật, thầy Tùng vẫn coi đó là cơ duyên và là sự lựa chọn đúng đắn mà bản thân chưa từng hối hận.

Thầy Bùi Hữu Hùng - Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh

Thầy Hùng cùng các em học sinh trong trường dạy nghề. Ảnh: NVCC
Thầy Hùng cùng các em học sinh trong trường dạy nghề. Ảnh: NVCC

Không đứng lớp để truyền đạt tri thức cho các bạn trẻ như nhiều nhà giáo khác, thầy Hùng là giáo viên dạy nghề cho các em kém may mắn.

Thành công lớn nhất trong sự nghiệp giảng dạy của thầy Hùng có lẽ là sự tin tưởng. Thầy Hùng tin rằng dù đôi mắt các em không nhìn thấy được, đôi tai không nghe được những thanh âm của cuộc sống nhưng các em sẽ thành công nếu có người chắp cánh ước mơ.

Mỗi buổi đứng lớp, những ánh mắt ngập tràn niềm hy vọng, sự lạc quan, yêu đời, khát khao hướng tới tương lai của các em đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy. Thầy cố gắng truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng sống để chuẩn bị hành trang vào đời cho các em, với mong muốn học trò của mình có thể bước đi trên đường đời mà không cần ai nâng đỡ.

Thầy Hùng cho biết, người khuyết tật thường mặc cảm, tự ti, không yên tâm khi xa gia đình để đi học nghề hoặc gia đình các em phần lớn là ở nông thôn, thuộc hộ nghèo nên muốn giữ con em để trông nhà, làm nội trợ giúp gia đình. Đồng thời, sự khác nhau về bệnh tật như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, nhiễm chất độc da cam, rồi trình độ văn hóa không đồng đều cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy nghề, tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề của các em.

Sự thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề cũng gây ra nhiều trở ngại lớn. Hơn nữa, sự tương tác giữa thầy và trò cũng gặp nhiều khó khăn. Khắc phục điều đó, thầy Hùng cùng các giáo viên ở trung tâm đã luôn cố gắng hết sức trong việc trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng chương trình, giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với các em. Đồng thời, thầy cũng luôn tìm tòi, nghiên cứu tự làm ra các mô hình, thiết bị giảng dạy trực quan hơn để các em tiếp thu bài nhanh, thực tế hơn và tiết kiệm được kinh phí mua sắm trang thiết bị.

“Là một thầy giáo, cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn thật nhiều. Nghề mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày. Từng giờ lên lớp là những giây phút tôi quý trọng nhất trong ngày. Tôi hy vọng rằng có thể giúp những người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống như bao người khác. Có việc làm, có gia đình và có niềm vui, hạnh phúc” - thầy Hùng nói.

Lớp học ngày nào cũng có vài chuyện xảy ra, nào đánh nhau, tiếng gào khóc của các trò bị tự kỷ… Thế nhưng, sự tiến bộ từng chút, từng chút là niềm hạnh phúc của những thầy giáo trong lớp học đặc biệt này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ