Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ -Hưởng ứng tuần lễ “Làm mẹ an toàn năm 2023", huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã tổ chức buổi truyền thông tuyên truyền tới người dân. 

Xã Sơn Phú truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Internet.
Xã Sơn Phú truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Internet.

Buổi truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 15 đến 60 tuổi đã được tổ chức.

Những chuyển động tích cực

Gác lại công việc nương rẫy, chị Hà Thị Nở (dân tộc Tày) tay bế, tay bồng hai con cùng xuống trạm y tế xã Sơn Phú để tham gia buổi thăm khám, tư vấn dinh dưỡng định kỳ của các y sĩ.

Chị Nở chia sẻ, trong lần đầu mang thai và chăm con sơ sinh, mọi hiểu biết của chị về giữ an toàn thai sản chỉ bằng truyền miệng và theo kinh nghiệm từ người lớn trong bản.

Vì vậy chị đã không có chế độ dinh dưỡng đủ tốt cho mẹ và con. “Rút kinh nghiệm từ lần mang bầu trước, lần thứ 2 tôi đã chú ý lời các bác sĩ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai, ăn uống đủ chất để con hấp thu tốt" – chị Nở bộc bạch.

Làm theo những chỉ dẫn từ bác sĩ, chị Nở đã sinh hạ một bé trai kháu khỉnh nặng 2,6kg. Chị cho con bú sữa mẹ tới tháng thứ 17 và định kỳ mùng 10 hàng tháng đưa con đi tiêm chủng.

Y sĩ Quan Trung Sỹ - Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Phú cho biết, Sơn Phú hiện có hơn 3.200 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Kinh, Dao, Mông. Do bận làm nương, rẫy và khoảng cách giữa các thôn tới trung tâm xã đường khó đi cho nên việc chăm sóc sức khỏe của người dân và gia đình chưa được coi trọng, nhất là vấn đề về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Theo ông Quan Trung Sỹ, phụ nữ trong thời gian mang thai thường không đến trạm khám đủ số lần theo quy định. Nhiều bà mẹ thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng và hay đau ốm.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Phú cho hay, 8 thôn của xã đều có cán bộ y tế. Trạm trưởng thường xuyên cùng đội ngũ này tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, chăm sóc sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ của trạm cũng chia sẻ cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng thông qua các mô hình phục hồi dinh dưỡng được triển khai tại các thôn, bản và các buổi tiêm chủng tại trạm.

Cũng theo ông Quan Trung Sỹ, mỗi tháng, nhân viên y tế thôn, bản sẽ đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà mẹ thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản; động viên phụ nữ mang thai và gia đình tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình…

Vẫn còn khó khăn

Buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn tại xã Đà Vị. Ảnh: Internet.

Buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn tại xã Đà Vị. Ảnh: Internet.

Cách xã Sơn Phú 20km, tại Trạm y tế xã Đà Vị các bà mẹ cũng tới khám và nghe tư vấn về các vấn đề nêu trên. Một bà mẹ ở thôn Bắc Lè cho biết, nhờ được tư vấn truyền thông nên đã biết chăm sóc con khoa học. Chị cũng biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản và tự nguyện thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên - Phó Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết, để giúp bà con thay đổi cách nuôi con theo khoa học, Trung tâm đã triển khai kế hoạch xuống tận huyện, xã.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại tổ xóm, trạm y tế. Chúng tôi tuyên truyền trên loa đài truyền thông, phát tờ rơi, áp phích” – bác sĩ Quyên trao đổi và cho biết, lực lượng cán bộ y tế thôn bản là đầu mối tuyên truyền hiệu quả nhất vì họ trực tiếp tiếp xúc với người dân và hiểu tập quán của bà con dân bản.

Theo bác sĩ Trần Tuấn Bình - Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Na Hang, để thực hiện mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân trên địa bàn, huyện đã triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”; trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới xã, thôn, bản, cung cấp viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ có thai.

Tuy nhiên, hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó nhân lực và kinh phí là vấn đề khó khăn nhất.

Bác sĩ Trần Tuấn Bình viện dẫn, huyện Na Hang có 12 xã, 1 thị trấn nhưng 3 xã chưa có bác sĩ. 6 xã bác sĩ làm việc và ở tại chỗ, những xã còn lại bác sĩ làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần tại trạm.

Bên cạnh đó, để một bác sĩ chấp nhận rời thành phố về cấp xã là rất khó, kể cả là bác sĩ mới ra trường. Vậy nên năm vừa qua, dù Trung tâm có tổ chức thông báo tuyển dụng bác sĩ nhưng không tuyển được nhân sự nào.

Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất là kinh phí vì chăm sóc từ 7 đến 42 ngày đầu sau sinh chỉ có ở dự án 7. Các cán bộ sản khoa và y tế thôn bản hoặc đỡ đẻ tại nhà sản phụ rồi đến chăm sóc tại chỗ 7 đến 42 ngày đầu.

Tuy nhiên việc thực hiện theo dự án này chỉ có ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí không nhiều nên kết quả thực hiện chưa được như mong muốn. “Nếu có kinh phí, cán bộ y tế chúng tôi sẽ triển khai chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ được tốt hơn..." - Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên nói.

Tỉnh Tuyên Quang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để mở rộng, duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng đặc biệt khó khăn.

“Từ những nỗ lực đó, 9 tháng đầu 2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng của trẻ em của xã Sơn Phú đã giảm còn 15,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao là 23,92%. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai trong ba thời kỳ mang thai đạt 95%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 91%...” - ông Quan Trung Sỹ thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ