Thay đổi làm ăn vì… Covid

GD&TĐ - Covid-19 đang buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức vận hành. Trong suốt trận đại dịch, có lẽ, không ai có thể dự đoán điều sẽ xảy ra trong tương lai.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuối năm cũng được cho là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tăng trưởng.

Song, do Covid-19, không ít công ty phải xem xét đưa ra những thay đổi trong mô hình hoạt động và kinh doanh. Đại dịch đang tăng tốc độ chuyển dịch mô hình - quá trình vốn cần hàng thập kỷ để diễn ra.

Nhiều công ty nhận thấy, sau khi đại dịch bùng phát, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn. Sự lây lan mạnh mẽ của Covid-19 đã khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Bởi vậy, các sản phẩm và dịch vụ của nhiều doanh nghiệp không còn phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi các công ty không có khả năng hoặc công nghệ, việc hợp tác với một doanh nghiệp có năng lực hơn là vô cùng cần thiết. Bởi, điều đó cho phép các công ty mở rộng quy mô đổi mới với tốc độ nhanh chóng.

Song, phương pháp này cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải “buông bỏ” tư duy cũ. Đồng thời, có đủ sự hứng thú để học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh.

Một phần quan trọng hơn nữa cho việc sẵn sàng trong tương lai là khả năng dựa trên các nguyên tắc và thực tiễn kinh doanh khác nhau từ các lĩnh vực. Nhờ đó, có kiến ​​thức mới về cách một sản phẩm được tạo ra hoặc dịch vụ được phân phối. Trong bối cảnh này, nhiều công ty trên thế giới đã yêu cầu nhà điều hành xây dựng các đội ngũ khác nhau.

Họ đưa ra những thách thức giả định để lên kế hoạch ứng phó. Sự đa dạng của các quan điểm đã được chứng minh là có thể thúc đẩy đổi mới. Trong khi đó, đổi mới được coi là “chìa khóa” quyết định việc liệu các công ty có thể xây dựng lại thành công từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hay không.

Các chuyên gia cho rằng, những nhà lãnh đạo thành công nhất là người sẽ mở rộng tầm nhìn và tiến vào các thị trường mà họ nhìn thấy cơ hội phát triển. Họ “nhảy” từ các lĩnh vực chuyên môn sẵn có sang kiến ​​thức mới.

Thực tế, đó được coi là một nguồn sức mạnh giúp các doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Bởi, hiện, các công ty phải đối mặt với lựa chọn: Thay đổi để thích ứng hoặc sụp đổ. Song, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều hơn thế để có thể thích nghi.

Trước mắt, việc xem xét những thách thức mà một thương hiệu phải đối mặt là vô cùng quan trọng. Trước khi Covid-19 xuất hiện, bí quyết của các doanh nghiệp là sản xuất một sản phẩm tiêu chuẩn với chi phí thấp nhất có thể. Sau đó, thương hiệu sẽ tìm cách xây dựng danh tiếng của sản phẩm thông qua các nhà bán lẻ.

Đồng thời, quảng cáo trên quy mô lớn. Song, điều đã thay đổi hiện nay là tầm quan trọng của việc kết hợp các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến. Một thương hiệu phải tạo ra các dịch vụ được cá nhân hóa và thúc đẩy mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng.

Đối với nhiều công ty, đây là thời điểm để bứt phá và tạo nên sự thay đổi. Nếu có một điều tích cực khi nhìn vào đại dịch, có lẽ, đó là cuộc khủng hoảng giúp loại bỏ “sức ỳ” của các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ