Quy định vị thế chủ tịch Hội đồng trường
Nhận định việc đổi thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” thành “trách nhiệm giải trình” trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là rất tốt, diễn đạt đúng cặp khái niệm sóng đôi là autonomy và accountablity của giáo dục đại học thế giới; tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - cũng cho rằng, nên thêm ở cuối điều 4 một khoản giải thích về “trách nhiệm giải trình” sau khoản giải thích về ‘tự chủ”.
Đại loại: “Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm báo cáo hoặc cung cấp thông tin đối với các phía liên quan với cơ sở giáo dục đại học (Nhà nước, nhà đầu tư, người học, người dạy, người sử dụng sản phẩm và cộng đồng liên quan) về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”. Điều 32 của dự thảo Luật có quy định rõ hơn về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, nhưng vẫn cần giải thích thuật ngữ ở đầu, vì hai thuật ngữ đó được nhắc nhiều lần trong Luật.
GS Lâm Quang Thiệp đồng thời nhấn mạnh, Hội đồng trường là thực thể quan trọng nhất để đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, nhưng sau 15 năm đưa thực thể đó vào cơ sở giáo dục đại học hoạt động của nó vẫn còn rất hình thức, không thực chất. Vấn đề là ở vị thế của Hội đồng trường, đặc biệt là vị thế của chủ tịch Hội đồng trường.
Ở Điều 16 nên có quy định về vị thế đó. Chẳng hạn: “Chủ tịch Hội đồng trường có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong và ngoài trường, ít nhất tương đương với hiệu trưởng…”. Bởi trong thực tế, hầu hết chủ tịch hội đồng trường vốn là hiệu phó, trưởng khoa, trưởng phòng… có vị thế thấp hơn hiệu trưởng nên Hội đồng trường thiếu uy lực. Mặt khác, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, không cần quy định chủ tịch Hội đồng trường có trình độ tiến sĩ, vì họ không quản lý chuyên môn trực tiếp. Chẳng hạn, có thể mời một cựu bộ trưởng không tiến sĩ làm chủ tịch Hội đồng trường.
Góp ý cho dự thảo Luật, GS Lâm Quang Thiệp đồng tình việc xóa bỏ về quy định phân tầng ở Điều 9, chỉ để xếp hạng và cho biết điều này là hợp lý, tránh sự lẫn lộn của phân tầng và xếp hạng. Tuy nhiên, GS vẫn nhận định “phân tầng” các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết đối với quốc gia trong định hướng phát triển hệ thống giáo dục đại học. Nội dung phân tầng có thể nêu ở Điều 11 về quy hoạch mạng lưới. Phân tầng có liên quan đến sứ mạng, chức năng, nghĩa vụ của cơ sở giáo dục đại học, do Nhà nước quy định.
Vì vậy, có thể bổ sung ở Khoản 3, Điều 11 sửa đổi, chẳng hạn như sau: “11.3c) Sắp xếp không gian của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; quy định chức năng, sứ mạng của một số cơ sở giáo dục đại học đặc biệt; phân bổ nguồn lực…”.
Về đại học tư thục, theo GS Lâm Quang Thiệp, thể chế luật pháp cho đại học tư thục ở nước ta trong một thời gian dài không khuyến khích sự phát triển của đại học tư thục, kể cả loại hình vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, cho nên số lượng sinh viên của đại học tư thục cho đến nay cũng mới chỉ khoảng 15%, không đạt chỉ tiêu mong muốn 40% như nhiều nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục vì lợi nhuận, việc bỏ quy định về tài sản chung không chia và quy định về đại diện chính quyền địa phương trong hội đồng quản trị là rất cần thiết để tháo gỡ băn khoăn của loại hình đại học này, tỏ rõ “thực tâm” phát triển kinh tế tư nhân theo đường lối của Đảng.
Mức độ tự chủ nên tiếp cận theo 2 hướng
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học trong buổi làm việc do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây - cho rằng: Hiện nay, nếu theo Nghị định 16 thì mức độ tự chủ của cơ sở dịch vụ công nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng phụ thuộc vào mức độ tự bảo đảm các khoản chi.
Riêng theo Nghị quyết số 77/NQ-CP thì cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ toàn diện nếu tự bảo đảm toàn bộ các khoản chi. Việc thực hiện Nghị quyết 77 đòi hỏi phải có tổng kết thực tiễn, tuy nhiên theo kinh nghiệm quốc tế thì đã là cơ sở giáo dục đại học công lập, dù được giao quyền tự chủ như một doanh nghiệp, Nhà nước vẫn đảm bảo một tỷ lệ chi nhất định, chí ít cho nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất.
Vì vậy, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, về mức độ tự chủ nên tiếp cận theo 2 hướng. Thứ nhất, mức độ tự chủ trong quyền tự chủ về tài chính phụ thuộc vào mức độ tự bảo đảm các khoản chi. Thứ hai, mức độ tự chủ trong chuyên môn, tổ chức và nhân sự phụ thuộc vào sự phân loại cơ sở giáo dục đại học theo đại học, trường đại học, học viện. “Có thể thấy, các quy định của dự thảo Luật đang đi theo tiếp cận này” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định.
Về Hội đồng trường, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật có thay đổi đáng quan tâm về việc bỏ quy định “không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”. Việc bỏ quy định này là phù hợp đối với trường ngoài công lập, nhưng cần hết sức cân nhắc đối với trường công lập, bởi lẽ ngay cả các chức vụ quan trọng hơn nhiều của Nhà nước cũng chỉ giới hạn trong hai nhiệm kì. Vấn đề nhiệm kì của hiệu trưởng cũng vậy.
Ngoài ra, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, theo các ý kiến đóng góp, hiện trong Điều 16 về Hội đồng trường, bên cạnh các quy định đảm bảo thực quyền của Hội đồng trường, còn thiếu các quy định về một cơ chế giám sát để đảm bảo có sự kiểm soát quyền lực. Vì vậy, cần xem xét bổ sung một khoản vào Điều 16 quy định cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường đối với việc thực thi quyền lực của Hội đồng trường.