Thay đổi nhận thức và hành vi trong công tác dân số

GD&TĐ -Các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc SKSS, giới tính...được triển khai trong nhà trường đã thu hút sự tham gia tích cực của HSSV.

Tư vấn, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Ảnh: Ngọc Anh.
Tư vấn, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Ảnh: Ngọc Anh.

Hiệu quả từ các mô hình

Theo bà Lê Tố Quyên - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang, những năm qua, công tác dân số đạt được các mục tiêu quan trọng trong thực hiện Chiến lược dân số qua từng thời kỳ. Điều này cho thấy, hiệu quả của các mô hình, hoạt động truyền thông lồng ghép.

Hiện, chính sách dân số đang chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Qua đó, nhằm giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề dân số và việc lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển. Từ quan điểm này, bà Lê Tố Quyên cho rằng, việc tuyên truyền chính sách dân số - Kế hoạch hóa gia đình chỉ thực sự mang lại hiệu quả lâu dài khi thực hiện truyền thông lồng ghép.

Bà Lê Tố Quyên.

Bà Lê Tố Quyên.

Khẳng định, các mô hình truyền thông dân số ở cộng đồng là thiết thực hiệu quả; bà Lê Tố Quyên viện dẫn một số mô hình câu lạc bộ như: Dân số - kế hoạch hóa gia đình; tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên; bình đẳng giới; phụ nữ không sinh con lần 3 trở lên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; liên thế hệ; nam nông dân với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình…

“Các hoạt động truyền thông tại cộng đồng đã tác động trực tiếp đến từng nhóm đối tượng trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu công tác dân số ở địa phương, cơ sở” - bà Lê Tố Quyên nhìn nhận.

Nhờ hiệu quả của các mô hình hoạt động ở cộng đồng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang nhận thấy, hầu hết người dân trong tỉnh đã hiểu và nắm bắt được chính sách, pháp luật, các kiến thức về dân số, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình…

Hiệu quả đó đã làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, thực hành có lợi của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bắc Giang về công tác dân số. Góp phần quan trọng vào thành công của công tác dân số trong thời gian qua.

Xóa rào cản

Bà Lê Tố Quyên cho hay, giai đoạn 2006 - 2010, Bắc Giang bắt đầu triển khai thí điểm mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2007 - 2010, tại 66/230 xã, phường thị trấn trong tỉnh.

Giai đoạn 2011-2020 mô hình dần được mở rộng ở các xã, phường, thị trấn và các trường học, doanh nghiệp trong tỉnh. Mô hình câu lạc bộ dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên tại các xã, phường, thị trấn (209 xã, phường, thị trấn); Câu lạc bộ dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 15 doanh nghiệp; câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, góc kiến thức, phòng truyền thông ở các trường THPT, THCS.

Các Ban chủ nhiệm câu lạc bộ được đào tạo kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, đào tạo kỹ năng quản lý câu lạc bộ, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền. Câu lạc bộ được cung cấp tài liệu, tủ truyền thông.

Giai đoạn 2021- 2030, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn thanh niên tiếp tục duy trì và từng bước nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.

Các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên được triển khai trong nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng thu hút sự tham gia tích cực, hứng thú của vị thành niên/thanh niên. Qua đó các em tích cực tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống tạo hành trang vững vàng cho tương lai.

Tuy nhiên, theo bà Lê Tố Quyên, rào cản lớn nhất là sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên chưa thực sự tích cực, chưa chủ động ở mỗi cấp, mỗi ngành.

Hội thi Tìm hiểu kiến thức dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên các Trường THPT huyện Việt Yên. ẢNh: Intenet.

Hội thi Tìm hiểu kiến thức dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên các Trường THPT huyện Việt Yên. ẢNh: Intenet.

Với nhà trường, các thầy, cô giáo, học sinh đón nhận khá thuận lợi nhưng với doanh nghiệp thì khó khăn hơn. Nguyên nhân là do thời gian lao động của công nhân, dây chuyền sản xuất…; một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện phối hợp triển mô hình, chưa quan tâm đến vấn đề này.

Với cộng đồng còn tồn tại vấn đề như: gia đình và cộng đồng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các bậc cha mẹ của vị thành niên, thanh niên. Trên thực tế vẫn tồn tại rào cản từ yếu tố văn hóa.

Việc tiếp cận dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/ thanh niên chưa thuận lợi, chưa thân thiện với lứa tuổi vị thành niên/thanh niên. Hơn nữa nhiều vị thành niên/ thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng sống thiết yếu, chưa cởi mở trong tìm hiểu, tiếp cận dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân.

Chưa có sự quan tâm trong đầu tư nguồn lực thích đáng của địa phương để triển khai các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên.

Bà Lê Tố Quyên cho biết, tỉnh Bắc Giang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lồng ghép các yếu tố dân số và Chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cụ thể, ngày 17/2/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã tính toán, phân tích những lợi thế, cơ hội và thách thức của các yếu tố dân số như: quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và chất lượng dân số để xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh.

Bà Lê Tố Quyên cho biết, với ngành Y tế, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lĩnh vực dân số với các chỉ tiêu dự báo về quy mô, cơ cấu, phân bố và chỉ tiêu chất lượng dân số đã được tính toán đến từng huyện, thành phố trong tỉnh; tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ/ vạn dân; giường bệnh trên vạn dân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ