Theo GS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - thương hiệu trường đại học gồm có các thành tố chính là: Tên trường đại học, biểu tượng của trường đại học, biểu trưng của trường đại học, khẩu hiệu của trường đại học và tên miền hay địa chỉ website.
Theo báo cáo của Đại học Oxford về các xu hướng phát triển mới của giáo dục đại học trên thế giới và báo cáo của các trường đại học hàng đầu trên thế giới đã và đang xây dựng thương hiệu quốc tế thông qua các chiến lược sau:
Mở các cơ sở ở các nước kém phát triển hơn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học; đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và các tổ chức doanh nghiệp quốc tế; xây dựng các trung tâm giáo dục (education hubs) để thu hút đầu tư nước ngoài; thuê các chuyên gia phát triển thương hiệu và đầu tư tài chính và nhân lực vào việc phát triển thương hiệu;
Phát triển thương hiệu trên các phương tiện truyền thông mạng và kỹ thuật số; xem trọng việc xây dựng và phát triển trang web của nhà trường; tổ chức các sự kiện với sự tham gia của các sinh viên tiềm năng.
GS Đinh Xuân Khoa cho rằng: Thương hiệu trường đại học tạo nên với hình ảnh trường đại học, gắn liền với sự cam kết giữa nhà trường với xã hội, thể hiện sự khác biệt của trường đại học và mang lại lợi ích cho nhà trường.
Quản trị thương hiệu trường đại học gồm có những nội dung: Xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu của trường đại học; xác lập và xây dựng giá trị cốt lõi của trường đại học; thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà trường; xây dựng môi trường sáng tạo trong trường đại học; thực hiện kiểm định chất lượng.
"Trên cơ sở tự chủ, vận dụng tư duy doanh nghiệp và quản trị thương hiệu trường đại học, Việt Nam cần đặt mục tiêu để một hoặc một số ngành đào tạo có thể xuất khẩu giáo dục nhằm quốc tế hóa giá trị của Việt Nam, để thương hiệu giáo dục đại học của Việt Nam có vị thế trong hệ thống giáo dục đại học quốc tế. Đây là một sự đầu tư chiến lược cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước và sự quyết tâm của đơn vị được lựa chọn thực hiện" - GS Đinh Xuân Khoa cho hay.