Thầy giáo có duyên với giải thưởng âm nhạc

Thầy giáo có duyên với giải thưởng âm nhạc

(GD&TĐ) - Trong cuộc thi ca khúc về đề tài “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức, nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên - giảng viên trường Đại học Bạc Liêu, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Chi hội Âm nhạc Hội Văn học - Nghệ thuật Bạc Liêu, đã đoạt giải Nhất với tác phẩm Màu xanh quê tôi. Trong vòng 11 năm (2000 - 2011), anh đã đoạt 29 giải thưởng âm nhạc từ địa phương đến trung ương. 

Những cuộc “thiên di”

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê trũng Hưng Hà, Thái Bình “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn”, cậu bé Phạm Quế Nguyên cứ hồn nhiên lớn lên như cây lúa củ khoai quê nhà, với sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cha anh là một nhà giáo, theo tiếng gọi của Đảng “đem ánh sáng văn hóa” lên vùng cao, xung phong lên Việt Bắc và dạy ở trường Trung cấp Sư phạm. Ông là người rất thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo. Những năm bao cấp, suất lương còm của người cha khó nuôi nổi ba con thơ và gia đình, ruộng vườn lại chẳng có gì, vì thế cả nhà phải dắt díu nhau về vùng núi Thái Nguyên để tìm kế sinh nhai. Từ quê hương đồng chiêm trũng bao bọc bởi lũy tre làng, giờ đây cậu bé Nguyên lại được mở rộng tầm mắt tới vùng đồi núi Thái Nguyên bạt ngàn những rừng cọ, đồi chè xanh mát. Những âm thanh của rừng, của suối và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi đây đã thổi vào tâm hồn thơ ngây của cậu những giai điệu đẹp đầu đời về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu những con người lao động cần cù, lam lũ.

Thầy giáo Phạm Quế Nguyên
Thầy giáo Phạm Quế Nguyên

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh thi vào khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương Hà Nội, để thỏa nguyện ước mơ được dạy nhạc cho lớp trẻ, tiếp nối nghề dạy học của cha. Ngay những năm còn ngồi trên ghế trường Nhạc, anh đã có những sáng tác đầu tay được bạn bè và thầy cô yêu thích. Tốt nghiệp vào loại giỏi năm 1986, muốn đi dạy học, nhưng do yêu cầu của tổ chức, anh vào làm nhạc công ghi-ta cho Nhà hát nhân dân tỉnh Bắc Thái (Bắc Cạn- Thái Nguyên), để rồi hết đi biểu diễn ở nơi này lại nơi khác. Công việc cứ đều đều với những bài tập và biểu diễn mà anh thấy đơn điệu, lương bổng chỉ nuôi nổi bản thân.

Một hôm, anh bàn bạc với cha mẹ là muốn đi xa, về vùng đất phía Nam của Tổ quốc lập nghiệp. Thế là hai cha con quyết định xin về Bạc Liêu công tác. Cha anh được phân công dạy trường Trung cấp Sư phạm Minh Hải (Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập). Một thời gian sau, anh được về công tác tại trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu, thỏa nguyện ước mơ làm nghề dạy học. Những lúc rảnh rỗi, anh lại cùng cây ghi ta thả hồn vào những giai điệu đẹp. Và nhiều bài ca về Đảng, Bác, về quê hương, tình yêu đã ra đời. Những sáng tác của anh trước hết là tiếng lòng của mình, sau nữa là để hát cho học sinh nghe.  

Có duyên với giải thưởng

Có thể nói nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên là thầy giáo liên tục đoạt được nhiều giải thưởng nhất so với các giáo viên dạy Nhạc của toàn quốc. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến 2011, anh đã giành 29 giải, từ Khuyến khích đến giải Nhất.

Năm 2000, anh đoạt luôn 3 giải: Giải Khuyến khích sáng tác về “Đồng bằng sông Cửu Long” của các hội Văn học Nghệ thuật khu vực ĐBSCL với tác phẩm Chiều Bạc Liêu. Giải Khuyến khích ca khúc về đề tài “Giao bưu và bưu chính Cần Thơ” của Sở Bưu điện Cần Thơ với tác phẩm Tình ca Bưu chính - Viễn thông Cần Thơ và giải Khuyến khích sáng tác về đề tài “Đất nước và con người Bạc Liêu” của UBND tỉnh Bạc Liêu với tác phẩm Nhớ Bạc Liêu. Tuy chỉ là 3 giải khuyến khích trong một năm nhưng cũng là niềm khích lệ lớn đối với sự nghiệp sáng tác của anh.

Năm sau 2001, anh lại đoạt tiếp 3 giải: Giải Khuyến khích của Hội VHNT Cà Mau với tác phẩm Nhớ Cà Mau. Giải Ba sáng tác “Vì môi trường của chúng ta” của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường phía Nam và giải Khuyến khích ca khúc về đề tài “Hiến máu nhân đạo” của Hội Chữ Thập Đỏ TP Hồ Chí Minh với tác phẩm Tình nhân ái bao la.

Năm 2002 anh đoạt 2 giải: Giải Ba ca khúc Hát về trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn và giải Khuyến khích cuộc thi “Ca khúc, vọng cổ, kịch bản thông tin lưu động” của UBND tỉnh Bạc Liêu với tác phẩm Về Bạc Liêu.

Phút thư giãn cùng bạn bè
Phút thư giãn cùng bạn bè

Năm 2002, anh được nhà trường cử đi thi vào hệ Chuyên tu âm nhạc trường Đại học Âm nhạc quốc gia Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội) để nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn. Sau đó, anh đã sáng tác nhiều thể loại cho đơn ca, hợp ca, giao hưởng, phối âm, phối khí… phù hợp nhiều cỡ giọng, nhiều hình thức biểu diễn. Nhạc của anh rất giàu chất trữ tình, lãng mạn bay bổng, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm những giai điệu quê hương.

Vừa dạy Nhạc vừa sáng tác, hầu như năm nào anh cũng đoạt giải từ các cuộc thi ở địa phương, khu vực hoặc cấp quốc gia, đặc biệt là giải Nhất ca khúc về đề tài “Tam nông” năm 2011 với ca khúc Màu xanh quê tôi. Hội đồng giám khảo đã đánh gía cao bài hát này khi nhận xét: Bài Màu xanh quê tôi viết về đất mũi Cà Mau nhưng thoát được chất “địa phương ca”, ngọt ngào sâu lắng và có thể nói là bay bổng nữa. Tin rằng nó sẽ có số phận đẹp kiểu Dáng đứng Bến Tre hay Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, anh cười vui, cho biết: “Những giải thưởng đã cho tôi thêm niềm tin trong sáng tác. Từ đó, tôi càng phải cố gắng hơn để cho ra đời những tác phẩm hay… Mảnh đất và con người Bạc Liêu nói riêng, Nam Bộ nói chung đã thổi vào hồn tôi nhiều giai điệu đẹp để từ đó bật lên những điệu thức, tiết tấu, ca từ đậm sắc màu quê hương. Tôi sáng tác với nhiều thể loại nhạc nhưng ca khúc trữ tình vẫn là thế mạnh của tôi, đặc biệt, tôi rất thích những đề tài mang tính hướng ngoại tới cộng đồng dân tộc. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng để ra một album cá nhân với những bài hát đã đoạt giải. Và tôi muốn truyền niềm đam mê âm nhạc tới thế hệ trẻ, góp phần xóa nạn “mù nhạc” trong thanh thiếu niên hiện nay”.

Vĩ thanh

Cuộc sống với nhiều nổi trôi, cha anh là một trong những Nhà giáo ưu tú được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận đợt đầu ở tỉnh Bạc Liêu, nay đã mất. Mẹ và một người em trai là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn ở thành phố Thái Nguyên. Còn một người em trai nữa cũng vào Bạc Liêu với anh hiện là Phó Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu. Vợ anh là một cô giáo Tiểu học rất yêu âm nhạc, đã gánh vác mọi việc gia đình và chăm sóc con nhỏ để anh yên tâm thả hồn vào những ca khúc.

Năm nay, nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên đã vào tuổi “ngũ tuần” nhưng trông còn rất trẻ, trên môi luôn nở nụ cười và đang ở độ chín về sáng tác. Anh có hàng trăm bài hát về nhiều đề tài. Nhiều ca khúc của anh đã được phát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh Truyền hình Bạc Liêu. Nổi bật nhất là 6 ca khúc: Nhớ Bạc Liêu, Về Bạc Liêu, Bên bến Châu Giang, Hè về trên quê hương em, Biển quê hương, Màu xanh quê tôi. Riêng đài Phát thanh Truyền hình Bạc Liêu đã làm hai chương trình giới thiệu về anh và những tác phẩm của anh.

Lê Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ