Xóa rào cản tâm lý khi khám sức khỏe tiền kết hôn

GD&TĐ - Nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe tiền kết hôn vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Đây là tâm lý lạc hậu, cần được loại bỏ.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là bước sàng lọc để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa/internet.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là bước sàng lọc để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa/internet.

Cần và nên…

Trước khi làm đám hỏi 1 tuần, anh Nguyễn Tuấn Anh ở Sóc Sơn (Hà Nội) đưa ra đề nghị với người yêu đi khám sức khỏe nhằm đảm bảo cuộc sống hạnh phúc khi về chung một nhà. Tuy nhiên, anh khá bất ngờ khi bạn gái phản ứng gay gắt về việc này và từ chối hợp tác.

“Thậm chí, cô ấy còn tự ái vì cho rằng tôi không tin tưởng và nghi ngờ nên mới đề nghị đi khám tiền hôn nhân. Nếu phát hiện em bị bệnh thì anh bỏ em à? Cô ấy chất vấn tôi như vậy. Sau một hồi giải thích, bạn gái của anh Tuấn đã hiểu ra vấn đề và đồng thuận đi khám sức khỏe” – anh Tuấn Anh chia sẻ.

Khác với Tuấn Anh, trường hợp của chị Trần Lê Vân ở Thanh Miện (Hải Dương) rào cản lại nảy sinh từ phía phụ huynh, khi bố, mẹ của người yêu biết chuyện con trai mình đi khám sức khỏe trước khi làm đám cưới.

Lê Vân nhớ lại: “Bố, mẹ anh ấy tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng, tôi đang coi thường con trai họ. Thậm chí bố, mẹ anh ấy còn nói: Con tôi khỏe mạnh nhất làng, sao phải khám xét, không cưới thì thôi. Cuối cùng, cả hai chúng tôi đành lặng lẽ đi khám và không để phụ huynh biết”.

Lê Vân và người yêu được khám sức khỏe tổng thể, sức khỏe sinh sản, được tư vấn nhiều vấn đề trước khi sinh con nhằm loại trừ những căn bệnh nguy hiểm.

“Hiện, chúng tôi đã có một con gái 9 tháng tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh; gia đình hạnh phúc. Nghĩ lại tôi thấy, việc khám sức khỏe trước hôn nhân là điều cần thiết và nên làm” – Lê Vân bày tỏ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm bắt buộc. Bởi đây là việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng, mà còn thể chất, lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai.

Các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Ảnh minh họa/internet.
Các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Ảnh minh họa/internet.

Bước sàng lọc để nâng cao chất lượng dân số

Hiện, mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đang được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình) cho hay, mô hình này hướng tới hai mục tiêu, đáp ứng cơ bản nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên và khám sức khỏe, phát hiện, tư vấn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn về phòng tránh, điều trị các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật; góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Hiện, mô hình được triển khai tại hơn 1.400 xã của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước; cung cấp kiến thức, tư vấn, điều trị cho hàng triệu vị thành niên, thanh niên để tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật.

Sau một thời gian triển khai mô hình cho thấy, nhận thức của thanh niên trước khi kết hôn đạt được những tín hiệu khả quan.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức và thực hành tìm kiếm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn của thanh niên hiện còn rất hạn chế; sử dụng dịch vụ này chưa trở thành nhu cầu, chưa đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng do định kiến xã hội, tập quán văn hóa, chênh lệch trình độ dân trí, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tính sẵn có của dịch vụ còn hạn chế, dẫn đến việc tổ chức triển khai khám, tư vấn trước và sau khi khám giữa các tuyến còn chưa thuận lợi.

Mặt khác, việc triển khai mô hình còn một số khó khăn như: Số lượng đối tượng tham gia sinh hoạt còn hạn chế, khó kêu gọi sự tham gia của các đối tượng vào các câu lạc bộ ở xã/phường; kinh phí ngày càng cắt giảm nên việc triển khai, duy trì các hoạt động của mô hình rất khó khăn và kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, hiện chưa có kế hoạch thực hiện phối hợp giữa ngành Dân số với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động của mô hình; kiến thức chuyên môn của một số cán bộ cung cấp dịch vụ còn hạn chế; thiếu trang thiết bị khám sức khỏe tiền hôn nhân… là những khó khăn, hạn chế khiến mô hình chưa được triển khai hiệu quả.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các chỉ tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%.

Để đạt được mục tiêu này, theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động và huy động xã hội tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn;

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn và quản lý dịch vụ. Cùng với đó, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tới cộng đồng; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ đảm bảo chất lượng cho các cơ sở y tế ở các tuyến.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thí điểm xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng chính sách nâng cao chất lượng dân số, việc xây dựng chính sách tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, cần tập trung tăng cường, đa dạng hóa các hình thức, loại hình truyền thông, tạo sức hấp dẫn với vị thành niên, thanh niên tham gia thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Cần khuyến khích, hỗ trợ nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tham gia dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe, đặc biệt là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Theo bác sĩ Vũ Minh Hà – nguyên Chánh Văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam, việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đồng thời, giúp các bạn trẻ biết cách chủ động kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như: viêm gan B, các bệnh di truyền, bệnh về đường sinh dục...

Theo bác sĩ các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay, để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Từ năm 2013, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 63/63 tỉnh, thành. Đến nay, hàng ngàn câu lạc bộ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân ra đời với hàng trăm ngàn thanh niên là thành viên; chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng triệu lượt người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ