Hiệu quả từ mô hình lồng ghép
Hiện, một số địa phương triển khai mô hình nhóm tín dụng tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số - sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Nhìn nhận về mô hình này, ông Nguyễn Văn Phỏng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình cho rằng, nếu thực hiện đúng mục đích, quy định sẽ có tác dụng tốt; đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho hoạt động truyền thông dân số - sức khỏe sinh sản còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phỏng, hoạt động truyền thông dân số - sức khỏe sinh sản trên cơ sở thành viên được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ mang tính bền vững và hiệu quả của truyền thông sẽ cao hơn. Trên tinh thần đó, thành viên trong nhóm có trách nhiệm và nghĩa vụ hơn, đặc biệt trợ giúp nhau trong chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình.
“Tại Thái Bình có triển khai mô hình "Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau", thành viên câu lạc bộ là người cao tuổi và thanh niên được chọn theo tiêu chí. Mục tiêu của mô hình là tạo cơ hội cho thành viên và người cao tuổi cải thiện đời sống; phát huy vai trò, đóng góp trong việc cải thiện sức khỏe, kinh tế. Đồng thời, cải thiện sự tương tác giữa câu lạc bộ với chính quyền địa phương, nhà cung cấp và các tổ chức khác, thúc đẩy việc thực thi quyền lợi của người cao tuổi” – ông Phỏng nhấn mạnh.
Hiện, toàn tỉnh có 16 câu lạc bộ, kết quả bước đầu được đánh giá là tốt, cần được nhân rộng. Để triển khai có hiệu quả hơn nữa các mô hình; ông Phỏng trao đổi, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục tham mưu cho UBND, Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế quan tâm chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực cho công tác truyền thông. Mặt khác, tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động truyền thông; đặc biệt chú trọng phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, ngành giáo dục, hội Liên hiệp Phụ nữ; Đoàn thanh niên...
Ngoài ra, Chi cục tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức truyền thông, tư vấn như: Tổ chức hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số/sức khỏe vị thành niên/thanh niên; sử dụng các nền tảng truyền thông hiện đại như: Zalo; Facebook; Tiktok...
Cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể
Nhấn mạnh sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai công tác dân số tại mỗi địa phương, ông Phỏng cho rằng, để công tác này đạt kết quả cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể tại địa phương;
Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân số tại địa phương cho thấy, vai trò quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được thể hiện ở việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai; đầu tư các nguồn lực như: kinh phí, cơ sở vật chất; trang thiết bị, nhân lực... để triển khai; chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; công tác kiểm tra, giám sát...
Phụ nữ xã Kim Bôi (Kim Bôi, Hòa Bình) được cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Internet. |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình cho hay, hàng năm, UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh có văn bản hướng dẫn các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai truyền thông về công tác Dân số và phát triển.
Theo đó, có nhiều nội dung, hoạt động phong phú được tổ chức theo nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc thù của địa phương và chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị như: tổ chức nói chuyện chuyên đề tại xã, bệnh viện, trung tâm y tế… Tổ chức các Hội diễn giao lưu văn nghệ, lồng ghép các thông điệp truyền thông công tác Dân số và Phát triển tại cộng đồng.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng tổ chức truyền thông vận động đến lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người có uy tín trong cộng đồng về công tác Dân số và Phát triển thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề của các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tỉnh….
Ngoài ra, tổ chức hội nghị cho bí thư, khối trưởng, chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể; lồng ghép trong nội dung đào tạo của các lớp Lý luận Chính trị - Hành chính, lớp tập huấn cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp từ tuyến tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông, tư vấn…
Để mô hình truyền thông lồng ghép có hiệu quả hơn và có sức lan tỏa sâu rộng đến nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên, bà Lê Tố Quyên - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang đề nghị, Trung ương cần tiếp tục ứng dụng công nghệ vào truyền thông thông qua các cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu kiến thức dân số, SKSS… qua nền tảng mạng xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh sân khấu hóa trong truyền thông, giáo dục dân số, quan tâm việc lồng ghép thông qua các chương trình, sân chơi như phim truyền hình… Trung ương cũng cần sớm xây dựng và triển khai thí điểm mô hình truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/ thanh niên ở các khu, cụm công nghiệp và trong các nhà trường. Trên cơ sở đó địa phương sẽ đầu tư nguồn lực nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh Bắc Giang.
Cần có các chỉ đạo thống nhất từ các Bộ ngành Trung ương bằng văn bản cụ thể về việc tích hợp giáo dục dân số, giới tính, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong các bậc học THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Cần tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác truyền thông dân số các cấp; thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông lồng ghép các nội dung về dân số và phát triển.