Với cô cho đi là còn mãi. Cô đang sống giống như quan điểm của thần tượng mình là nhạc sỹ, ca sỹ Trần Lập: “Ai rồi cũng sẽ vậy, nhưng sống ngày nào là ngày đấy phải đẹp”.
Chia sẻ về việc quyết định đăng ký hiến tặng tạng, mô của mình, cô Linh bộc bạch: “Phần nào tôi muốn là tấm gương và làm một việc ý nghĩa để gieo cho các con niềm tin vào thầy, cô giáo của mình”.
Cô cho biết, những quan điểm sống của thần tượng Trần Lập đã định hướng cho cô phải sống mạnh mẽ, vững tin vào cuộc sống và sẻ chia nhân ái đến mọi người.
Trong vai trò là một cô giáo dạy trẻ đặc biệt, hơn ai hết, cô biết mình phải nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thiện bản thân, sống là tấm gương tốt, mang một tinh thần mạnh mẽ nhất đến với các “chiến binh” và bố mẹ của các con.
Trong những lần tham gia các chương trình tình nguyện, cô đã gặp rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Họ giúp cô hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống, về sự cho đi, sự lan tỏa của những hành động ý nghĩa.
“Tôi đã nói chuyện với bố mẹ về suy nghĩ của mình là sẽ đăng ký hiến tạng. Lúc đầu bố mẹ có chút băn khoăn. Nhưng sau đó, cả hai hoàn toàn tin vào quyết định của tôi khi được chia sẻ câu chuyện về bé Hải An - một cô bé mới chỉ 7 tuổi qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Mẹ bé và gia đình đã quyết hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác” - cô Linh kể lại.
Mỗi trẻ tự kỷ là một …điều đặc biệt
Là một cô giáo dạy trẻ tự kỷ, cô mong muốn học sinh của mình được yêu thương và sẻ chia nhiều hơn. Nhất là bố mẹ của trẻ tự kỷ, cần tìm đến nguồn thông tin đáng tin cậy như A365 - Mạng lưới tự kỷ Việt Nam để biết và hiểu các con của mình.
Cô chia sẻ: Mỗi trẻ tự kỷ là một điều đặc biệt nên giáo viên phải có cách dạy, cách học riêng đối với từng con. Nhớ lại lần gặp một trong những học trò đã gieo cho cô thêm động lực và đó cũng là hành trình giúp cậu bé 5 tuổi gọi “mẹ” một cách có chủ động là chặng đường mà niềm vui, hạnh phúc, xen lẫn những giọt mồ hôi nhọc nhằn để chinh phục từng trang giáo án.
Cô kể lại: “Tôi gặp cậu bé trong một dịp làm chương trình tình nguyện “Tôi đã hiểu! Còn bạn?”. Mẹ và em đến để tìm hiểu về hội chứng tự kỷ. Hôm đó, chàng trai nhỏ bé ấy không thể đứng im một chỗ dù chỉ là vài giây. Em chạy nhảy liên tục khiến mẹ phải nắm chặt, hay thậm chí phải liên tục bế lên”.
Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán người mẹ đủ để cô giáo trẻ biết chị đã vất vả thế nào với cậu nhóc này. Điều đó thôi thúc cô Thùy Linh trò chuyện với mẹ em.
“Sau lần gặp ấy khá lâu, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của người mẹ nhờ giúp đỡ. Chị gửi con đến trung tâm của tôi học. Những buổi học đầu, cậu bé la khóc, phải dỗ dành đủ thứ đồ chơi mà con đều ném đi. Rồi những buổi trưa cả lớp đang ngủ thì một mình con chơi xoay tay, khóc lóc đòi bế. Con thường xuyên tè ra quần vì không thể tự chủ. “Chàng trai” ấy cứ đến 3 giờ chiều là khóc nhè đòi về.
“Chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để con cảm thấy các cô gần gũi như chính người mẹ của mình. Mỗi ngày cố gắng, con dần biết thêm từng chút. Con biết quay lại chạy về phía cô, phía mẹ khi được gọi; Biết lấy, cất đồ dùng học tập, biết vẫy tay tạm biệt, liếc nhìn cô vài giây khi chào cô ra về. Con biết gọi “mẹ”, “bố” khi phụ huynh đến đón. Với chúng tôi, những điều rất bình thường nhưng cũng khiến giáo viên và phụ huynh vỡ òa trong hạnh phúc” - cô Linh giãi bày.
Trong quá trình đồng hành cùng các con, cô Thùy Linh tự nhận mình “may mắn” khi được biết đến Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, biết đến câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội.
Ở đó, cô được chỉ giúp thêm kiến thức chuyên ngành, có nhiều lời động viên là động lực để cô có thêm sức mạnh, tự tin đồng hành cùng các con.
Cô và những giáo viên khác đã hoạt động không mệt mỏi, sẻ chia tới mọi người để họ có thể thấu hiểu về thế giới người tự kỷ. Đích cuối cùng là để các con nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia, yêu thương của mọi người, khi hiểu đúng bản chất về trẻ tự kỷ.